Điện Biên: Nỗ lực giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết

Thứ sáu, 18/03/2016 19:14
(ĐCSVN) - Thực tế thời gian qua ở tỉnh miền núi Điện Biên cho thấy, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết vừa là nguyên nhân, vừa là hệ quả của đói nghèo, lạc hậu. Do vậy, ngăn chặn, đẩy lùi tảo hôn và hôn nhận cận huyết là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong chăm lo, phát triển đời sống mọi mặt của người dân vùng cao.

Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn ở xã Sa Lông, huyện Điện Biên Đông. Ảnh QĐ

Chú trọng giải quyết vấn đề từ gốc

Trong những năm qua, việc kết hôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Điện Biên cơ bản đã được thực hiện đúng theo Luật Hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, tại một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, khu vực đặc biệt khó khăn vẫn diễn ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ mà còn để lại những hệ lụy nghiêm trọng đối với trẻ em khi được sinh ra, là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng tử vong ở trẻ sơ sinh hoặc dị tật, dị hình bẩm sinh...

Trước tình trạng đó, từ năm 2011, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tỉnh Điện Biên đã triển khai thực hiện thí điểm mô hình “Giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại các bản ở 6 xã là Mường Mươn, Na Sang, Sa Lông, Phì Nhừ, Sa Dung, Háng Lìa thuộc 2 huyện Điện Biên Đông và Mường Chà. Thông qua khảo sát thực tế, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết được xác định là do trong đời sống của người dân vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục; thiếu kiến thức thông tin; đời sống khó khăn, thiếu thốn... Vì vậy, quá trình triển khai mô hình, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo Trung tâm Dân số - KHHGD của 2 huyện phối hợp chặt chẽ cùng các ban, ngành chức năng và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội tại các xã chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung mô hình giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết đến đoàn viên, hội viên và bà con nhân dân. Thông qua những hình thức phong phú như truyền thông nhóm; trao đổi, nói chuyện chuyên đề tại các bản gắn với các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại cộng đồng đã có tác động trực tiếp đến nhận thức, từng bước làm thay đổi nếp nghĩ của các bậc phụ huynh và trẻ vị thành niên.

Đặc biệt, vai trò của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số ở cơ sở đã được phát huy tốt trong bám nắm địa bàn. Không chỉ sâu sát đến từng hộ gia đình, trực tiếp tuyên truyền, vận động các hộ đăng ký cam kết không để xảy ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, họ còn kịp thời phát hiện những trường hợp có nguy cơ tảo hôn hoặc hôn nhân cận huyết để từ đó có biện pháp tiếp cận, tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể từng người và phối hợp cùng các lực lượng tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, ngăn chặn.

Trao đổi cùng chúng tôi, chị Vàng Thị Dua, cán bộ chuyên trách dân số xã Phì Nhừ (Điện Biên Đông) cho biết, có nhiều hộ, cán bộ dân số và cộng tác viên dân số cơ sở phải tranh thủ thời gian buổi trưa hoặc buổi tối để đến tuyên truyền, vận động; những lúc chính vụ, nhiều lúc chị em phải tìm đến tận nương rẫy mới gặp được người dân. Sau đó, phải mất nhiều thời gian chuyện trò, tìm hiểu, giải thích, tuyên truyền thì bà con mới hiểu được tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết.

Bên cạnh đó, Trung tâm Dân số và KHHGĐ các huyện Mường Chà và Điện Biên Đông còn chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các trường dân tộc nội trú trên địa bàn 2 huyện tổ chức tập huấn kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tiền hôn nhân cho cán bộ, giáo viên; nói chuyện chuyên đề cho học sinh nội trú; thành lập Câu lạc bộ Tư vấn tiền hôn nhân với nhiều hoạt động giáo dục, tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình, tình yêu, tình bạn, những hệ quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết... Cô giáo Hoàng Thị Hạnh, thành viên Câu lạc bộ Tư vấn tiền hôn nhân Trường THPT Dân tộc nội trú huyện Điện Biên Đông chia sẻ: “Nhà trường đã lập hòm thư tư vấn để nắm bắt, giải đáp những thắc mắc của học sinh về vấn đề sức khỏe sinh sản vị thành niên. Các học kỳ đều tổ chức giao lưu, tọa đàm hoặc hội thi để tuyên truyền, giáo dục các em về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết”.Nhờ vậy, trong một số năm gần đây, Trường THPT Dân tộc nội trú huyện Điện Biên Đông không có hiện tượng học sinh tảo hôn hay hôn nhân cận huyết.

Những tín hiệu tích cực bước đầu

Tuy thời gian triển khai thực hiện chưa dài song với những giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc của các cơ quan, ban ngành, tổ chức đoàn thể nên đến nay, mô hình “Giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại huyện Điện Biên Đông và huyện Mường Chà đã thu được nhiều kết quả khả quan. Nhận thức, ý thức ở đại bộ phận đồng bào về hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết đã được nâng lên.

Theo số liệu thống kê tại 6 xã tham gia mô hình, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết đã từng bước được ngăn chặn có hiệu quả. Theo đó, số cặp tảo hôn đã giảm từ 133 cặp (năm 2010) xuống còn 43 cặp (năm 2015); nếu như năm 2010, trên địa bàn 6 xã có 69 cặp hôn nhân cận huyết thì đến năm 2015, tình trạng này đã hoàn toàn chấm dứt. Những kết quả này đã góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng dân số, cải thiện sức khỏe của đồng bào các dân tộc trên địa bàn triển khai mô hình.

Ông Lý Vần Sang ở bản Huổi Vang, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà cho biết: “Trước đây theo tập quán cũ, mình lấy vợ lúc 16 tuổi. Con cái sinh ra nheo nhóc, ốm đau quanh năm. Giờ được cán bộ tuyên truyền thì mình biết hơn rồi. Mình sẽ không để bọn trẻ lấy vợ, lấy chồng sớm như mình nữa”.

Có thể nói, mô hình “Giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” đã và đang mang lại những hiệu quả thiết thực, làm giảm nhanh tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết; giảm tỷ lệ trẻ em bị dị tật bẩm sinh... Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản, tạo cơ hội học tập, lao động cho trẻ vị thành niên và nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách dân số, KHHGĐ. Theo bà Đặng Thị Thúy Lan, Trưởng phòng Truyền thông - Giáo dục, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Điện Biên, để tiếp tục thực hiện và tiến tới nhân rộng mô hình giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, thời gian tới, Chi cục sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban ngành, tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, suy nghĩ của bà con; đồng thời chỉ đạo đội ngũ cán bộ dân số, cộng tác viên dân số ở cơ sở luôn sâu sát, nắm bắt hoàn cảnh cụ thể của từng trường hợp trong độ tuổi thành viên, thanh niên để kịp thời phát hiện và ngăn chặn những biểu hiện tảo hôn, hôn nhân cận huyết./.

Quang Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực