Hỗ trợ cải thiện chất lượng giáo dục dạy nghề tại Việt Nam

Thứ tư, 12/12/2018 21:55
(ĐCSVN)- Ngày 12/12, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết, Ngân hàng Phát triển châu Á đã phê duyệt gói tài trợ 78 triệu USD nhằm giúp lực lượng lao động Việt Nam đáp ứng các nhu cầu thị trường bằng cách cải thiện chất lượng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (TVET) trên toàn quốc.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Chuyên gia cao cấp về xã hội của Ngân hàng Phát triển châu Á, bà Sakiko Tanaka nhận định, với hơn 60% dân số dưới 35 tuổi, Việt Nam có tiềm năng đạt tới tăng trưởng kinh tế cao và bền vững. Để giúp hiện thực hóa tiềm năng đó, Dự án Tăng cường kỹ năng và kiến thức cho tăng trưởng kinh tế toàn diện sẽ nhằm mục tiêu bảo đảm rằng, lực lượng lao động của Việt Nam có các kỹ năng và kiến thức cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động đáp ứng thị trường toàn cầu.

Dự án Tăng cường kỹ năng và kiến thức cho tăng trưởng kinh tế toàn diện, được hỗ trợ bởi một khoản vay trị giá 75 triệu USD của Ngân hàng Phát triển châu Á sẽ cung cấp trang thiết bị đào tạo tiên tiến cho 16 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc; phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp, giúp nâng cao chất lượng chương trình đào tạo nghề tiên tiến trong những lĩnh vực then chốt phục vụ tăng trưởng như điện tử, cơ khí, công nghệ sinh học, tự động hóa và công nghệ ôtô.

Bên cạnh đó, một khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 3 triệu USD do Chính phủ Nhật Bản tài trợ sẽ hỗ trợ những khoản đầu tư này thông qua tăng cường chất lượng đào tạo các kỹ năng mềm như khả năng giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề phát triển các kỹ năng ngắn hạn dựa trên nhu cầu cho phụ nữ và thanh niên trong các cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn.

Việt Nam đã duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định trong những năm gần đây, trở thành một trong các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á. Song Việt Nam hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề, năng suất lao động thấp hơn so với các quốc gia láng giềng ở Đông Nam Á, ví dụ chỉ bằng 7,5% của Singapore và 17% của Malaysia vào năm 2015. Một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, học viên tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thường thiếu kỹ năng nghề chuyên môn và các kỹ năng mềm khác.

Dự án được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho khoảng 75.000 học viên nhờ cải thiện môi trường dạy và học. Dự kiến ít nhất 2.500 người trưởng thành và thanh thiếu niên ngoài nhà trường sẽ tham gia các khóa đào tạo kỹ năng ngắn hạn để giúp họ tìm kiếm những công việc được trả lương cao hơn hoặc bắt đầu hoạt động kinh doanh của riêng mình./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực