HĐND TP Hồ Chí Minh thông qua đề xuất xây nhà hát 1.500 tỷ đồng

Thứ hai, 08/10/2018 22:16
(ĐCSVN) - Tờ trình về xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng tại Thủ Thiêm, Quận 2 đã được 100% đại biểu thông qua tại kỳ họp thứ Mười (kỳ họp bất thường) của HĐND TP Hồ Chí Minh diễn ra ngày 8/10.
Kỳ họp lần thứ 10, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX.

Tại kỳ họp, đọc tờ trình về dự án xây dựng nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm cho biết, trước đây vào thời Pháp thuộc, TP Hồ Chí Minh có 3 nhà hát Nhà hát Opera (nay là Nhà hát TP), Nhà hát Phiharmonie (nay là Kho bạc TP) và Nhạc viện TP (nay chỉ còn Nhà hát TP). Tuy nhiên, đến nay chỉ còn Nhà hát TP còn giá trị của một nhà hát đúng nghĩa, các nhà hát xây dựng sau như Nhà hát Hòa Bình, Nhà hát Bến Thành đã xuống cấp, không đạt tiêu chuẩn tổ chức các buổi diễn theo yêu cầu của các đoàn, nghệ sĩ đẳng cấp quốc tế.

Vì thế, UBND TP đặt mục tiêu xây dựng công trình văn hóa nghệ thuật chuyên ngành, hiện đại, xứng tầm với một trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội lớn của đất nước; là một trong những công trình thiết chế văn hóa mới tiêu biểu của TP. Hồ Chí Minh, góp phần khẳng định vị thế của TP Hồ Chí Minh.

Theo đó, Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch có 1.700 chỗ, với tổng mức đầu tư hơn 1.508 tỷ đồng từ nguồn thu bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn (quận 1). Công trình đạt tiêu chuẩn quốc tế và đặt tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2).

Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2018-2022. Chủ đầu tư là Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình, thuộc Sở Văn hóa và Thể thao.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm nhấn mạnh, việc xây dựng nhà hát nhằm mục đích đáp ứng, nâng cao trình độ thưởng thức văn hóa nghệ thuật cho hơn 10 triệu người dân thành phố và hàng triệu du khách mỗi năm. TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, đầu mối giao lưu không chỉ về kinh tế, khoa học, mà còn có những giá trị văn hóa xã hội khác nên rất cần những công trình xứng tầm. Việc xây dựng một Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch đạt tiêu chuẩn quốc tế là thật sự cần thiết và cấp bách. Đây sẽ là một công trình văn hóa mang tính biểu tượng, điểm nhấn về kiến trúc, nghệ thuật của thành phố.

Đại biểu, nghệ sĩ cải lương Nguyễn Ngọc Quế Trân bày tỏ sự vui mừng với dự án được triển khai

Tại kỳ họp, nhiều đại biểu tham dự mong muốn thành phố thông qua chủ trương xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch nhằm tạo nên điểm nhấn trong đời sống văn hóa nghệ thuật của TP cũng như góp phần thu hút du khách đến với TP.

Đồng tình ủng hộ xây dựng công trình này, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm chia sẻ: "Phải nhìn các nghệ sĩ biểu diễn trên những sân khấu chật hẹp, không đủ để đặt một chiếc piano, hay chỗ đứng cho một dàn nhạc, mới thấy cần phải đầu tư, quan tâm hơn tới những người đang lao động nghệ thuật".

Đại biểu, nghệ sĩ cải lương Nguyễn Ngọc Quế Trân bày tỏ sự vui mừng với dự án được triển khai tại TP và mong rằng dự án sau khi hoàn tất sẽ là nơi biểu diễn, đẩy mạnh phát triển, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa dân tộc và các giá trị tinh thần mang nét đặc trưng của TP.

Đại biểu Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch thảo luận tại kỳ họp

Thảo luận tại kỳ họp, đại biểu Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch chia sẻ, hiện nay TP có ba nhà hát thì đều đã được xây dựng từ lâu, quy mô nhỏ, cơ sở vật chất đã xuống cấp. Cụ thể là Nhà hát TP được xây dựng từ năm 1900, với 406 ghế, sân khấu nhỏ không đủ để tổ chức những chương trình tầm cỡ.

Thứ hai là Nhà hát Hòa Bình, khánh thành vào năm 1985 với 2.500 ghế. Nhà hát này hiện xuống cấp trầm trọng. Ngoài ra, TP còn có Nhà hát Bến Thành không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật của một nhà hát mà chỉ là rạp để biểu diễn.

Đại biểu Trần Vương Thạch cho rằng, TP Hồ Chí Minh đang thiếu nhà hát ở tất cả các cấp từ quận/huyện đến TP. Trong khi đây là một trong những điều kiện tiên quyết để xây dựng môi trường văn hóa cho người dân, trong đó có các thiết chế văn hóa và con người làm văn hóa. Vì vậy, đại biểu Trần Vương Thạch đồng tình với việc xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch và cho rằng xây dựng nhà hát càng sớm càng tốt.

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP, cho đây là một công trình văn hóa nghệ thuật chuyên ngành hiện đại, xứng tầm một trung tâm kinh tế - văn hóa – xã hội của cả nước cũng như TP. Hồ Chí Minh. Đại biểu Thanh Thúy cũng cho biết nhà hát này được xác định là nhà hát nghệ thuật hàn lâm, có thể kết hợp dàn dựng, biểu diễn nhiều loại hình nghệ thuật khác và được đảm bảo các tiêu chí chuyên môn như kiến trúc, văn học, ánh sáng... Khi nhà hát hình thành, ngành văn hóa sẽ có kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực để quản trị, vận hành của nhà hát và những yếu tố phụ trợ khác để có giúp cho nhà hát hoạt động chuyên nghiệp và hiệu quả nhất.

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP. Hồ Chí Minh thảo luận tại kỳ họp

Theo Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP Huỳnh Thanh Nhân, Dự án xây dựng nhà hát giao hưởng đã có từ các nhiệm kỳ trước và đã được Chính phủ phê duyệt trong nhiệm kỳ 2011-2015. Đây là dự án nằm trong lộ trình thực hiện 2011-2025. Đến nay đã cuối năm 2018 mới triển khai là đã quá trễ rồi.

Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm chia sẻ, ý tưởng xây dựng Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch TP Hồ Chí Minh đã được ấp ủ qua nhiều thời kỳ và nhiệm kỳ lãnh đạo. Do đó, TP đã xây dựng đề án rất cẩn trọng, đến hôm nay đã có đầy đủ cơ sở cũng như các điều kiện cần thiết đưa ra HĐND TP thảo luận để thông qua.

Sau ba giờ thảo luận tại kỳ kỳ họp HĐND, 100% đại biểu đã đồng ý thông qua Nghị quyết thực hiện dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng tại Thủ Thiêm, Quận 2.

Theo Nghị quyết được thông qua, bước tiếp theo là TP sẽ chỉ đạo các sở, ngành có liên quan để tiến hành làm các bước theo quy định của pháp luật để đấu thầu công khai lựa chọn nhà đầu tư./.

Tin, ảnh: Phạm Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực