Đề xuất các giải pháp giảm thiểu sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ bảy, 27/05/2017 16:23
(ĐCSVN) – Ngày 26/5, tại TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam, Hội thảo quốc gia “Nghiên cứu về quá trình xói lở và các biện pháp bảo vệ bãi biển Hội An và vùng ven biển hạ lưu sông Mê Kông” tiếp tục ngày làm việc thứ 2 với nhiều ý kiến thảo luận và đề xuất các giải pháp giảm thiểu sạt lở cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Liên minh châu Âu và Pháp hỗ trợ Việt Nam trong nghiên cứu về xói mòn bờ biển

Sạt lở do thiếu lượng bùn  phù sa bồi đắp

Dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Hoàng Văn Thắng, đại diện lãnh đạo Phái đoàn Liên minh Châu Âu, và lãnh đạo Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Hội thảo tiếp tục chia sẻ nhiều giải pháp giảm thiểu tác động và tình trạng sạt lở tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Theo đại diện Bộ NN&PTNT, ĐBSCL  là nơi sinh sống của hơn 17 triệu người và vùng canh tác nông nghiệp lớn nhất nước, với sản lượng lúa chiếm trên 52% tổng sản lượng của cả nước. Tuy nhiên, hiện nay ĐBSCL hiện đang đối mặt với mối đe dọa của biến đổi khí hậu, dẫn đến tình trạng nước biển dâng. Hiện tượng sạt lở ở vùng ĐBSCL luôn là vấn đề nóng, mấy năm trở lại đây luôn trong tình trạng báo động.

Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo

Trước thực trạng sạt lở tại nhiều khu vực ở ĐBSCL, nhiều địa phương đã tập trung các nguồn lực và đưa ra nhiều biện pháp để hạn chế nạn sạt lở, nhất là ở các cửa sông, cửa biển và khu vực tuyến đê ven biển trong khu vực. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, tình trạng sạt lở đang diễn ra tại nhiều nơi với cường độ và quy mô lớn hơn, gây nhiều thiệt hại cho sản xuất và đời sống của người dân nơi xảy ra sạt lở.

Trao đổi tại Hội thảo, GS. TS Đào Xuân Học, Chủ tịch Hội Thủy lợi Viêt Nam nhận định: Tình trạng sạt lở tại ĐBSCL hiện nay có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên là sự thiếu hụt phù sa về đồng bằng.

GS.TS Đào Xuân Học cho biết, với 144 hồ chứa thủy điện được xây dựng trên sông MêKông, dự báo sẽ có khoảng 60 - 70% phù sa bị lắng đọng. Bên cạnh đó, nhu cầu cát cho san lấp nền và xây dựng gia tăng dẫn đến sự mất cân bằng nghiêm trọng bùn cát ở hạ lưu ven sông, ven bờ biển ngày càng nghiêm trọng. Dòng chảy trên sông Mê Kông ngày càng giảm vào mùa lũ...

Bên cạnh đó, ĐBSCL là một đồng bằng trẻ, đất mềm yếu, kết cấu đất và nền móng lỏng lẻo rất dễ gây xói lở, tạo ra các thủy vực và sạt lở; sóng cơ học từ các tàu thuyền máy chạy với tốc độ cao cũng gây tác động vào bờ, gia tăng tình trạng xói lở.

Cùng chung nhận định nạn sạt lở tại ĐBSCL là do thiếu lượng bùn phù sa bồi đắp, dẫn số liệu nghiên cứu tại hai địa phương Cà Mau và An Giang, Tiến sĩ Patrick Marchesielo, Viện Nghiên cứu Phát triển (IRD) tại Việt Nam cho biết, nồng độ bùn cát lơ lửng tại vùng hạ lưu sông Mê Kông đã giảm một nửa trong vòng 10 năm qua do việc xây dựng các đập thủy điện phía trên thượng lưu và tình trạng khai thác cát tràn lan. Nguồn trầm tích đã giảm xuống chỉ còn 25 - 80 triệu tấn/ năm. Bên cạnh đó, sự suy giảm thảm thực vật ven bờ do hệ thống rừng ngập mặn bị mất đi và việc xây dựng đê gần bờ gây ảnh hưởng đến hệ thái ven biển cũng là những nguyên nhân gia tăng sạt lở tại ĐBSCL.

Tiền Giang và Cà Mau đề nghị hỗ trợ tài chính và nghiên cứu bảo vệ vùng biển

Trước tình trạng sạt lở đang diễn ra hết sức nghiêm trọng tại ĐBSCL, đại biểu tại Hội thảo đã đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó đa số các ý kiến đều thống nhất đề xuất lựa chọn các giải pháp mềm để chống xói mòn như trồng rừng, xây dựng tường mềm bằng tre, gỗ và nuôi bãi; chỉ sử dụng công trình cứng khi thực sự cần thiết như ở Gò Công để phá sóng dạng rỗng (tức là kè bê tông có lỗ).

Theo nhiều chuyên gia, việc hạn chế sạt lở ở ĐBSCL cũng như vùng ven biển cả nước đang rất khó khăn do chưa có một giải pháp nào hữu hiệu có thể áp dụng cho mọi vùng biển. Riêng tại khu vực sông Mê Kông, phần thượng nguồn của lưu vực sông này thuộc sự quản lý của nhiều nước trên cùng lưu vực. Do vậy, để hạn chế những rủi ro từ thượng nguồn, chúng ta cần thông qua Ủy ban Sông Mê Kông và các tổ chức quốc tế. Đặc biệt, sự chia sẻ thông tin quản lý, điều hành hồ thủy điện, số liệu dòng chảy, quy trình điều hành hồ chứa ở thượng nguồn… giữa các quốc gia trên cùng lưu vực chưa được phối hợp thực hiện.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo, trong quá trình hợp tác về đề nghị các nước trên lưu vực sông Mê Kông phối hợp, giải pháp lâu dài và bền vững nhằm khắc phục tình trạng sạt lở tại ĐBSCL là giảm thiểu sự mất cân bằng về lượng bùn cát tại các con sông. Trong đó, biện pháp nuôi bãi, bổ sung cát để tái tạo bờ được xem là giải pháp hứa hẹn. Tuy nhiên hiện nay chúng ta rất ít kinh nghiệm về nuôi bãi trên thế giới.

Theo GS. TS Đào Xuân Học,  giải pháp xây dựng đô thị sinh thái và làng sinh thái nên được các địa phương thuộc ĐBSCL quan tâm. Theo GS, tại mỗi đô thị dành quỹ đất 7 - 10% để xây dựng hồ sinh thái thì sẽ đạt được những mục tiêu: có được khối lượng đất dư để không cần lấy thêm cát san nền từ sông; giải quyết vấn đề ngập úng do mưa; nước sinh hoạt cho các đô thị ở khu vực ĐBSCL, chủ yếu lấy từ nguồn nước ngầm do việc khai thác quá mức đã gây nên tình trạng sụt lún ở các đô thị.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng thông tin: Hiện Bộ NN&PTNT đang thực hiện nhiều vấn đề như hoàn thiện thể chế, lồng ghép vào vấn đề phòng chống thiên tai cho ĐBSCL và miền Trung; tăng cường hoạt động khoa học công nghệ tìm hiểu cơ chế thiên tai, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền.

Ngoài ra, các địa phương cần nhận thức việc quản lý tổng hợp, cần chuyển việc phát triển kinh tế sang hướng sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên. Ngành xây dựng cần tăng cường trong việc tái cơ cấu vật liệu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tránh phụ thuộc quá mức vào tài nguyên. Không nên có tư tưởng làm các công trình để chống lại thiên tai, việc quản lý rủi ro phải xuất phát từ việc giảm thiểu các nguyên nhân.

Quang cảnh tại Hội thảo

 

Để đảm bảo các giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm hạn chế thiệt hại và nạn xói lở bờ biển tại địa phương, trao đổi tại Hội thảo, đại diện 2 tỉnh Tiền Giang và Cà Mau đã đề nghị AFD hỗ trợ về tài chính và nghiên cứu về cơ chế gây xói mòn để đưa các biện pháp bảo vệ vùng biển của địa phương.

Về vấn đề này, theo Phái đoàn Liên minh Châu Âu và lãnh đạo Cơ quan phát triển Pháp (AFD), từ  tháng 5/2016, AFD, Liên minh Châu Âu cùng Viện khoa học thủy lợi miền Nam đã triển khai dự án nghiên cứu quá trình xói lở và xác định các biện pháp bảo vệ bền vững cho vùng hạ lưu sông Mê Kông.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia dự án trên thì, bước đầu họ xác định nguyên nhân gây xói lở là do giảm lượng bùn cát từ sông Mê Kông bởi các tác động của con người xây dựng đập ở vùng thượng nguồn và khai thác cát ở hạ lưu.Theo tính toán, nồng độ bùn cát lơ lửng đã giảm một nữa trong vòng 10 năm qua. Cạnh đó, các vành đai rừng ngập mặn bị phá hủy, suy giảm thảm thực vật và việc xây dựng đê quá gần bờ biển gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái ven biển, làm gia tăng xói mòn. Ngoài ra còn có tác động biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

“Đồng bằng hình thành và được mở rộng ra chỉ khi nguồn trầm tích từ sông đủ lớn. Ngược lại, nguồn trầm tích bị giảm sẽ gây xói lở. Do vậy chúng tôi đang nỗ lực tìm cách giảm quá trình xói lở gây ra bởi sóng và tạo điều kiên thuận lợi cho dòng trầm tích vào bờ và giữ lại” - Tiến sĩ Patrick Marchesiello, chuyên gia của dự án cho biết và khẳng định thêm: Biển Gò Công (của Tiền Giang) là khu vực chịu tác động trực tiếp bởi thiếu hụt trầm tích từ sông; còn ở U Minh (Cà Mau) xảy ra xói lở gần đây liên quan đến thảm thực vật bị suy giảm, sụp lún và các công trình chắn sóng cứng gây bất lợi cho việc bổ sung nguồn trầm tích tự nhiên.

Trước kết quả nghiên cứu của dự án, nhiều đại biểu dự Hội thảo nhận định việc dùng rừng ngập mặn để bảo vệ bờ biển là mong muốn lựa chọn theo tự nhiên và đồng tình lựa chọn giải pháp nuôi bãi. Đây là các giải pháp mền tối ưu đối với khu vực ĐBSCL hiện nay. 

Để tiếp tục dự án nghiên cứu tại ĐBSCL, trên cơ sở đề nghị của Tiền Giang và Cà Mau, đại diện Liên minh Châu Âu và AFD đã cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ huy động các nguồn lực, vốn ODA để cùng với Việt Nam triển khai các biện pháp phòng ngừa, trước tác động xói mòn, biến đổi khí hậu. Qua đó phục hồi rừng ngập mặn và đường bờ biển vốn có. Gia tăng sự kết nối với các tổ chức, các chuyên gia quốc tế để hỗ trợ việc này. Trước mắt, Liên minh Châu  và các chuyên gia sẽ tiếp tục có sự hỗ trợ về mặt nghiên cứu, kỹ thuật và kêu gọi nguồn vốn triển khai biện pháp bảo vệ vùng bờ biển của tỉnh Tiền Giang, Cà Mau và các địa phương khác thuộc hạ lưu sông Mê Kông.

Về phía Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho biết: Bộ này sẽ cùng các địa phương rà soát lại các dự án hạ tầng, triển khai biện pháp cấp bách bảo vệ bờ biển ở vùng có nguy cơ xói lở cao, gây bức xúc cho nhân dân.

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực