Đào tạo nghề giúp lao động nông thôn ổn định đời sống

Thứ hai, 13/07/2020 09:29
(ĐCSNV) - Tuy còn nhiều khó khăn, song trong những năm qua, công tác đào tạo nghề cho người lao động luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp ở tỉnh Điện Biên đặc biệt quan tâm và triển khai thực hiện có hiệu quả...

Theo đó, thực hiện Đề án 1956 “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hằng năm, UBND tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các cấp tiến hành khảo sát ngành/nghề đào tạo theo nhu cầu đăng ký học thực tế của người lao động nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, của xã hội, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo. Phát huy vai trò nòng cốt, Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh đã thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các chính sách, pháp luật về đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; vận động người lao động lựa chọn ngành/nghề phù hợp với nhóm tuổi, định hướng phát triển kinh tế của gia đình và sự chuyển dịch cơ cấu lao động.

Là địa phương đi đầu trong công tác hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) đã luôn chú trọng thực hiện việc khảo sát, thăm dò nhu cầu đào tạo nghề của lao động kết hợp với đánh giá đúng tiềm năng, lợi thế của địa phương - nơi có kế hoạch mở lớp đào tạo nghề, sau đó phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức tư vấn, vận động lao động đăng ký tham gia các lớp đào tạo nghề. Từ năm 2010 đến nay, Tuần Giáo đã tổ chức được gần 150 lớp đào tạo nghề cho hơn 6.400 lượt người lao động; tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 74% và chủ yếu làm việc ổn định tại địa phương. Người lao động được tham gia các lớp đào tạo nghề ngắn hạn với các nghề chủ yếu như: kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm; kỹ thuật trồng và khai thác rừng trồng, kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho trâu bò; kỹ thuật trồng quản lý dịch hại cho cây ngô... Anh Lò Văn Tú ở xã Tênh Phong cho biết: “Ðược tham gia lớp đào tạo chăn nuôi gia súc, gia cầm ở xã, tôi đã biết cách chăm sóc và phòng bệnh cho trâu bò đúng kỹ thuật nên trâu bò do gia đình nuôi ít mắc bệnh hơn so với trước”.

Công tác đào tạo nghề đã giúp hàng nghìn lao động ở Điện Biên có thêm thu nhập.
(Ảnh: NTH )

Theo đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh Điện Biên, thực hiện Đề án 1956 “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh Điện Biên đã có khoảng gần 54 nghìn lượt người lao động được hỗ trợ học nghề; trong đó, có gần 41 nghìn lượt người có việc làm ổn định. Quá trình thực hiện đề án, các địa phương trong tỉnh đã thí điểm thành công nhiều mô hình dạy nghề ngắn hạn đạt hiệu quả, có khả năng nhân rộng trong thời gian tới, như: kỹ thuật trồng và chế biến nấm (TX Mường Lay); kỹ thuật xây dựng (huyện Tuần Giáo, Mường Ảng); sửa chữa xe máy (huyện Tuần Giáo, Ðiện Biên Ðông); trồng ngô, lúa (huyện Ðiện Biên Ðông, Tủa Chùa); chăn nuôi gà đồi, vườn (huyện Mường Ảng); kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và chế biến cà phê (huyện Mường Ảng); chăn nuôi gia súc (TX Mường Lay, huyện Ðiện Biên Ðông)... Cùng với việc tạo việc làm, mang lại hiệu quả kinh tế, hoạt động đào tạo nghề ở Điện Biên còn giúp người học thay đổi nhận thức, ý thức đối với công tác học nghề. Nếu như trước đây, một bộ phận người lao động tham gia học nghề để được hỗ trợ tiền ăn, hỗ trợ sinh hoạt phí thì đến nay, cơ bản người lao động đã có ý thức hơn về học nghề. Đại đa số người lao động đã nhận thức rõ, tham gia học nghề sẽ giúp họ có cơ hội tìm việc làm phù hợp hoặc có khả năng tự tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống của bản thân và gia đình.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay việc đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn gặp một số khó khăn như: do diện tích rộng, địa hình hiểm trở, phức tạp, dân cư sống phân tán, nên khó khăn cho việc tuyên truyền về đào tạo nghề; việc gắn đào tạo với giải quyết việc làm sau đào tạo chưa đạt hiệu quả cao, cơ cấu lao động trong tỉnh chậm chuyển dịch chậm dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp còn cao; doanh nghiệp ở Điện Biên chủ yếu là vừa và nhỏ, ít làng nghề truyền thống nên chưa thu hút được nhiều lao động ở khu vực nông thôn vào làm việc; việc mở các lớp đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên cho lao động nông thôn thường theo mùa vụ và tiến độ thời gian thực hiện còn chậm; một số người lao động còn tư tưởng trông chờ ỷ lại, thiếu ý thức phấn đấu vươn lên thoát nghèo và làm giàu, dẫn đến khó khăn cho đơn vị đào tạo nghề.

Được biết, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề đối với lao động nông thôn, thời gian tới cấp ủy, chính quyền các cấp ở tỉnh Điện Biên sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về chính sách, pháp luật trong giáo dục nghề nghiệp, chính sách giải quyết việc làm; coi trọng nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để người lao động có được việc làm sau đào tạo, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; tạo cơ hội cho người lao động tiếp cận thuận tiện các dịch vụ xã hội, thực hiện có hiệu quả các chương trình đào tạo, giải quyết việc làm, trong đó ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa... Từ đó, giúp người lao động nông thôn có thêm việc làm, nâng cao thu nhập và phát triển đời sống./.

Nguyễn Thị Hoàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực