Hà Tĩnh: Quyết tâm không để dịch tả lợn châu Phi lây nhiễm vào địa bàn

Thứ tư, 13/03/2019 17:19
(ĐCSVN) - Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/2/2019 về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi, các cấp, các ngành tỉnh Hà Tĩnh đã vào cuộc quyết liệt với quyết tâm không để dịch tả lợn châu Phi lây nhiễm vào địa bàn.

Người dân huyện Lộc Hà phun thuốc tiêu độc, khử trùng phòng bệnh cho đàn lợn gia đình. Ảnh: NT

Ngày 22/2, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Công điện số 03/CĐ-UBND về việc ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi, khẩn trương xây dựng, phê duyệt kế hoạch của địa phương với các hoạt động cụ thể, tương ứng với các tình huống.

Để chủ động phòng chống và không để dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng đã yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân khẩn trương, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này. Các địa phương cần xác định phòng bệnh, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay khi ở phạm vi nhỏ và tuyệt đối không được dấu dịch là nhiệm vụ cấp bách của cả hệ thống chính trị. Đồng chí Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.

Theo đó, các địa phương thuộc tỉnh Hà Tĩnh đã huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia triển khai phòng, chống dịch bệnh; chỉ đạo chính quyền địa phương và phân công cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở để theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn lợn. Các cơ quan, chức năng, ban, ngành và địa phương ở Hà Tĩnh đã nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Cụ thể, các địa phương như thị xã Hồng Lĩnh, huyện Nghi Xuân, huyện Hương Sơn… đã thành lập chốt kiểm dịch động vật. Chi cục Chăn nuôi và Thú y… in tờ rơi hướng dẫn người dân, cơ sở chăn nuôi tiêu độc, khử trùng môi trường; thành lập ban chỉ đạo tại các khu vực có nguy cơ dịch bệnh cao.

Các lực lượng chức năng và các địa phương tăng cường quản lý kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn trên địa bàn; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành định kỳ, đột xuất kiểm tra để phát hiện, chấn chỉnh kịp thời. Thường xuyên kiểm tra, giám sát tại các cơ sở giết mổ tập trung, chợ buôn bán động vật, sản phẩm động vật; chỉ đạo thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ. Bố trí cán bộ chuyên môn thực hiện kiểm soát giết mổ theo đúng quy trình, đảm bảo gia súc đưa vào cơ sở an toàn dịch bệnh; kiểm tra chặt chẽ và ghi chép đầy đủ thông tin gia súc trước khi đưa vào cơ sở; nghiêm cấm việc nhập gia súc từ tỉnh khác vào cơ sở giết mổ mà không có hồ sơ thủ tục theo đúng quy định.

Lực lượng chức năng Hà Tĩnh tiêu độc, khử trùng phương tiện tỉnh ngoài ra vào địa bàn. Ảnh: NT

Ngoài ra, các địa phương ở Hà Tĩnh đã tích cực thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn Châu Phi, các dấu hiệu nhận biết lợn nghi mắc bệnh; người chăn nuôi chỉ mua lợn giống từ các cơ sở uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Đồng thời, khuyến cáo người chăn nuôi không tái đàn, tăng đàn tại các vùng có mật độ chăn nuôi cao, nơi có nguy cơ xảy ra dịch bệnh lớn; hướng dẫn tổ chức chăn nuôi với quy mô hợp lý, phù hợp khả năng quản lý và phòng, chống dịch bệnh của từng cơ sở; chăn nuôi khép kín, tự sản xuất con giống, chăn nuôi lợn thịt, các mô hình chăn nuôi liên kết, nuôi an toàn...

Ngay sau khi có sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chi cục Thú y các địa phương tiến hành cấp hóa chất Bencocid đến tận các thôn xóm và tổ chức cho các hộ chăn nuôi tiến hành phun tiêu độc khử trùng. Đồng thời, huy động tối đa đội ngũ cán bộ tăng cường bám sát địa bàn kiểm tra, hướng dẫn nhân dân vệ sinh chuồng trại, triển khai các biện pháp phòng dịch. Từ sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp ở Hà Tĩnh nên đại đa số người dân đều ý thức cao đối với công tác phòng dịch.

Ghi nhận tại một số trang trại lợn trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh và huyện Đức Thọ, công tác phòng dịch được các trang trại chủ động triển khai quyết liệt. Ông Đậu Tiến Sỹ (xã Thuận Lộc, thị xã Hồng Lĩnh), chủ trại lợn nái quy mô 900 con chia sẻ, từ khi có thông tin về dịch tả lợn châu Phi và biết được mức độ nguy hiểm, trang trại đã chủ động phòng dịch theo hướng dẫn.

"Theo đó, tần suất công tác sát trùng, khử độc trong trại được tăng lên gấp đôi so với trước đây. Các phương tiện vận chuyển lợn và thức ăn đều được sát trùng 3 bước, vôi được rải xung quanh trang trại hàng ngày và công nhân cũng phải tiến hành sát trùng theo quy trình. Đặc biệt, chúng tôi tổ chức cấm trại, nội bất xuất, ngoại bất nhập, kể cả đối với người thân trong gia đình" - ông Sỹ cho biết.

Ông Trần Hùng – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Tĩnh, cho biết: “Để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương các cấp cần tập trung thực hiện các nội dung theo văn bản chỉ đạo và kế hoạch phòng chống dịch của UBND tỉnh.

Trong đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ để ngăn chặn mầm bệnh xâm nhiễm vào địa bàn. Chỉ đạo chuyên môn các cấp giám sát chặt tình hình dịch bệnh để báo cáo và xử lý kịp thời khi phát hiện dịch. Phát động tháng cao điểm vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường vùng chăn nuôi và các khu vực có liên quan đến hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là lợn; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, lập đoàn kiểm tra, chốt kiểm soát dịch bệnh”.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị địa phương đối với công tác phòng chống dịch nên đến thời điểm dịch tả lợn Châu Phi lây nhiễm vào địa bàn Hà Tĩnh. Theo ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, dịch tả lợn Châu Phi diễn biến hết sức phức tạp, lây lan nhanh và để lại hậu quả nặng nề. Tuy chưa xảy ra dịch bệnh nhưng tuyệt đối không được chủ quan, bởi Hà Tĩnh có tuyến Quốc lộ 1A đi qua, hàng ngày có hàng trăm phương tiện vận chuyển động vật từ các tỉnh đang xảy ra dịch ở miền Bắc vào các tỉnh phía Nam. Do vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm dịch kiên quyết không để lợn nhiễm dịch tả đi vào địa bàn./.                                                                       

Phùng Ngọc Thăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực