Hà Giang: Tập trung đầu tư cho đào tạo nghề và phát triển nguồn nhân lực ​

Thứ sáu, 22/06/2018 16:02
(ĐCSVN) - Hà Giang là tỉnh có dân số trẻ, lực lượng lao động chiếm trên 64% dân số, trong đó lực lượng thanh niên (từ 15 đến 35 tuổi) chiếm gần 30% dân số. Đây là nguồn lực quan trọng góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.
Một lớp học nghề sửa chữa ô tô tại Hà Giang. Ảnh: Báo Hà Giang.

Xác định muốn đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn phải tập trung đầu tư cho đào tạo nghề và phát triển nguồn nhân lực; coi nhân lực là động lực then chốt để đưa các tiến bộ kỹ thuật, đổi mới công nghệ, cải tiến phương thức quản lý..., tỉnh Hà Giang đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, địa phương đã thực hiện rà soát, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng giảm đầu mối, tăng quy mô, mở rộng ngành nghề, đầu tư có trọng điểm. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh sáp nhập, đổi tên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho phù hợp với Luật Giáo dục nghề nghiệp. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 01 trường cao đẳng; 02 trường trung cấp; 09 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên; 01 trung tâm dạy nghề tư thục và 01 cơ sở khác có tham gia đào tạo nghề.

Về đội  ngũ giáo viên được rà soát, phân loại hàng năm để làm căn cứ cử đi đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng tập huấn về chuyện môn, nghiệp vụ; sắp xếp đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quy mô đào tạo và theo vị trí việc làm của từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Từ năm 2016 đến nay, ban, ngành chức năng địa phương đã phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, các trường đại học, Viện nghiên cứu Khoa học dạy nghề tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp dạy học, cập nhật công nghệ mới và đánh giá kỹ năng nghề quốc gia bậc 1 cho 486 lượt cán bộ, giáo viên. Hiện 100% giáo viên đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Về kết quả đào tạo và giải quyết việc làm sau đào tạo, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo nghề cho 28.700 người, trong đó, số lao động tham gia học nghề nông nghiệp là 15.523 người, đạt 54%; số người tham gia học nghề phi nông nghiệp là 13.177 người, đạt 46%, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh từ 46% năm 2015 lên 49,5% năm 2017, trong đó qua đào tạo nghề đạt 37,1% năm 2015 lên 40% năm 2017.

Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo gắn với giải quyết việc làm, tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tập trung đẩy mạnh liên kết giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như: Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ tỉnh phối hợp với Công ty Cổ phần hỗ trợ công nghiệp phụ trợ Nhật - Việt chuẩn bị cơ sở vật chất, chương trình, giáo trình đào tạo nghề theo thoả thuận; cho các trường cao đẳng, đại học, viện nghiên cứu và phát triển lâm nghiệp vào tỉnh thực hiện liên kết đào tạo nghề gắn với sử dụng lao động; phối hợp với các khu công nghiệp, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh… đưa học sinh, sinh viên đi thực tập nâng cao tay nghề.

Kết quả, trong lĩnh vực phi nông nghiệp có trên 70% lao động sau tốt nghiệp có việc làm; một số nghề như: dệt thổ cẩm, đan lát thủ công, chế biến chè, sản xuất và kinh doanh rượu, xây dựng tỷ lệ này đạt trên 80%....; đối với lĩnh vực nông nghiệp, trên 85% lao động sau khi học xong có nghề mới hoặc vẫn làm nghề cũ, nhưng đã biết áp dụng kiến thức, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh đưa năng suất, chất lượng, thu nhập tăng lên. Hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động đã góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Trao đổi với chúng tôi, ông Sùng Đại Hùng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang cho biết: Để đạt được kết quả trên, chúng tôi đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ tỉnh đến cơ sở; ban hành được các Đề án, chương trình, kế hoạch 5 năm, hàng năm và nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chế độ chính sách sát với thực tế để tổ chức thực hiện; huy động từ nội lực và lồng ghép các nguồn lực để đầu tư; đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ giáo viên; ngành nghề được mở rộng theo nhu cầu của học và thị trường lao động; hình thức đào tạo đa dạng; thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền; tư vấn giới thiệu việc làm, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, HTX trong tỉnh, ngoài tỉnh và phát triển kinh tế - xã hội từng vùng, từng địa phương. Nhiều hộ nghèo đã trở thành hộ trung bình, hộ khá sau học nghề...

Bàn về giải pháp trong thời gian tới, ông Sùng Đại Hùng cho biết thêm: Để khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cũng như nhu cầu lao động của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trên địa bàn, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Giang đã có những giải pháp cụ thể như: Phối hợp cùng các huyện, thành phố rà soát nắm chắc thực trạng nguồn lao động của tỉnh (cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu lao động) để chủ động đề xuất giải pháp sử dụng, cũng như cung ứng cho các doanh nghiệp khi có yêu cầu.

Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực (thực tế hiện nay chất lượng nguồn lao động Hà Giang còn thấp, tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2017 chiếm 45%); trong đó, tập trung đào tạo các ngành, nghề đáp ứng được thị trường lao động; thực hiện liên kết, liên danh đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn lao động; liên danh đào tạo gắn với địa chỉ sử dụng lao động.... Bên cạnh đó, lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với giải quyết việc làm cho người lao động, nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên nguồn nhân lực hiện có cho phát triển kinh tế - xã hội. Mở rộng thị trường lao động để đưa lao động Hà Giang đi làm việc tại các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài. Đẩy mạnh công tác tư vấn giới thiệu việc làm để kết nối cung - cầu lao động, tạo cầu nối cho người lao động, người sử dụng lao động tìm hiểu nhu cầu việc làm và nhu cầu sử dụng lao động; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tập đoàn vào địa phương để tuyển dụng lao động, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp vào địa bàn đầu tư để tạo việc làm tại chỗ cho người lao động.../.

Kim Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực