Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại hai địa phương ở Đồng Nai

Thứ ba, 07/05/2019 15:25
(ĐCSVN) – Huyện Trảng Bom và huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai vừa xác nhận đã có dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn.

Theo đó, tại xã Đồi 61 của huyện Trảng Bom, một hộ chăn nuôi lợn đã xảy ra hiện tượng lợn chết, qua xét nghiệm mẫu, cơ quan chức năng đã xác định lợn chết dương tính với bệnh tả lợn châu Phi, địa phương và chủ hộ chăn nuôi đã tiến hành tiêu hủy, tiêu độc khử trùng. Ngay sau khi phát hiện, huyện Trảng Bom đã lập hai chốt kiểm dịch trên địa bàn xã có ổ bệnh, tạm ngừng hoạt động ba cơ sở giết mổ, tăng cường kiểm tra, xử lý các lò mổ trên địa bàn. Trước đó, tại huyện Nhơn Trạch cũng đã phát hiện dịch bệnh tả lợn châu Phi ở xã Phước Thiền.

Nhằm ngăn chặn và hạn chế tối đa dịch tả lợn châu Phi đang xâm nhập vào tỉnh Đồng Nai, những ngày qua, các chốt kiểm dịch tuyến đầu giáp ranh với 2 tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận đang được các ngành chức năng tỉnh Đồng Nai phối hợp siết chặt kiểm tra, kiểm soát nguồn lợn ra vào tỉnh 24/24 giờ.

Vệ sinh chuồng trại nuôi lợn ở Đồng Nai. (Ảnh: K.V)

Nhằm chủ động phòng, chống dịch xâm nhập và lây lan, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Đồng Nai để thống nhất một số biện pháp phối hợp trong phòng chống dịch. Cụ thể, các ngành chức năng của hai địa phương nói trên thiết lập kênh trao đổi cập nhật thường xuyên diễn biến dịch bệnh, để phối hợp kiểm soát nguồn lợn nhập về TP.Hồ Chí Minh giết mổ đảm bảo đúng quy định. Thống nhất tuyến đường vận chuyển lợn từ Đồng Nai xuất về TP.Hồ Chí Minh giết mổ chỉ được đi qua 2 tuyến đường là quốc lộ 1A và 1K, trình phúc kiểm, tiêu độc khử trùng tại Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức và Xuân Hiệp.

Các trường hợp xuất lợn về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nếu chủ hàng có nhu cầu đi tuyến Cao tốc Long Thành - Dầu Giây phải đăng ký ghi rõ tuyến đường vận chuyển trên giấy chứng nhận kiểm dịch. Ngoài ra, không cấp giấy kiểm dịch xuất sản phẩm thịt lợn từ các cơ sở giết mổ thuộc vùng dịch, tăng cường kiểm tra đối với các cơ sở giết mổ tại các xã thuộc vùng uy hiếp, vùng giáp sát có xuất nguồn thịt lợn về TP.Hồ Chí Minh tiêu thụ.

Hiện, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ thiệt hại cho hộ chăn nuôi, chủ trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã,...có lợn mắc bệnh dịch tả châu Phi; Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần kinh phí để người dân khôi phục sản xuất. Theo đó, tỉnh Đồng Nai quy định chi phí hỗ trợ tiêu hủy lợn bị bệnh như sau: lợn con theo mẹ 300.000 đồng/con; lợn con cai sữa dưới 2 tháng tuổi: 500.000 đồng/con; lợn thịt từ 2 - 4 tháng tuổi: 2.000.000 đồng/con; lợn thịt, lợn giống hậu bị: 3.000.000 đồng/con; lợn nái, lợn đực giống đang khai thác: 4.500.000 đồng/con.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho hay, ngay từ khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Trung Quốc, sau đó là Việt Nam, các ngành chức năng, chính quyền địa phương, người chăn nuôi của tỉnh Đồng Nai đã chuẩn bị sẵn tinh thần, các biện pháp phòng chống được triển khai, tuy nhiên đường lây lan của dịch tả lợn châu Phi là vô cùng phức tạp nên khó tránh khỏi.

Liên quan đến đàn lợn của Đồng Nai, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này, tính đến cuối tháng 4/2019, tổng đàn lợn của trên địa bàn tỉnh còn trên 2 triệu con, giảm gần 0,5 triệu con so với đầu năm. Trong đó, có gần 1,9 nghìn trang trại chăn nuôi khoảng 1,6 triệu con lợn (chiếm trên 80% tổng đàn); chăn nuôi nhỏ lẻ gần 400 nghìn con (chiếm tỷ lệ gần 20% tổng đàn). Nguyên nhân tổng đàn lợn của Đồng Nai giảm mạnh là do ảnh hưởng của dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi đang lan rộng dẫn đến giá lợn luôn đứng ở mức thấp. /..

K.V (Th)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực