Đồng Nai tập trung phòng, chống dịch bệnh COVID-19

Thứ năm, 02/04/2020 11:50
(ĐCSVN) – Toàn tỉnh Đồng Nai có 7 khu cách ly tập trung đã được đưa vào sử dụng với sức chứa trên 1.100 giường để phục vụ cho công tác cách ly người có yếu tố nguy cơ nhiễm COVID-19. Hầu hết các cơ sở đều đảm bảo những điều kiện cần thiết về trang thiết bị, máy móc, đồ dùng để người thuộc diện cách ly sử dụng, sinh hoạt hằng ngày…

Chủ động xây dựng kịch bản đối phó ở 4 cấp độ của dịch bệnh

Phun độc, khử trùng phòng chống dịch COVID-19 ở TP.Biên Hòa (Ảnh: Báo Đồng Nai)

Theo chỉ đạo của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, mỗi địa phương trong Tỉnh có trách nhiệm nghiên cứu, thành lập một khu cách ly tại địa phương mình với quy mô ít nhất là 100 giường bệnh để chủ động, kịp thời triển khai cách ly, theo dõi, điều trị những trường hợp nghi ngờ/nhiễm bệnh tại địa phương. Ông Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai cho biết, ngay từ trước Tết Nguyên đán 2020, khi xuất hiện những trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên tại Vũ Hán (Trung Quốc) và một số trường hợp tử vong, tỉnh Đồng Nai đã bắt đầu triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh này.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai đã chủ động xây dựng kế hoạch đáp ứng trong tình huống có ca bệnh đầu tiên ở Việt Nam. Đồng thời chuẩn bị các phương tiện, vật tư y tế, truyền thông để người dân hiểu biết về dịch bệnh, không hoang mang và thực hiện các biện pháp phòng tránh dịch bệnh. Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Trung ương, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnhĐồng Nai cũng đã được thành lập.

Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Cao Tiến Dũng trực tiếp là Trưởng Ban Chỉ đạo. Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh Đồng Nai đã chủ động xây dựng kịch bản đối phó ở 4 cấp độ của dịch bệnh theo hướng dẫn của Trung ương, từ một vài trường hợp nhiễm bệnh đến khi dịch bệnh lây lan ra cộng đồng ở mức độ cao hơn. Chính vì vậy, tỉnh Đồng Nai đã phản ứng nhanh, kịp thời với các tình huống xảy ra trên địa bàn, đó là khi có trường hợp nghi ngờ, tiếp xúc với ca bệnh ở địa phương khác, các cơ quan chức năng lập tức thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để đưa những người có yếu tố nguy cơ đi cách ly. Đồng thời theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm đối với những trường hợp có nguy cơ cao. Cùng với đó, Đồng Nai cũng thực hiện theo đúng quy định trên nhưng đồng thời thực hiện cách ly tập trung với cả những người nhập cảnh từ Anh, Đức, Pháp, Mỹ...

Thông qua phương pháp giải thích, vận động mang tính kiên quyết, những người nhập cảnh đã đồng thuận để vào khu cách ly thực hiện nghiêm quy định cách ly, theo dõi sức khỏe đủ 14 ngày. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai là đơn vị cung ứng đồ bảo hộ cho nhân viên y tế trong tỉnh nên đã chủ động trong việc mua sắm.

Theo đó, trong trường hợp có ca bệnh xác định, những cán bộ, nhân viên y tế trực tiếp tiếp xúc với ca bệnh, nhất là trong bệnh viện sẽ được ưu tiên cấp đầy đủ quần áo bảo hộ cao cấp. Những cán bộ, nhân viên y tế của các ban, ngành khác tham gia phòng, chống dịch bệnh cũng sẽ được trang bị trang phục phù hợp, tùy theo tính chất liên quan đến dịch bệnh. Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, ngành Y tế Đồng Nai cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc xét nghiệm COVID-19 phục vụ mục đích sàng lọc, phát hiện sớm trường hợp nhiễm bệnh để cách ly, điều trị. Yêu cầu về phòng xét nghiệm cho loại bệnh truyền nhiễm nhóm A như COVID-19 là rất nghiêm ngặt, từ trang thiết bị, phòng xét nghiệm phải đảm bảo các vùng đệm, các dây chuyền một chiều đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học. Qua đó nhằm đề phòng việc lây nhiễm chéo cho nhân viên y tế thực hiện nhiệm vụ, không để phát tán virus ra ngoài phòng xét nghiệm…, hiện các phòng xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng đã hoàn tất các yêu cầu cần thiết.

Ông Nguyễn Duy Tân, Chánh Văn phòng Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân TP.Biên Hòa cho biết, để chủ động thực hiện các biện pháp khoanh vùng, cách ly, dập dịch khi có ca bệnh xảy ra, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 Thành phố đã lên kịch bản chi tiết trường hợp có ca bệnh để diễn tập cách ly, dập dịch. Theo đó, Thành phố thực hiện phương châm 4 tại chỗ trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nhằm khống chế dịch bệnh, hạn chế thấp nhất việc lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Cũng theo ông Nguyễn Duy Tân, TP.Biên Hòa có đủ nguồn lực để triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19. Việc phải cách ly một tổ dân phố, khu phố hay một phường, xã vì dịch bệnh chưa có tiền lệ từ trước đến nay. Tuy nhiên, đây là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả. TP.Biên Hòa sẽ nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra, không bị động khi có ca bệnh xuất hiện.

Theo TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai thì sự bình tĩnh, ý thức phòng bệnh của mỗi người dân trong cộng đồng là rất quan trọng. Nếu có triệu chứng nghi ngờ nhiễm COVID-19 nên đến các cơ sở y tế để được theo dõi; mang khẩu trang mỗi khi ra đường để bảo vệ mình và bảo vệ người khác, đặc biệt không nên vì sợ bị cách ly mà giấu bệnh... TS-BS Phan Huy Anh Vũ cho rằng, chỉ có 2 con đường khiến dịch bệnh này lây lan là tiếp xúc trực tiếp với người mang bệnh và tiếp xúc với virus bám trên bề mặt. Như vậy, việc hạn chế đến nơi đông người và tất cả phải đeo khẩu trang khi ra ngoài có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng bệnh. Nếu 90% người dân đều mang khẩu trang sẽ ngừa được nhiều bệnh khác, không riêng gì COVID-19.

Những sáng kiến trong phòng, chống dịch bệnh

Buồng khử khuẩn di động do Trung tâm KH-CN , Sở KH và CN Đồng Nai nghiên cứu lắp ráp. (Ảnh: Báo Đồng Nai)

Cùng với các ngành chức năng của tỉnh Đồng Nai chung tay trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các cá nhân, đơn vị trên địa bàn tỉnh này cũng tham gia tích cực vào hoạt động phòng, chống dịch một cách hiệu quả. Nhóm giảng viên Khoa Dược Trường đại học Lạc Hồng đã cùng nghiên cứu, điều chế nước rửa tay khô nano bạc. Một số sinh viên thay vì nghỉ học ở nhà phòng dịch đã tình nguyện cùng các thầy cô chung tay cho công việc trên. Sau khi điều chế nước rửa tay nano bạc thành công, Trường đại học Lạc Hồng đã tặng cho người dân, các cơ quan, đoàn thể, các trường học trong và ngoài tỉnh với số lượng lên đến hàng chục nghìn chai.

Cùng với Trường đại học Lạc Hồng, các trường đại học khác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai như Trường đại học Công nghệ Miền Đông, Trường đại học Công nghệ Đồng Nai… cũng điều chế nước sát khuẩn để tặng cho các cơ quan, trường học. Để sẵn sàng đón học sinh trở lại khi tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát, nhiều trường học trong tỉnh Đồng Nai cũng đã tự pha chế nước sát khuẩn theo công thức mà Tổ chức Y tế thế giới đưa ra. Việc pha chế nước sát khuẩn được các trường giao cho giáo viên Tổ Hóa - Sinh thực hiện. Cùng chung mục tiêu tiết kiệm, hiệu quả, nhiều trường học trong tỉnh Đồng Nai đã tự trang bị bồn rửa tay trước cổng trường theo những thiết kế riêng.

Thay vì mua bồn rửa tay làm sẵn ở ngoài thị trường với giá lên đến 2,5 triệu đồng/bộ sản phẩm nhưng chỉ dùng được cho 2 người cùng lúc, Trường Trung học phổ thông Thanh Bình, huyện Tân Phú đã đặt làm bồn rửa tay với giá 2,5 triệu đồng nhưng dùng cùng lúc được cho 10 người. Theo đó, trường đã đặt thợ làm bồn rửa tay bằng nhôm, hình chữ nhật, có chiều dài gần 3m đặt dọc theo lối vào cổng trường. Bồn có khung bằng sắt, có thể di chuyển được. Cách làm này không chỉ tiết kiệm mà còn linh động, giúp dễ dàng điều chỉnh vị trí đặt cho phù hợp với nhu cầu sử dụng của học sinh.

Mới đây, các đoàn viên, thanh niên thuộc Chi đoàn Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai đã nghiên cứu, chế tạo thành công bộ thiết bị rửa tay cảm biến. Theo đó, chỉ cần đưa tay vào vị trí, nước rửa tay sẽ tự động phun ra theo dạng tia, khi rút tay ra thì nước tự động ngắt. Sau khi chế tạo thành công, bộ thiết bị này đã được trang bị cho các công ty trực thuộc, văn phòng tổng công ty và tặng cho một số đơn vị công sở trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Những ngày này, một số cán bộ, viên chức thuộc Trung tâm Khoa học-Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) tỉnh Đồng Nai đã tập trung nghiên cứu cải tiến, lắp ráp buồng khử khuẩn di động. Với sự hỗ trợ ban đầu của một nhóm giảng viên Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh), nhóm đã nghiên cứu nhằm tối ưu hóa và tích hợp nhiều tính năng cho buồng khử khuẩn di động để trang bị tại Sở Khoa học và Công nghệ. Buồng khử khuẩn này sử dụng công nghệ phun sương với hệ thống phun sương siêu âm không gây ướt để phun dung dịch khử khuẩn trong thời gian từ 25-30 giây.

Ngoài ra, buồng còn tích hợp máy rửa tay tự động ở bên ngoài. Hiện nay, các cán bộ của trung tâm đang tiếp tục nghiên cứu để tích hợp máy đo thân nhiệt tự động lắp bên trong buồng khử khuẩn này. Kết hợp đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, sử dụng buồng khử khuẩn toàn thân sẽ là một biện pháp kết hợp để phòng chống dịch COVID-19 được Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai sử dụng trong thời gian tới. Ngoài ra, việc tích hợp máy đo thân nhiệt tự động sẽ giúp hạn chế rủi ro lây nhiễm bệnh so với việc sử dụng người để đo trực tiếp.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai, hiện nay chưa thể nói được tác dụng của buồng khử khuẩn vì chưa có cơ sở khoa học để kiểm chứng. Đây chỉ là một giải pháp bước đầu để góp phần vào công tác phòng, chống dịch của Sở. Đồng thời, với chức năng của đốc Sở Khoa học và Công nghệ, chúng tôi cũng giao nhóm thực hiện buồng khử khuẩn tiếp tục tìm các minh chứng khoa học về khả năng diệt vi khuẩn, virus của buồng khử khuẩn để có khuyến cáo cho người sử dụng./..

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực