Dự báo còn 3 - 4 cơn bão ảnh hưởng đến Việt Nam trong năm nay

Thứ tư, 17/08/2016 19:03

(ĐCSVN) – Chiều 16/8, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn (KTTV) Trung ương cho biết, trong khi một cơn áp thấp nhiệt đới đang tiến gần bờ các tỉnh miền Bắc, thì trên Biển Đông tiếp tục xuất hiện thêm áp thấp được dự báo khả năng mạnh lên thành bão.  Tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đức Hòa – Phó trưởng Phòng Dự báo khí tượng hạn vừa, hạn dài (Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương).

Ông Nguyễn Đức Hòa – Phó trưởng Phòng Dự báo khí tượng hạn vừa, hạn dài. (Ảnh: Khánh Ly)

Phóng viên (PV): Việc xuất hiện đồng thời 2 áp thấp nhiệt đới trên cùng một dải hội tụ nhiệt đới có bất thường không và trong lịch sử ngành khí tượng đã từng xảy ra chưa, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Hòa: Việc 2 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) xuất hiện đồng thời trên dải hội tụ nhiệt đới (HTNĐ) thực ra không có gì là bất thường, thậm chí trong thực tế trên dải HTNĐ khi hoạt động mạnh còn có thể xuất hiện 3-4 cơn bão hoặc ATNĐ đồng thời.

Tuy nhiên, 2 ATNĐ xảy ra lần này là khá hiếm gặp khi nó hình thành gần nhau và ngay trên khu vực Vịnh Bắc Bộ và khu vực Bắc Biển Đông. Mặc dù vậy, cũng không quá bất ngờ khi một cơn nhanh chóng bị tan rã.

PV: Áp thấp nhiệt đới trên Vịnh Bắc Bộ hình thành nhanh và cũng suy yếu rất nhanh. Ông có thể cho biết nguyên nhân vì sao?

Ông Nguyễn Đức Hòa: Về nguyên lý hiếm có trường hợp nào mà 2 ATNĐ gần nhau lại tiếp tục tồn tại. Bởi lẽ hai xoáy nếu gần nhau với khoảng cách dưới 2000km thì nhiều khả năng sẽ triệt tiêu lẫn nhau, cơn nào mạnh hơn sẽ làm cơn kia suy yếu đi, thậm chí cơn yếu hơn sẽ sát nhập vào với cơn mạnh hơn.

Trong trường hợp 2 ATNĐ vừa nêu trên, cơn trong Vịnh Bắc Bộ có cường độ yếu hơn và điều kiện động lực (như nhiệt độ mặt nước biển) không thuận lợi và một phần do yếu tố địa hình, cùng với đó ATNĐ trên khu vực Bắc Biển Đông có cường độ mạnh hơn nên đã làm cho ATNĐ trên vịnh Bắc Bộ suy giảm rất nhanh.

PV: Theo quy luật khí hậu, sau El Nino sẽ là La Nina. Việc xuất hiện liên tiếp bão, áp thấp nhiệt đới trong thời gian qua có phải là dấu hiệu cho thấy La Nina sắp xảy ra không thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Hòa: Trạng thái khí quyển – đại dương toàn cầu hiện đang ở trạng thái trung tính (không El Nino, cũng không La Nina). Các quan trắc về nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực trung tâm xích đạo Thái Bình Dương (NINO3.4) cho thấy bề mặt đại dương đã liên tiếp lạnh đi kể từ những tháng cuối năm 2015. Từ đầu năm tới nay chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực NINO3.4 đã giảm nhanh và hiện đang ở mức -0,4oC vào thời điểm tuần cuối tháng 7/2016.

Theo các dự báo mới nhất cho thấy chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển khu vực NINO3.4 sẽ tiếp tục giảm; xác suất xuất hiện hiện tượng La Nina trong các tháng mùa thu năm nay đạt mức 50-60% và nếu xảy ra sẽ có cường độ trung bình tới yếu.

Hệ quả của quá trình chuyển pha ENSO đối với chế độ thời tiết, khí hậu nước ta trong những tháng cuối năm 2016 đó là khả năng bão và ATNĐ sẽ kết thúc muộn, gió mùa đông bắc hoạt động sớm, và mưa lũ xuất hiện với tần suất cao hơn năm 2015 trên khu vực miền Trung trong những tháng cuối năm.

PV:  Thời tiết ngày càng diễn biến dị thường, trái quy luật, ngành KTTV có gặp khó khăn gì trong công tác dự báo không thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Hòa: Theo tôi, Việt Nam vẫn thiếu cơ sở hạ tầng như trang thiết bị máy tính hiện đại, các loại máy móc đo đạc khác chưa đồng bộ, mạng lưới quan trắc vẫn thưa, chưa hoàn toàn tự động, đặc biệt các trạm đo ở trên biển rất hạn chế…

PVTừ nay tới hết năm, dự đoán còn bao nhiêu cơn bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng tới nước ta thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Hòa: Các phân tích và dự báo mới nhất cho thấy khả năng bão và ATNĐ trên khu vực Biển Đông trong năm 2016 sẽ ít hơn trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm khoảng 12-13 cơn/năm); trong đó từ nay đến cuối năm sẽ còn khoảng 3-4 cơn bão, ATNĐ có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Bão, ATNĐ có khả năng xuất hiện nhiều hơn trong những tháng cuối năm, tập trung hơn trên khu vực giữa và nam biển Đông và các tỉnh từ Trung Bộ trở vào phía Nam.

 PV: Xin cảm ơn ông!

BL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực