Gần 347 nghìn con lợn mắc bệnh tai xanh

Thứ hai, 13/09/2010 14:13

(ĐCSVN) - Theo Bộ NN&PTNT, đến nay dịch tai xanh đã xảy ra ở 1032 xã, thuộc 150 huyện của 29 tỉnh, với gần 347 nghìn lợn mắc bệnh, trong đó có gần 170 nghìn lợn chết và bị tiêu hủy. Khả năng dịch tiếp tục lây lan đến các xã, huyện mới ở tỉnh đang có dịch và xuất hiện ở các tỉnh chưa có dịch là rất cao.

 

Dịch tai xanh gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi
(Ảnh minh họa: Internet)

Tính từ cuối tháng 6/2010, dịch lợn tai xanh đã lây lan nhanh và gây thiệt hại nghiêm trọng ở hầu hết các tỉnh phía Nam và đang có chiều hướng gia tăng, tập trung ở các tỉnh Nam Bộ, Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.

Trong những ngày qua, nhiều tỉnh có dịch vẫn liên tục phát sinh nhiều ổ dịch mới.

Tại Kiên Giang, đã phát hiện thêm 7 hộ có lợn mắc bệnh thuộc 6 xã của 3 huyện Giồng Riềng, Tân Hiệp và An Biên. Tính từ ngày 12/8 - 11/9, tỉnh đã có 129 hộ có lợn mắc bệnh ở 31 xã, phường của 8 huyện, làm 1.985 con lợn mắc bệnh, trong đó số lợn chết và tiêu hủy là 634 con.

Tại Tiền Giang cũng có thêm 41 hộ phát sinh thêm gia súc bệnh ở 5 huyện trong tỉnh. Toàn tỉnh đã có 145 xã có lợn mắc bệnh, trong đó có 18 xã đã qua 21 ngày không phát sinh thêm gia súc bệnh.

Theo Bộ NN&PTNT, nguyên nhân làm dịch lây lan rộng, dây dưa kéo dài là do một số địa phương chưa thực sự phòng, chống dịch quyết liệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Trước tình hình đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã có công văn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trương ương tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch tai xanh trên toàn quốc.

Theo đó, các tỉnh có dịch phải công bố dịch (hiện còn tỉnh Trà Vinh và thành phố Cần Thơ vẫn chưa công bố dịch), những tỉnh đã công bố dịch nhưng chưa công bố đầy đủ số xã, huyện có dịch phải tiếp tục công bố dịch. Tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh các cấp, phân công các thành viên trong Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh phụ trách từng địa bàn.

Đồng thời, các tỉnh cần chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát đến từng hộ chăn nuôi để phát hiện dịch sớm tránh tình trạng chỉ biết dịch xảy ra khi người dân có báo cáo.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đề nghị các tỉnh hướng dẫn, công khai rạch ròi chế độ hỗ trợ (theo Quyết định 719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 80/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính hay chính sách hỗ trợ của từng tỉnh) đến người chăn nuôi. Tuy nhiên mức hỗ trợ phải phù hợp với từng địa phương, không đưa mức cao hơn giá thị trường làm cho người dân muốn tiêu hủy lợn bệnh hơn là chăm sóc, điều trị, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước và gây ô nhiễm môi trường./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực