Đồng Nai phấn đấu hoàn thành 3 chỉ tiêu bảo vệ môi trường

Thứ hai, 11/05/2020 09:04
(ĐCSVN) - Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường để phát triển bền vững, năm 2020, Đồng Nai tiếp tục tăng cường các giải pháp và nguồn lực cho hoàn thành 3 chỉ tiêu trên lĩnh vực bảo vệ môi trường…

Đó là tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải các loại; tỷ lệ khu công nghiệp có trạm xử lý nước thải tập trung, lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động và tỷ lệ che phủ cây xanh, che phủ rừng. Về chỉ tiêu thứ nhất là thu gom, xử lý chất thải phải đạt 100% đối với chất thải y tế, chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp không nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, riêng đối với chất thải rắn sinh hoạt, phải đảm bảo tỷ lệ xử lý bằng hình thức chôn lấp không quá 15%. Chỉ tiêu thứ hai là tỷ lệ các khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh phải có trạm xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường đạt 100%. Khu công nghiệp có nước thải ổn định lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động đạt 100%. Đối với chỉ tiêu thứ ba là nhiệm vụ đảm bảo độ che phủ cây xanh và độ che phủ rừng, chỉ tiêu đưa ra là giữ độ che phủ cây xanh đạt 52%, ổn định tỷ lệ che phủ rừng đạt 29,76%.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, hiện nay, phần lớn các chỉ tiêu trên đã được Đồng Nai thực hiện hoàn thành. Tuy nhiên, nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường, địa phương này vẫn đặt mục tiêu giữ vững các chỉ tiêu đã đạt và tiếp tục hoàn thành các chỉ tiêu chưa đạt. Ông Trần Trọng Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) tỉnh Đồng Nai cho biết, trong năm 2020, Đồng Nai đặt mục tiêu tiếp tục giảm tỷ lệ rác thải sinh hoạt xử lý bằng hình thức chôn lấp về mức dưới 15%. Đối với các khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, Đồng Nai có 31 khu đều đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, đảm bảo việc tiếp nhận, xử lý nước thải cho các doanh nghiệp.

Nhà máy xử lý nước thải trong Khu công nghiệp Nhơn Trạch- Đồng Nai

(Ảnh: K.V)

Năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai phối hợp với các ngành và các địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát việc xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp đang hoạt động. Tăng cường kiểm tra hoạt động thu gom, xử lý các loại chất thải phát sinh từ hoạt động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Trên địa bàn Đồng Nai đang triển khai 12 dự án xử lý nước thải sinh hoạt, thoát nước cho các huyện và hai thành phố là Biên Hòa và Long Khánh.

Các dự án trên có tổng vốn đầu tư khoảng 8,6 nghìn tỷ đồng, những công trình này đều được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn tới. Riêng năm 2020, tỉnh Đồng Nai sẽ dành ra khoảng 313 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách để giải ngân cho các dự án xử lý nước thải, thoát nước trên địa bàn. Tại khu vực nông thôn, Đồng Nai cũng đã triển khai thực hiện chương trình phân loại rác tại nguồn. Đặc biệt, đối với các hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn chưa có tuyến thu gom rác, các địa phương đã hướng dẫn người dân tiến hành phân loại, tận dụng những loại rác có thể tái chế, xử lý bằng các phương pháp đốt, ủ làm phân bón hoặc chôn lấp trong khuôn viên gia đình. Hiện khối lượng rác thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn ở Đồng Nai do người dân tự xử lý đạt hơn 377 tấn/ngày.

Đồng Nai hiện là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc xây dựng, lắp đặt các trạm quan trắc tự động để theo dõi, giám sát chất lượng môi trường. Đặc biệt là tại các khu vực và lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Từ nhiều năm nay, hoạt động quan trắc môi trường đã được Đồng Nai duy trì và phát triển, trong đó thực hiện trọng tâm ở các khu vực trọng điểm như các khu công nghiệp, các đô thị, các lưu vực sông bị ô nhiễm nặng, các khu vực nuôi trồng thủy sản.

Theo ông Võ Văn Chánh, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, năm 2020, tỉnh này sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh triển khai các dự án thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải đô thị tại các khu vực có nguy cơ ngập úng. Thực hiện các dự án cải tạo kênh mương, đoạn sông, suối đã bị ô nhiễm nặng chảy qua các đô thị, khu dân cư tập trung, và các dự án nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn. Đồng thời nhân rộng các mô hình xử lý ô nhiễm môi trường tại các điểm phát sinh chất thải nguy hại ở các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo hướng GAP; kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất và kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón…/..

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực