Hậu Giang: Hiệu quả từ các chính sách dân tộc

Thứ năm, 19/12/2019 14:42
(ĐCSVN) - Thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã triển khai thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; các chương trình, chính sách, dự án được triển khai trong vùng đồng bào dân tộc mang lại hiệu quả thiết thực, đời sống đồng bào dân tộc ngày càng được cải thiện.

Còn nhớ trước đây, những địa danh như Vĩnh Viễn, Lương Tâm, Lương Nghĩa hay Xà Phiên (huyện Long Mỹ – Hậu Giang) từng “nổi tiếng” về sự xa xôi, hệ thống giao thông còn nhiều cách trở, điều kiện đi lại của người dân chủ yếu bằng ghe, xuồng. Thế nhưng cùng với sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, đồng bào Khmer còn nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực xây dựng xóm, ấp ngày càng phát triển, xanh – sạch – đẹp.

leftcenterrightdel
Gia đình anh Danh Hải (hộ nghèo) ở ấp 4, xã Xà Phiên (huyện Long Mỹ –Hậu Giang) thực hiện mô hình nuôi gà thả vườn đã giúp anh có thu nhập ổn định. 

Hiện nay, hệ giao thông ở ấp 8, xã Xà Phiên (huyện Long Mỹ –Hậu Giang) rất thông thoáng, nối liền các ấp. Chỉ tay về tuyến đường xây dựng hoàn thành cách đây vài tháng, ông Thạch Vũ ở ấp 8, xã Xà Phiên nói: “Từ khi làm xong tuyến đường này đã tạo điều kiện đi lại thuận lợi và bộ mặt nông thôn ở đây sáng ra, hứa hẹn đời sống bà con chuyển biến tích cực”. Tuyến đường này xây dựng cách đây gần 20 năm, nhiều lần sửa chữa, nâng cấp nhưng không lâu sau lại hư. Thực hiện Chương trình 135 của Chính phủ dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh, huyện xem xét đầu tư mới dài trên 1,2km. Khi xây dựng, qua phần đất hộ dân nào, bà con đều tự nguyện hiến đất, hoa màu. Ông Thạch Vũ cho biết thêm: “Bây giờ, xe hàng hóa qua đây 4 – 5 lượt/ngày, tạo điều kiện không nhỏ cho người dân mua bán nông sản. Có lộ thông thoáng, tiện đủ thứ”.

Ngoài giải quyết nhu cầu bức thiết trong giao thông nông thôn, từ các quyết định, chương trình của Chính phủ dành cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng giúp họ phát triển sản xuất thoát nghèo, vươn lên khá giả. Trước đây, hộ anh Danh Hải (hộ nghèo) ở ấp 4, xã Xà Phiên (huyện Long Mỹ –Hậu Giang), bán tạp hóa và trồng màu. Đầu năm 2018, thực hiện Quyết định 2085 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ vốn phát triển kinh doanh, sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ ông được hỗ trợ 45 triệu đồng. Có vốn, ông Hải mở rộng tiệm tạp hóa và thực hiện mô hình nuôi gà thả vườn đã giúp gia đình được cải thiện. Cuối năm 2018, hộ ông thoát nghèo.

Hiện nay, với sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành nên hầu hết người dân đồng bào dân tộc Khmer ở Long Mỹ nói chung, tại ấp 10, xã Lương Nghĩa (huyện Long Mỹ) nói riêng đều chí thú làm ăn để vươn lên thoát nghèo. Điển hình trường hợp của anh Danh Điều ở ấp 10, xã Lương Nghĩa (huyện Long Mỹ) là hộ nghèo nên khoảng 5 năm trước, gia đình anh được Nhà nước hỗ trợ mua 3 con bò để tạo điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Ngoài đi làm thuê, anh luôn tranh thủ thời gian rảnh cắt cỏ cho bò ăn. Hàng năm, anh thường bán bò thịt khi bò cái đã sinh sản, với nguồn thu nhập từ 20 – 25 triệu đồng/lần. Anh Danh Điều bộc bạch: “Mặc dù gia đình chưa thoát nghèo nhưng cuộc sống giờ đây đã ổn định hơn trước rất nhiều. Điều tôi mừng nhất là đứa con gái lớn đang học tại trường THPT dân tộc nội trú của tỉnh được miễn hoàn toàn tiền học phí, cũng như đảm bảo có chỗ ăn, ở đàng hoàng…Tôi đang cố gắng lao động để phấn đấu thoát nghèo trong thời gian sớm nhất”.

leftcenterrightdel
Từ nguồn vốn Chương trình 135, Long Mỹ đầu tư xây dựng tuyến đường trung tâm xã Xà Phiên (huyện Long Mỹ) góp phần diện mạo nơi đây khởi sắc. 

Qua mỗi năm, số hộ nghèo đồng bào Khmer Hậu Giang được hỗ trợ vay vốn ngày càng tăng, từ đó giúp nhiều gia đình cải thiện cuộc sống. Như trường hợp gia đình chị Thạch Thị Sơ Ry, ở ấp Xẻo Trâm, xã Hòa An (huyện Phụng Hiệp – Hậu Giang), cuộc sống khó khăn nên hai vợ chồng chị không ngại nắng mưa cực khổ đi bắt từng con ốc, kiếm từng cọng rau, đi giặm, cắt lúa mướn, làm quần quật bất kể ngày nắng cũng như ngày mưa. Thế nhưng cái nghèo mãi bám víu, căn nhà lụp xụp cất bấy lâu cũng không có điều kiện để sửa lại. Chia sẻ trước khó khăn của gia đình, Hội Phụ nữ xã đã tạo điều kiện để gia đình chị vay vốn từ Ngân hàng chính sách, nuôi gà và buôn bán nhỏ. Sau 5 năm tích lũy đã xây dựng lại căn nhà, góp phần an cư lạc nghiệp. Hiện nay, chồng chị đi làm thuê, thu nhập cũng kha khá, do đó, cuộc sống được ổn định và vươn lên thoát nghèo. “Nhà nước đã tạo điều kiện thì mình phải cố gắng làm để thoát nghèo bền vững, nhường lại chế độ chăm lo cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn” – chị Sơ Rychia sẻ.

Nhờ kịp thời triển khai, thực hiện các chương trình, dự án dành cho đồng bào dân tộc nên đời sống vật chất, tinh thần của họ ngày càng tiến bộ. Ông Nguyễn Hoàng Triệu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Năm năm qua (giai đoạn 2014 – 2019), các cấp, các ngành trong tỉnh thực hiện rất hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia, an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi (DTTS) với tổng kinh phí trên 105,85 tỉ đồng. Trong đó, Hậu Giang đầu tư xây dựng mới 33 công trình (26 lộ giao thông nông thôn, 7 công trình sửa chữa và xây mới trường học) từ Chương trình 135 với tổng kinh phí trên 47 tỉ đồng; thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo với tổng kinh phí gần 8 tỉ đồng; đào tạo cán bộ cơ sở và cộng đồng thuộc Chương trình 135 là trên 1,2 tỉ đồng; hỗ trợ 1.031 hộ dân tộc thiểu số được đầu tư, hỗ trợ nước sinh hoạt với tổng kinh phí 1,3 tỉ đồng; hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho trên 49.000 lượt người ở vùng kinh tế khó khăn, kinh phí hơn 22 tỉ đồng. Ngoài ra, địa phương còn triển khai Quyết định 2085 và 102 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ vốn, cây con giống cho các hộ gặp khó khăn...

leftcenterrightdel
 Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội, anh Danh Na Rinh ở ấp 1, xã  Vĩnh Thuận Tây (huyện Vị Thủy – Hậu Giang) thực hiện mô hình trồng quýt đường giúp anh có thu nhập cả trăm triệu đồng/năm.

“Nhờ hỗ trợ kịp thời trong phát triển sản xuất, đào tạo nghề, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nên tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS ngày càng giảm (trung bình giảm khoảng 4,18%/năm). Cụ thể, đầu năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS là 31,38%, đến cuối năm 2018, giảm xuống còn 18,83%, hộ cận nghèo chiếm 5,02%” – ông Triệu nói.

Với sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, vùng đồng bào DTTS ở Hậu Giang đã phát triển mạnh về kinh tế, văn hóa – xã hội, đời sống được cải thiện nhanh, trình độ dân trí được nâng cao. Từ đó, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong đồng bào DTTS ngày càng được củng cố, khối đại đoàn kết ngày càng được giữ vững, tăng cường./. 

Phương Nghi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực