Hòa Bình: Thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên

Thứ tư, 17/01/2018 14:38
(ĐCSVN) - Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn song trong những năm qua, công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên đã được các lực lượng chức năng, các cấp chính quyền ở tỉnh Hòa Bình triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần bảo đảm an ninh rừng…
Diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên
Hang Kia - Pà Cò ở huyện Mai Châu (Hòa Bình). Ảnh: NQ

Những năm gần đây, tình hình thời tiết tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, nắng nóng, hạn hán kéo dài, mưa lũ thất thường tác động trực tiếp đến các hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp của người dân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, khu vực người dân sống gần rừng và ven rừng. Cùng với đó, tình trạng thiếu đất sản xuất ở một số địa phương và tập quán canh tác nương rẫy của người dân đã có những ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên. Với phương châm “Giữ rừng là giữ sự sống”, cấp ủy, chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên.

Hàng năm, phát huy vai trò nòng cốt, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã thường xuyên tham mưu hiệu quả cho chính quyền các cấp thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng; phối hợp tốt với các lực lượng chức năng thành lập các tổ công tác liên ngành, tăng cường tuần tra, kiểm tra phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ mua bán, khai thác, vận chuyện lâm sản trái phép. Đồng thời, lực lượng kiểm lâm đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh trong thực hiện công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng… Chỉ tính riêng trong năm 2017, cơ quan chức năng đã tham mưu kiện toàn Ban chỉ đạo Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng các cấp; rà soát, chỉnh sửa, bổ sung 206 phương án phòng cháy, chữa cháy rừng cấp xã, 11 phương án phòng cháy, chữa cháy rừng cấp huyện, thành phố; 05 phương án ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng; 01 phương án cấp tỉnh. Toàn tỉnh đang duy trì thường xuyên trên 1.830 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng với gần 12.100 lượt người tham gia.

Đối với công tác bảo tồn thiên nhiên, hiện nay tỉnh Hòa Bình đang có 04 khu bảo tồn thiên nhiên với tổng diện tích trên 31.768 ha và 02 Vườn Quốc gia có diện tích trên địa bàn tỉnh (Gồm Vườn Quốc gia Cúc Phương diện tích hơn 6.000 ha và Vườn Quốc gia Ba Vì diện tích gần 2.936 ha). Để làm tốt công tác quản lý hệ sinh thái rừng đặc dụng, bảo vệ quỹ gen và bảo đảm đa dạng sinh học trong các khu bảo tồn thiên nhiên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình đã tham mưu, chỉ đạo các Ban quản lý xây dựng và ký kết quy chế phối hợp vùng giáp ranh giữa các xã trong khu bảo tồn, xây dựng các ô định vị, triển khai thực hiện việc kiểm tra, giám sát đa dạng sinh học trong khu bảo tồn. Đồng thời, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện trồng rừng đặc dụng, khoanh nuôi tái sinh rừng nhằm nâng cao diện tích và chất lượng rừng của các khu bảo tồn thiên nhiên cũng như các Vườn Quốc gia.

Bên cạnh đó, Ban quản lý các Khu bảo tồn thiên nhiên còn chủ động chỉ đạo lực lượng kiểm lâm địa bàn phối hợp cùng UBND các xã trong khu bảo tồn, các đoàn thể tích cực tuyên truyền các chính sách của Đảng và Nhà nước, Luật bảo vệ và phát triển rừng để nhân dân hiểu, đồng tình ủng hộ và thực hiện; phối hợp chặt chẽ với các hạt Kiểm lâm, Công an, quân đội tăng cường tổ chức tuần tra, truy quét, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng trong khu bảo tồn…

Anh Vàng Văn Thanh, người dân sinh sống gần Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò ở huyện Mai Châu (Hòa Bình) cho biết: Nhờ được tuyên truyền, người dân chúng tôi đã nhận thấy rõ ý nghĩa của việc bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học nên ai cũng tự giác chấp hành các quy định; không chặt phá rừng, không đốt nương làm rẫy… Mọi người còn thường xuyên phối hợp cùng Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên và cơ quan chức năng trong phát hiện, tố giác những hành vi vi phạm quy định về bảo vệ rừng.

Thực tế ở tỉnh Hòa Bình thời gian qua cho thấy, tại hầu hết các địa phương, công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên đã luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả. Nhiều mô hình, cách làm hay trong hoạt động quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên đã được các địa phương triển khai, nhân rộng. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng và hỗ trợ phát triển các mô hình trồng rừng sản xuất, các mô hình kinh tế đồi rừng để người dân thực sự yên tâm gắn bó, bảo vệ và phát triển rừng cũng được triển khai thực hiện có hiệu quả. Thông qua đó đã tạo cơ sở để các lực lượng chức năng kiểm soát được tình trạng khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép, bảo vệ tài nguyên rừng. Hiện nay, Hòa Bình đang duy trì, củng cố, tu sửa 93,9 km đường băng cản lửa góp phần quan trọng trong công tác phòng cháy và chữa cháy rừng khi có sự cố phát sinh.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hòa Bình cho biết: Thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về công tác bảo vệ và phát triển rừng, sử dụng rừng, phòng chống cháy rừng. Thường xuyên phối hợp với lực lượng công an, quân sự và các địa phương tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng; nhất là khu vực giàu tài nguyên, khu vực giáp ranh giữa các huyện, tỉnh… Chỉ đạo các hạt kiểm lâm phối hợp với phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn tham mưu cho UBND huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, rà soát tiến độ thực hiện các dự án cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt trên địa bàn; đôn đốc các chủ rừng khẩn trương trồng rừng trên diện tích đã tận dụng lâm sản.

Đồng thời, Chi cục cũng sẽ tham mưu cho Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và UBND tỉnh tập trung quản lý tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có, ngăn chặn tình trạng phá rừng tự nhiên để trồng rừng, không tổ chức thiết kế trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp có trạng thái nghèo kiệt, chỉ áp dụng biện pháp khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh kết hợp trồng bổ sung rừng. Xác định rõ ranh giới rừng tự nhiên trên bản đồ và thực địa tại các khu vực rừng giáp ranh với rừng trồng, đất canh tác nương rẫy; lập biên bản bàn giao cụ thể ranh giới rừng tự nhiên cho chủ rừng. Chấm dứt tình trạng lấn chiếm, phá rừng tự nhiên để trồng rừng và sử dụng vào mục đích khác./. 

Phạm Như Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực