Hà Tĩnh: Khôi phục hình ảnh và xây dựng thương hiệu lao động đi làm việc ở nước ngoài

Thứ ba, 13/11/2018 15:49
(ĐCSVN) – Hà Tĩnh là một trong những địa phương có số lượng lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài nằm trong top đầu cả nước. Thế nhưng, tỉnh cũng nằm trong danh sách những địa phương có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp nhiều nhất.
Từ khi 7 huyện của Hà Tĩnh bị tạm dừng tuyển lao động sang Hàn Quốc theo diện EPS,
nhiều người học tiếng Hàn tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Tĩnh đã bỏ học
 (Ảnh: baohatinh.vn)

Thu hàng nghìn tỷ đồng từ xuất khẩu lao động

Xuất khẩu lao động (XKLĐ) từ nhiều năm nay đã được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Hà Tĩnh. Vì thế, các cấp chính quyền ở đây luôn chú trọng đến công tác này.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Trí Lạc – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh cho biết, để cụ thể hóa và áp dụng Luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các nghị định, thông tư hướng dẫn vào cuộc sống, Hà Tĩnh đã ban hành 01 nghị quyết, 04 chỉ thị, 03 chương trình, 06 kế hoạch, 08 Quyết định, 03 nhóm chính sách và 217 văn bản hướng dẫn thực hiện.

Bên cạnh đó, từ năm 2010 đến năm 2018, Ban Chỉ đạo XKLĐ các cấp đã tổ chức 22 hội nghị ở cấp tỉnh, 126 hội nghị ở cấp huyện và 12.578 hội nghị ở cấp xã để tập huấn, hướng dẫn cho các sở, ngành, địa phương thực hiện các văn bản quy định pháp luật liên quan đến việc đưa người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng và hướng dẫn việc triển khai các chế độ, chính sách đối với người lao động...

Với những nỗ lực trên, tổng số lao động của tỉnh Hà Tĩnh đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2010-2018: 56.115 người (bình quân mỗi năm có 6.300 người).

Đặc biệt, trong năm 2017, Hà Tĩnh đã có 8.567 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài (cao nhất từ trước tới nay và đứng thứ 4 cả nước sau Nghệ An, Hải Dương, Thanh Hóa).

Theo ông Nguyễn Trí Lạc, hoạt động XKLĐ đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho người lao động và nguồn ngoại tệ cho đất nước, chỉ tính riêng số tiền người lao động gửi về cho gia đình đạt trên 4.000 tỷ đồng/năm. Những kết quả đó đã góp phần quan trọng để nâng cao thu nhập cho người lao động, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết việc làm của tỉnh và các địa phương.

Từ những vùng quê khó khăn, thông qua hoạt động XKLĐ đã trở thành những địa phương dẫn đầu về phát triển kinh tế như xã: Cương Gián, Xuân Liên, Xuân Hội, Cổ Đạm (huyện Nghi Xuân); Thiên Lộc, Quang Lộc, Mỹ Lộc (Can Lộc); Cẩm Nhượng, Cẩm Yên, Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên); Kỳ Hà, Kỳ Tân, Kỳ Khang (Kỳ Anh); Kỳ Ninh (thị xã Kỳ Anh); Thạch Kim, Thạch Bằng (Lộc Hà); Thạch Văn, Thạch Hải, Thạch Sơn, Thạch Long (Thạch Hà)…

Nỗi buồn mang tên "lao động bỏ trốn"

Thế nhưng, nhiều năm nay, vấn nạn lao động làm việc ở nước ngoài bỏ trốn sau khi đã hết hạn hợp đồng, thậm chí kể cả trong thời gian còn hợp đồng vẫn bỏ trốn ra ngoài chiếm tỷ cao, đặc biệt tại thị trường lao động Hàn Quốc là một trong những việc khiến cơ quan quản lý đau đầu.

Theo ông Nguyễn Trí Lạc, có tới gần 25.800 lao động đang cư trú và làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài (chiếm 49,3% tổng số lao động của tỉnh đang làm việc ở nước ngoài).

Ngay cả đối với số lao động đi theo diện có hợp đồng lao động, từ năm 2010 đến năm 2018 đã có trên 5.000 lao động vi phạm hợp đồng và cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài. Riêng đối với thị trường Nhật Bản nhiều doanh nghiệp đã công khai không tuyển lao động Hà Tĩnh; đối với thị trường Hàn Quốc tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp của Hà Tĩnh luôn đứng đầu cả nước.

Chắc chắn rằng, bộ phận này đã làm xấu hình ảnh người lao động Hà Tĩnh nói riêng và Việt Nam nói chung. Và hậu quả đã xảy ra là có 07 huyện bị tạm đình chỉ tham gia Chương trình XKLĐ Hàn Quốc theo chương trình hợp tác của 2 Chính phủ, bao gồm: Nghi Xuân, Can Lộc, Đức Thọ, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh. Đây là một thiệt thòi rất lớn cho nhiều người lao động tỉnh Hà Tĩnh, bởi đây là chương trình xuất khẩu lao động có nhiều ưu trội nhất cả về chi phí xuất cảnh lẫn điều kiện làm việc và tiền lương.

Lí giải về thực tế này, ông Nguyễn Trí Lạc cho biết, dù công tác tuyên truyền vận động lao động hết hạn hợp đồng về nước đã được tập trung chỉ đạo quyết liệt nhưng mới chỉ thực hiện được từ trong nước, trong khi đó người lao động đang ở nước ngoài, gia đình người lao động thiếu hợp tác. Mặt khác các doanh nghiệp ở các nước sở tại bảo kê, sử dụng lao động bất hợp pháp.

Đáng chú ý, theo Sở LĐ-TB&XH, các chế tài xử phạt đối với người lao động vi phạm các quy định pháp luật trong thời gian làm việc ở nước ngoài đã được quy định tại Nghị định 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ với mức xử phạt từ 80 đến 100 triệu đồng, nhưng đến nay Hà Tĩnh vẫn chưa xử phạt được lao động nào. Điều này dẫn đến lao động xem thường pháp luật, xem thường các cơ quan chức năng thực thi pháp luật. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình hình lao động cư trú bất hợp pháp thời gian qua chưa có xu hướng giảm nhiệt.

Trao đổi thêm về những tồn tại trong công tác XKLĐ, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh thẳng thắn cho biết, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong nước để có được hợp đồng cung ứng lao động cho các đối tác nước ngoài đã đẩy phí dịch vụ và các khoản của người lao động phải đóng nộp lên cao, thậm chí có những hợp đồng đi làm việc ở Nhật Bản, Đài Loan chi phí vượt lên so với quy định của nhà nước từ 50-70 triệu đồng/hợp đồng.

Mặt khác trong quá trình hoạt động một số doanh nghiệp XKLĐ đã thông đồng với cò mồi XKLĐ để giới thiệu nguồn lao động, làm cho thị trường XKLĐ vốn đã phức tạp, ngày càng phức tạp hơn, nhiều lúc người lao động không biết tin đâu là thật, đâu là giả và luôn có cảm giác đi XKLĐ cứ mờ mờ, ảo ảo, thật thật, giả giả lẫn lộn. Nhiều người lao động cũng không biết được chính xác mình đi XKLĐ thông qua đơn vị nào, vì quá trình phỏng vấn, tuyển chọn các đơn vị môi giới, cung ứng giới thiệu đi tuyển hết đơn vị này đến đơn vị khác...

Tâm lý của người Hà Tĩnh thường thích đi các thị trường mới, đi nhanh và không kiên trì tham gia các chương trình đào tạo ngoại ngữ, đào tạo nghề theo đúng khung thời gian quy định. Một số lao động vi phạm tổ chức kỷ luật, ăn cắp, tổ chức uống rượu bia, đánh nhau buộc phải về nước trước thời hạn đã làm ảnh hưởng đến phong trào đi XKLĐ của tỉnh...

Làm gì để khôi phục hình ảnh?

Rõ ràng, với một tỉnh coi xuất khẩu lao động là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội thì cần nhiều giải pháp hữu hiệu để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác xuất khẩu lao động.

Trong các giải pháp được đề ra, ông Nguyễn Trí Lạc đã đề cập tới việc xây dựng lộ trình và kế hoạch đưa công tác XKLĐ của tỉnh Hà Tĩnh trở thành một nghề có thương hiệu. Mà để thực hiện thành công trước hết phải làm tốt công tác đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực. “Đây là vấn đề quan trọng nhất để Hà Tĩnh khôi phục hình ảnh và xây dựng thành công thương hiệu của lao động Hà Tĩnh đi làm việc ở nước ngoài” – ông Nguyễn Trí Lạc nhìn nhận.

Trong đó, ông nhấn mạnh việc tuyển chọn, đào tạo nguồn nhân lực tham gia chương trình XKLĐ cần được thực hiện đồng thời theo 03 hình thức. Cụ thể là chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ chương trình XKLĐ thông qua các Trung tâm đào tạo - cung ứng lao động của các trường: Đại học Hà Tĩnh, Cao đẳng nghề Kỹ thuật Việt Đức, Cao đẳng nghề Công nghệ, Cao đẳng Y Hà Tĩnh, Trung cấp nghề Hà Tĩnh và Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh.

Song song đó là tuyển chọn và chuẩn bị nguồn từ lực lượng sinh viên đã tốt nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trong cả nước, trong đó khuyến khích, động viên các em chưa tìm kiếm được việc làm trong nước đăng ký đi làm việc nước ngoài theo các đơn hàng có yêu cầu về trình độ tay nghề.

Mặt khác, mở rộng chương trình hợp tác XKLĐ theo hình thức hợp tác giữa tỉnh Hà Tĩnh với một số địa phương của Hàn Quốc, Cộng hòa Liên bang Đức.

Để tạo dựng một thương hiệu lao động có uy tín thì nhiệm vụ quan trọng khác cần tập trung là giải quyết vấn đề lao động bỏ trốn. Theo ông Nguyễn Trí Lạc, thời gian tới tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền, vận động lao động hết hạn hợp đồng về nước, xử lý có hiệu quả tình trạng lao động bỏ trốn, lao động vi phạm hợp đồng, đặc biệt là tại 03 thị trường Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản. Để thực hiện thành công công việc này đòi hỏi cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể từ cấp tỉnh đến cơ sở vào cuộc một cách quyết liệt, hiệu quả.

Đồng thời, tổ chức quản lý và sử dụng có hiệu quả lực lượng lao động sau khi về nước; thu hút, mời gọi lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật vào làm việc cho các doanh nghiệp FDI đầu tư trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích người đi XKLĐ về nước đầu tư thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn vốn và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.../.

Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực