Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiên tai

Thứ tư, 05/08/2020 22:45
(ĐCSVN) – Từ đầu tháng 8 đến nay, nhiều địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bị thiệt hại do tình trạng sạt lở đê biển nghiêm trọng, cùng với đó là nhà của người dân bị sập do giông lốc và mưa lớn.
Khắc phục đoạn đê bị sạt lở ở Kiên Giang. (Ảnh: VOV) 

Theo đó, tại khu vực vàm Tiểu Dừa thuộc xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang đã xảy ra sạt lở đê biển. Đoạn đê bị sạt lở với tổng chiều dài 700m, đang được các lực lượng 4 tại chỗ của tỉnh Kiên Giang khẩn trương khắc phục. Ngay sau khi 2 đoạn đê biển ở xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh bị sạt lở do mưa to gió lớn trong những ngày qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang đã ra quyết định công bố tình trạng sạt lở đê biển nghiêm trọng cần khắc phục khẩn cấp. Cụ thể, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn xử lý khẩn cấp nhằm khắc phục tạm thời đoạn đê biển bị sạt lở nghiêm trọng tại khu vực này. Đồng thời phối hợp với Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, đề xuất nguồn kinh phí để xử lý khắc phục khẩn cấp khu vực sạt lở. Huyện An Minh cũng đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến tình trạng nguy hiểm tại khu vực sạt lở đê biển, vận động nhân dân di dời đến nơi an toàn. Cùng với đó là khẩn trương khắc phục và hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về tài sản, đảm bảo an toàn tính mạng của nhân dân, chuẩn bị phương án sẵn sàng huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để hỗ trợ nhân dân di dời và ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.

Trước đó, tại hai xã Song Phụng, và Phú Hữu, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng đã xảy ra sạt lở bờ sông, làm ảnh hưởng đến nhiều hộ dân sinh sống tại khu vực, trong đó có nhiều hộ phải di dời. Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng phối hợp với lãnh đạo huyện Long Phú đã đến kiểm tra hiện trường vụ sạt lở, làm ảnh hưởng nhiều hộ dân tại 2 xã Song Phụng và xã Phú Hữu. Đoạn sạt lở có chiều dài khoảng hàng chục mét, lấn sâu vào đất liền hơn chục mét và làm sụ lún đoạn đường bê tông với độ sâu từ 3m đến 5m. Trước đó, đoạn đường này đã được cấm biển báo có nguy cơ sạt lở. Hiện, các hộ dân bị ảnh hưởng đã khẩn trương phá dỡ hàng rào, công trình phụ và di dời đồ đạc để tránh tiếp tục bị sạt lở. Theo ông Vương Tấn Vũ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Long Phú cho biết, dù mới bước vào mùa mưa nhưng tình hình sạt lở trên địa bàn huyện diễn biến hết sức phức tạp, gây ảnh hưởng ngày càng lớn về tài sản đời sống dân sinh.

Về lâu dài, huyện kiến nghị cấp tỉnh và các Bộ, ngành sớm bố trí vốn để địa phương xây dựng bờ kè chống sạt lở, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Ngoài điểm sạt lở trên, thời gian qua, trên địa bàn huyện Long Phú và các địa phương ven sông, ven biển ở Sóc Trăng cũng đã xảy ra nhiều điểm sạt lở bờ sông, bờ biển khác làm nhiều hộ dân sinh sống trong khu vực lo âu và ảnh hưởng đến việc lưu thông qua lại của nhiều người dân. Không chỉ ở Long Phú, từ khi bước vào mùa mưa đến nay, nhiều vụ sạt lở cũng đã xảy ra liên tiếp trên địa bàn huyện Kế Sách, gây thiệt hại lớn về tài sản, sản xuất của người dân trên địa bàn.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2 kết hợp gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, khu vực tỉnh Hậu Giang xảy ra mưa rào và dông khiến 3 căn nhà bị sập, 3 nhà bị tốc mái. Cụ thể tại huyện Long Mỹ sập hoàn toàn 1 căn, tốc mái 1 căn; thành phố Vị Thanh sập hoàn toàn 2 căn, tốc mái 2 căn. Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang cho biết, nhận được tin báo về thiệt hại do mưa kèm dông lốc cục bộ, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Long Mỹ, thành phố Vị Thanh đã xuống hiện trường phối hợp chính quyền địa phương điều động dân quân tự vệ, công an, các đoàn thể cùng người dân tham gia khắc phục, dọn dẹp, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương ở Hậu Giang đang chỉ đạo bộ phận chuyên môn kiểm tra, rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại để báo cáo, làm cơ sở hỗ trợ cho người dân khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Đồng thời đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân cảnh giác, chằng chống nhà cửa, kiểm tra các cây cao dễ đổ ngã, đường dây điện để có phương án đảm bảo an toàn trong suốt mùa mưa, bão. Các địa phương chuẩn bị các đội xung kích ở cơ sở sẵn sàng ứng phó khi có thông báo về thời tiết xấu để xử lý nhanh chóng theo phương châm “4 tại chỗ” giúp dân khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; đồng thời khuyến cáo người dân tránh xa vật mang kim loại, không trú ẩn dưới tán cây lớn để đảm bảo an toàn khi có sét./..

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực