Hà Nội liệu có trở thành Thủ đô ẩm thực?

Thứ hai, 04/11/2019 16:49
(ĐCSVN) - Vấn đề quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) trong chợ truyền thống, sản phẩm hết hạn trong siêu thị cùng câu hỏi “Hà Nội liệu có trở thành Thủ đô ẩm thực hay không?” thật sự làm “nóng” phiên giải trình về việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP trên địa bàn thành phố (TP) Hà Nội diễn ra ngày 4/11.
Tại phiên họp, có 15 lượt ý kiến đại biểu đặt câu hỏi, 6 đại biểu gửi câu hỏi để UBND TP Hà Nội trả lời. (Ảnh:TA)

Tại phiên giải trình, hầu hết ý kiến các đại biểu đều cho rằng, công tác đảm bảo ATTP của Hà Nội thời gian qua đã có rất nhiều tiến bộ, đạt nhiều kết quả tích cực, song qua thực tế khảo sát, người dân vẫn có nhiều lo ngại về vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Quang Thắng (tổ Hoàn Kiếm) cho rằng qua khảo sát cho thấy, người dân lo ngại thực phẩm không đảm bảo an toàn, không rõ nguồn gốc, gây nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe. Đại biểu Nguyễn Quốc Khánh (tổ Hoàng Mai) nêu thực trạng bán hàng rong, thức ăn đường phố vẫn phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATTP.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (tổ Thanh Xuân) lo lắng về vấn đề kiểm soát ATTP với các bếp ăn tập thể khi thời gian qua nhiều vi phạm vẫn liên tiếp xảy ra  “Với thực trạng các bếp ăn chưa đảm bảo như trên thì có nên tồn tại bếp ăn tập thể như thế này nữa hay không. Nếu không chúng ta có giải pháp cung cấp dịch vụ thức ăn tại các khu trường học, các khu tập thể như thế nào?” – Đại biểu Nguyễn Minh Đức đặt vấn đề....

Trả lời các đại biểu, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, trong những năm vừa qua, công tác đảm bảo ATTP nhận được sự quan tâm rất lớn của Chính phủ và lãnh đạo TP Hà Nội. Qua thực hiện, trách nhiệm của các ngành, quận, huyện tương đối rõ. Đối với các đơn vị công thương, nông nghiệp đã làm tốt truy xuất nguồn gốc, tuy nhiên, các ngành cần tăng cường thêm công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân phát hiện, tố cáo những đơn vị không an toàn.

Một trong những vấn đề “nóng” được các đại biểu quan tâm là vấn đề quản lý sản phẩm hết hạn trong các siêu thị. Đại biểu Đỗ Thuỳ Dương (tổ Cầu Giấy) chất vấn lãnh đạo Sở Công Thương: “Cử tri đến siêu thị vì tin không chỉ là thương hiệu mà tin vào sự quản lý của cơ quan chức năng. Nhưng thực tế, rất nhiều sản phẩm tại siêu thị không đủ bảo đảm, hết hạn sử dụng, gây mất lòng tin cho người tiêu dùng”.

Giải trình vấn đề này, Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng thừa nhận, ở các trung tâm thương mại, siêu thị, nhưng vẫn có hiện tượng sản phẩm có nguồn gốc chưa bảo đảm. Hiện nay hệ thống phân phối trên địa bàn có 25 trung tâm thương mại, 110 siêu thị, hơn 1.000 của hàng tiện ích.

Giám đốc Sở Công Thương cũng cho biết, trong giấy phép kinh doanh, Sở yêu cầu các cơ sở phải có giấy truy rõ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Nếu cơ quan chức năng kiểm tra mà cơ sở nào không trình được giấy truy rõ nguồn gốc sản phẩm thì sẽ bị xử phạt. “Tuy nhiên, thực tế việc kiểm tra nguồc gốc xuất xứ sản phẩm chưa làm được như mong muốn. Người tiêu dùng cần lưu ý khi mua sản phẩm cần quan tâm đến hạn sử dụng của sản phẩm ghi trên bao bì trước khi mua”, đồng chí Lê Hồng Thăng nói.

Liên quan đến vấn đề quản lý ATTP trong chợ truyền thống, nhất là tại các chợ tạm, chợ cóc, đại biểu Nguyễn Quốc Khánh (tổ Hoàng Mai) chất vấn về tình trạng vi phạm trong kinh doanh thực phẩm đường phố tại khu vực chợ Nghĩa Tân, chợ Hàng Bè. Đại biểu Đoàn Việt Cường (tổ Mê Linh) nêu, một số địa phương có hoa quả, thực phẩm không rõ nguồn gốc bày bán tràn lan và đề nghị Chủ tịch UBND các phường và quận làm rõ các vấn đề trên…

Giám đốc Sở Công thương Lê Hồng Thăng giải trình các vấn đề đại biểu nêu. (Ảnh:TA) 

Phát biểu cuối phiên họp giải trình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, ATTP là vấn đề được rất nhiều cử tri và nhân dân quan tâm. TP đã xây dựng các quy trình, quy chế rất rõ ràng liên quan đến ứng xử với các sự cố này, có phân công trách nhiệm rất rõ, với phương châm 4 tại chỗ. Đồng thời, TP có phân công trách nhiệm cho các cơ sở y tế đóng trên địa bàn cũng như phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế của Trung ương trong việc tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân.

Chủ tịch UBND TP hà Nội cũng nêu một số giải pháp trong thời gian tới nhằm thực hiện tốt công tác quản lý ATTP trên địa bàn. Đó là tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, đặc biệt đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống; tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, đào tạo các kỹ năng của các cán bộ, nhân viên kiểm tra ATTP; tiếp tục tập huấn cho các chủ cửa hàng bán rau củ quả, hoa quả, chủ cửa hàng bán hàng ăn; lấy ý kiến về việc cấp chứng chỉ cho các chủ cửa hàng.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cũng nhấn mạnh giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các chuỗi cung ứng sản xuất hàng hóa liên hoàn, đồng bộ từ người chăn nuôi, nuôi trồng đến chế biến; hoàn thiện các quy định về quản lý kiểm tra, xử phạt; tăng cường việc đầu tư các cơ sở kiểm tra, xét nghiệm nhanh trên địa bàn...

Xây dựng Thủ đô Hà Nội thành Thủ đô ẩm thực hay không?

Đại biểu Phạm Đình Đoàn (tổ Hoàng Mai) đặt ra vấn đề về văn hóa ẩm thực của Hà Nội. “Ai cũng biết Hà Nội có nền ẩm thực rất phong phúc, đặc sắc. Vậy, với vai trò là đầu mối Ban chỉ đạo về ATTP TP, xin Giám đốc Sở Y tế cho biết, có thể xây dựng Thủ đô Hà Nội thành Thủ đô ẩm thực hay không?”, đại biểu Phạm Đình Đoàn nói.

Trả lời câu hỏi “Hà Nội liệu có trở thành Thủ đô ẩm thực hay không?”, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, Hà Nội có rất nhiều món ăn, sản phẩm ẩm thực đặc sắc, có thương hiệu mạnh, được nhân dân cả nước cũng như du khách quốc tế đón nhận, đánh giá ấn tượng. Hiện, thành phố cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá. Vì thế, nếu phát huy và xây dựng được thương hiệu của Hà Nội là Thủ đô ẩm thực thì sẽ có nhiều tác động tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa.

Giám đốc Nguyễn Khắc Hiền thông tin thêm: “Dù vậy, đúng là vẫn còn những sản phẩm thực phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái… tràn ra thị trường. Tới đây, thành phố tiếp tục triển khai phân cấp, phân rõ trách nhiệm trong công tác đảm bảo ATTP, đẩy mạnh tuyên truyền và tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này”.

“Tuy nhiên, chúng ta cần phải có các biện pháp thật chặt chẽ. Một mặt phải quảng bá, mặt khác phải tuyên truyền vận động để những cơ sở, cá nhân sản xuất, chế biến thực phẩm có trách nhiệm, nâng cao ý thức về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như giá cả, tác phong phục vụ. Cùng đó, phải tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm”, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên giải trình. (Ảnh:TA)

Giải trình thêm về vấn đề này, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện Hà Nội đang triển khai các giải pháp đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Muốn vậy, chúng ta phải tận dụng, phát huy được hết các thế mạnh của Hà Nội, trong đó việc xây dựng, phát triển các thương hiệu về ẩm thực của thành phố là một trong những nội dung rất quan trọng.

Hằng năm, Sở Công Thương cùng Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội thường xuyên tổ chức các lễ hội, hội chợ về ẩm thực. Sau 3 năm triển khai chủ trương này, hiện thành phố đang giao cho 2 sở trên tiến hành chấm điểm, xếp hạng thương hiệu các cửa hàng, các loại ẩm thực của các làng văn hóa ở Thủ đô.

Hà Nội cũng đang thí điểm xây dựng các chuỗi cửa hàng hoa quả đảm bảo ATTP, tới đây sẽ tiếp tục nhân rộng ra các mặt hàng khác, ở các quận, huyện. Đồng thời, thành phố cũng có chủ trương khuyến khích các nghệ nhân của các làng nghề ẩm thực nổi tiếng ở Hà Nội và hằng năm tổ chức vinh danh họ.

“Mục tiêu là làm sao để ẩm thực của Hà Nội trở thành một thứ không thể thiếu được trong đời sống, cũng như là một thứ sản phẩm không thể thiếu được với khách nước ngoài và khách các tỉnh, thành phố khác khi đến Hà Nội”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói./.

Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực