Đồng Nai đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông

Thứ năm, 10/09/2020 09:28
(ĐCSVN) – Hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã và đang sắp có hàng loạt dự án trọng điểm giao thông quốc gia và của tỉnh này được triển khai thực hiện. Với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, đây sẽ là tiền đề lớn để Đồng Nai và các tỉnh Đông Nam Bộ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Nhiều dự án giao thông quan trọng

 Đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây. (Ảnh: Đỗ Khải)

Có thể thấy, Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án giao thông có quy mô lớn nhất hiện đang được triển khai trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đây cũng là một trong những dự án lớn nhất của cả nước được thực hiện từ trước đến nay.

Theo quy hoạch, khi hoàn thành xây dựng, sân bay Long Thành sẽ là sân bay lớn nhất của cả nước với công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm. Cùng với Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, hàng loạt dự án giao thông lớn cũng đang và sắp được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới như: đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; mở rộng đường cao tốc TP .Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; đường vành đai 3, 4; cầu Cát Lái nối huyện Nhơn Trạch của Đồng Nai với quận 2- TP. Hồ Chí Minh…

Để đảm bảo tiến độ khởi công Dự án cảng hàng không Long Thành, gần 2 năm qua, Đồng Nai đã tập trung tối đa nguồn lực cho công tác giải phóng mặt bằng. Cam kết với Chính phủ về tiến độ công tác giải phóng mặt bằng, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, vào tháng 10 tới, địa phương sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng khu vực ưu tiên hơn 1,8 nghìn ha để phục vụ khởi công xây dựng Dự án Cảng hành không quốc tế  Long Thành giai đoạn 1. Trong quý II/2021, Đồng Nai sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án hơn 5 nghìn ha cho chủ đầu tư.

Dự án xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cũng là một dự án giao thông trọng điểm quốc gia đang được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Sau khi chuyển đổi hình thức đầu tư, các thủ tục đầu tư đang được tăng tốc thực hiện để khởi công dự án. Theo ông Nguyễn Công Hợp, Phó trưởng phòng quản lý dự án 2, Ban quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông Vận tải ), chủ đầu tư dự án cho biết, dự án sẽ được khởi công vào cuối tháng 9 này. Sau 2 năm, dự án sẽ hoàn thành xây dựng để đưa vào khai thác sử dụng.

Ngoài các dự án giao thông cấp quốc gia, nhiều dự án khác do Đồng Nai thực hiện cũng đang được triển khai. Trong đó, có một số dự án đã hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động như tuyến đường nối cảng Phước An, đường 319, đoạn từ ngã ba Bến Cam, xã Phước Thiền đến đường nối cảng Phước An trên địa bàn huyện Nhơn Trạch…

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng, với các dự án giao thông quy mô rất lớn đang được triển khai trên địa bàn, Đồng Nai hiện đang được xem như là một đại công trường các dự án giao thông trọng điểm của đất nước.

Riêng với hệ thống đường cao tốc, theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 5 tuyến cao tốc đi qua. Trong đó, có 3 tuyến cao tốc đóng vai trò kết nối giao thông cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành gồm: TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; Bến Lức - Long Thành và Biên Hòa - Vũng Tàu.

Hiện nay, tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã đưa vào khai thác với quy mô 4 làn xe. Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đang được triển khai xây dựng và đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đang thực hiện các bước đầu tư.

Ngoài đường bộ, để đảm bảo kết nối giao thông cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành, theo quy hoạch cũng có 2 tuyến đường sắt sẽ được đầu tư xây dựng gồm một tuyến đường sắt tốc độ cao và một tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành kết nối trực tiếp đến nhà ga.

Giao thông thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội

Cầu vượt Amata trên địa bàn TP Biên Hòa- Đồng Nai. (Ảnh: Đỗ Khải) 

Là địa phương nằm ở vị trí cửa ngõ của đô thị lớn nhất cả nước là TP. Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do đó, việc đầu tư, xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới cho tỉnh Đồng Nai. Không chỉ mang giá trị kết nối, một hệ thống giao thông hiện đại, đồng bộ còn thúc đẩy phát triển kinh tế và quá trình đô thị hóa cho địa phương này.

Với mô hình phát triển “thành phố sân bay”, Cảng hàng không quốc tế Long Thành có vai trò quan trọng trong việc kết nối và là động lực để Đồng Nai phát triển. Chính vì vậy, Đồng Nai đang khẩn trương hoàn thành quy hoạch quanh khu vực này, bao gồm hệ thống hạ tầng, nguồn nhân lực. Ngoài ra tỉnh cũng phải đưa ra các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư vào khu vực này để thu hút nguồn lực. Xây dựng kế hoạch đầu tư công trong đó ưu tiên tập trung cho giao thông kết nối nội tỉnh, nội vùng, liên vùng….

Song song với đó, khi các dự án xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và nút giao thông ngã tư Dầu Giây hoàn thành, sẽ giúp giảm tải về áp lực giao thông cho quốc lộ 1 hiện tại. Việc hình thành các trục giao thông kết nối mới, giảm thời gian lưu thông chính là điều kiện thuận lợi nhất để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai.

Đánh giá về sự thuận tiện của các dự án giao thông trên địa bàn, ông Lê Thành Mỹ, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch khẳng định, các tuyến đường nối vào cảng Phước An và đường 319, đoạn từ ngã ba Bến Cam đến đường nối cảng Phước An sau khi hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện thuận lợi, nhất là việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu của các doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu công nghiệp trên địa bàn.

Một trong ba nhiệm vụ đột phá được tỉnh Đồng Nai đưa ra trong Chỉ thị về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021 của tỉnh , đó chính là việc phải huy động các nguồn lực tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông trọng điểm, giao thông đô thị và giao thông kết nối.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, các dự án giao thông đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh khi hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ góp phần quan trọng trong việc giải quyết vấn đề kết nối giao thông với các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Qua đó, tạo động lực mới để tỉnh phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư.

Chính vì lẽ đó, thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án giao thông. Đặc biệt, để phát huy tối đa hiệu quả các dự án giao thông mang lại, hiện nay, Đồng Nai đang tập trung xây dựng quy hoạch tỉnh nhằm đảm bảo tính kết nối khi các dự án này đưa vào sử dụng./..

 

 

           

K.V- Đỗ Khải

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực