Hà Nội: Công tác phòng cháy, chữa cháy tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Thứ ba, 10/07/2018 17:43
(ĐCSVN) - Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, cần phải thẳng thắn nhìn nhận vào sự thật rằng, công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố hiện tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ…
Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội báo cáo tại hội nghị. (Ảnh:TA)

411 vụ cháy, 4 người chết, thiệt hại 263 tỷ đồng

Báo cáo tại hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý II/2018 vào sáng 10/7 về công tác phòng cháy chữa cháy (PPCC) và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố Hà Nội, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố được quan tâm, bước đầu đạt được những kết quả tích cực.

Tuy nhiên, tình hình cháy nổ còn diễn biến phức tạp, vẫn xảy ra các vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2018, tại Hà Nội xảy ra 411 vụ cháy (2 vụ cháy lớn, 7 vụ cháy nghiêm trọng, 6 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 55 vụ cháy trung bình…) làm 4 người chết, 9 người bị thương, thiệt hại ước tính trên 263 tỷ đồng và 1,8 ha rừng...

Trước thực trạng trên, thời gian qua, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về PCCC trên địa bàn. Tới đây, lực lượng Cảnh sát PCCC Thành phố cũng sẽ tiếp tục tổ chức tổng kiểm tra, rà soát, đánh giá điều kiện an toàn về PCCC định kỳ, đột xuất theo quy định đối với 100% cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, sẽ tổng rà soát 1.109 cơ sở, công trình nhà cao tầng và siêu cao tầng (trong đó, có 426 công trình vi phạm PCCC đã được chỉ ra).

Nhiều nơi chính quyền chưa quan tâm, chưa làm hết trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy

Phát biểu thảo luận về công tác này tại hội nghị, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, cần phải thẳng thắn nhìn nhận vào sự thật rằng, công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố hiện tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ…

Nêu thực tế qua các cuộc kiểm tra của Bộ Công an, của Cảnh sát PCCC có sự phối hợp với CATP, Giám đốc CATP Hà Nội Đoàn Duy Khương cho biết, ngoài các lý do khách quan, còn có cả lý do chủ quan như lực lượng, năng lực, các điều kiện, phương tiện trang thiết bị kỹ thuật PCCC và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC còn rất hạn chế, khó khăn. Chữa cháy nhiều khi vẫn chỉ chống cháy lan, làm nguội đám cháy là chính.

Mặt khác, dù chúng ta đã tuyên truyền rất mạnh về phòng cháy chữa cháy nhưng chuyển biến trong nhận thức của người dân chưa cao. Hiện khâu yếu nhất trong công tác này là người dân vẫn còn chủ quan và lúng túng trong việc trang bị và sử dụng các phương tiện chữa cháy.

Giám đốc Công an TP Hà Nội đề nghị, trước hết ngay tại trụ sở các cơ quan Nhà nước phải gương mẫu, chấp hành đúng các quy định về PCCC. Cùng đó, chế tài xử lý, xử phạt phải nghiêm khắc hơn, công tác kiểm tra xử lý sai phạm phải kiên quyết và dứt khoát hơn. Chẳng hạn qua kiểm tra các công trình xây dựng nếu phát hiện không đảm bảo an toàn PCCC hay các giải pháp về PCCC chưa đảm bảo thì phải kiên quyết tạm đình chỉ hoặc cắt điện, cắt nước…

Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP Hà Nội phát biểu thảo luận tại hội nghị. (Ảnh:TA)

“Nếu chúng ta không có một giải pháp dứt khoát, một thái độ cứng rắn thì tôi nghĩ rằng, thảm họa về cháy nổ trên địa bàn thành phố là nhãn tiền” – Thiếu tướng Đoàn Duy Khương nêu rõ.

Theo Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam, các nguyên nhân hạn chế, tồn tại trong công tác PCCC là do ý thức chấp hành các quy định pháp luật về PCCC của người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp chưa cao, còn coi PCCC là trách nhiệm của Cảnh sát PCCC.

Theo quy định, các toà nhà phải đầu tư đảm bảo các quy định về PCCC mới được đưa dân vào ở. Tuy nhiên, một số các cơ sở kinh doanh chỉ chăm chăm thu lợi nhuận, không quan tâm PCCC. Cùng với đó là nhiều nơi chính quyền chưa quan tâm, chưa làm hết trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC. Các cơ sở karaoke vẫn đèn sáng choang, biển quảng cáo bịt kín hết, các chung cư vẫn có chuồng cọp…

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, cần xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong công tác này. Nếu ở đâu nguời đứng đầu quyết liệt thì có thể giảm thiểu được cháy nổ.

Tại hội nghị, cung cấp thông tin thêm về công tác quản lý PCCC, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu rõ, Thành phố đã đưa ra các giải pháp chặt chẽ với các công trình vi phạm về PCCC. Hiện nay đối với các chủ đầu tư công trình vi phạm, chưa khắc phục, thành phố sẽ không cấp phép dự án mới cho đến khi khắc phục xong. Điều này đã tác động đến quá trình, tiến độ khắc phục của các chủ đầu tư vi phạm…/.

Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực