Đầu mùa mưa lại lo ngập úng

Thứ hai, 14/05/2018 16:11
(ĐCSVN) – Mới bước vào đầu mùa mưa, TP.Hồ Chí Minh đã vài lần bị ngập do mưa lớn. Những điểm ngập nặng đang là nỗi ám ảnh cho người dân nơi đây khi phải dầm mình trong nước để lưu thông và tình trạng này kéo dài trong nhiều năm qua.

 

Mới đầu mùa mưa, đường TP.Hồ Chí Minh đã có nơi ngập úng
(Ảnh: K.V)

Không còn là mới, mỗi khi triều cường, nhiều tuyến phố của TP.Hồ Chí Minh biến thành sông, khi mùa mưa sang, kết hợp cả mưa lớn và triều cường đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân TP.Hồ Chí Minh. Họ đã quen cảnh chấp nhận sống chung với nước ngập.

Chỉ trong mấy ngày đầu của tháng 5/2018, khi chuyển mùa mưa, TP.Hồ Chí Minh đã hứng chịu cảnh ngập lụt trên nhiều tuyến phố thuộc quận Bình Thạnh, Thủ Đức, quận 7…mặc dù lượng nước trong các trận mưa vừa qua không quá lớn, tuy nhiên cũng đủ khiến nhiều nơi bị ngập. Một trong những điểm ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh tồn tại từ nhiều năm qua, mặc dù nơi đây đã được bố trí siêu máy bơm chống ngập, nhưng trong cơn mưa đầu tiên của mùa mưa 2018, tại đây đã ngập lênh láng. Hàng loạt phương tiện đi qua khu vực này đã bị chết máy, khiến giao thông trên đường bị hỗn loạn.

Nhiều hộ dân sống trong khu vực đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7 cho biết, cứ mưa xuống họ lại phải sống chung với ngập. Tại đây có một số vị trí trũng thấp, hệ thống thoát nước kém, nên mỗi lần ngập phải mất vài tiếng đồng hồ nước mới rút. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến đi lại của người dân mà còn khiến việc kinh doanh của nhiều tiểu thương bị trì trệ…

Việc biến đổi khí hậu đang có tác động mạnh mẽ đến TP.Hồ Chí Minh khi mà mưa ngày càng lớn, triều cường dâng cao bất thường…khiến cho các khu vực vùng trũng và nơi có hệ thống thoát nước xuống cấp, yếu kém sẽ ngày càng bị ngập sâu trong nước. Theo các chuyên gia về thủy lợi của Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh thì hệ thống thoát nước Thành phố trước khi cải tạo bằng vốn ODA chỉ chịu được những trận mưa khoảng chừng 40mm trong 3 giờ. Sau khi nâng cấp, chịu được trận mưa từng 85mm. Nhưng vừa qua trên địa bàn Thành phố có những trận mưa có lượng mưa tăng gấp đôi con số kể trên. Có nơi đo được đến hơn 200mm đã khiến Thành phố ngập nặng.

Lãnh đạo Phòng Quản lý hệ thống thoát nước thuộc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.Hồ Chí Minh cho rằng, diễn biến thời tiết ngày càng bất lợi cho công tác chống ngập. Trong khi đó, việc đầu tư các công trình thoát nước hiện nay không đáp ứng yêu cầu và trở nên lỗi thời trước diễn biến biến đổi khí hậu. Công tác chống ngập ở TP.Hồ Chí Minh hiện nay được thực hiện theo quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước Thành phố đến năm 2020, được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2001 và quy hoạch thủy lợi chống ngập úng TP.Hồ Chí Minh phê duyệt năm 2008.

Theo hai quy hoạch này, TP.Hồ Chí Minh xây dựng 6.000km cống thoát nước, xây trên 100 hồ điều tiết, 12 nhà máy xử lý nước thải, hơn 170km đê bao cùng 12 cống ngăn triều lớn...Tuy nhiên đến nay chỉ mới xây được khoảng 50% số lượng cống trên, chưa có hồ điều tiết nào, chỉ mới được một nửa nhà máy xử lý nước thải và 1 cống kiểm soát triều lớn. Có thể thấy, để giải quyết bài toán chống ngập, chi phí đầu tư rất quan trọng nhưng nếu không quan tâm đến vấn đề kiểm soát được tốc độ đô thị hóa, nâng cao ý thức người dân và sự phối hợp các cơ quan liên quan thì việc chống ngập cho TP.Hồ Chí Minh vô cùng nan giải.

TS Phạm Viết Thuận, Viện Kinh tế tài nguyên và Môi trường cho hay, qua 40 năm nhìn lại chúng ta có tới 20% ao hồ, kênh rạch bị san lấp, tương ứng với trên 3.500ha diện tích chứa nước bị mất đi. Đây là một trong những yếu tố làm TP.Hồ Chí Minh ngày càng ngập nặng thêm. Do đó, ngoài việc khai thông hết những kênh rạch đang bị lấn chiếm, TP.Hồ Chí Minh xem xét nên hay không dừng sự phát triển về hướng nam gồm một phần quận 7, 8, huyện Nhà Bè, Bình Chánh vì đây vốn là nơi trữ nước lớn của Thành phố.

Theo Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP.Hồ Chí Minh, thời gian qua, nhiều dự án chống ngập nước đang được triển khai tại trên địa bàn Thành phố. Tuy nhiên, mới đây, một trong những dự án chống ngập lớn nhất tại TP.Hồ Chí Minh, đó là Dự án Chống ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu với kinh phí 10 nghìn tỷ đồng đã phải dừng thi công do một số yếu tố, trong đó có việc chậm giải phóng mặt bằng và vốn vay từ ngân hàng…

Cũng trong năm nay, TP.Hồ Chí Minh phấn đấu xóa 7 điểm ngập. Đó là điểm ngập do mưa tại khu vực đường Mễ Cốc 2, Lưu Hữu Phước 2, Lương Định Của, Tôn Thất Hiệp, Hồ Văn Tư, Trương Vĩnh Ký, An Dương Vương. Các điểm ngập còn lại tại các khu vực khác của Thành phố phấn đấu được giải quyết ngập từ năm 2019 đến sau năm 2020.

Tại các điểm ngập do triều cường trong năm nay, Thành phố đưa ra mục tiêu giải quyết được 8/9 tuyến đường ngập. Đến năm 2020 sẽ hoàn thành giải quyết 9/9 tuyến đường ngập do triều. Theo lãnh đạo Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP.Hồ Chí Minh, việc giải quyết các điểm ngập chỉ mang tính cục bộ. Để giải quyết tổng thể tình trạng ngập úng trên địa bàn Thành phố phải chờ các dự án quy mô lớn. Nhìn chung các dự án này phải đến sau năm 2018 mới hoàn thành và phát huy hiệu quả chống ngập. 

Trước mắt, để giúp người tham gia giao thông tránh ngập, TP.Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đưa ra một giải pháp để người dân chủ động tránh ngập úng, đó là thông qua ứng dụng UDI Maps của Công ty Trách nhiệm Một thành viên Thoát nước đô thị Thành phố. Theo đó, ứng dụng cài trên điện thoại này sẽ giúp người dân nắm được tình hình mưa, triều cường và các điểm ngập đang diễn ra trên địa bàn thành phố để chủ động đi lại. Phần mềm này còn hỗ trợ thông tin để tìm các tuyến đường thay thế, tránh các vị trí ngập khi tham gia giao thông./..

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực