Hoài Đức cần đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý nước thải

Thứ tư, 06/03/2019 22:15
(ĐCSVN) - Với trên 50 làng nghề sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, để sớm giải quyết có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề ở huyện Hoài Đức hiện nay, đòi hỏi thực tế đặt ra là cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, khai thác các dự án xử lý nước thải trên địa bàn qua đó góp phần bảo đảm tốt hơn đời sống của nhân dân.

Theo thống kê, đến đầu năm 2019, toàn huyện Hoài Ðức (Hà Nội) có 52 làng có nghề, trong đó 12 làng nghề đã được công nhận, tập trung vào các ngành chế biến nông sản, dệt may, bánh kẹo, tạc tượng, sản xuất đồ gỗ... Tại các làng nghề này hiện có khoảng 2.400 doanh nghiệp và trên 10.000 hộ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khách quan đánh giá, hoạt động của các làng nghề trên địa bàn huyện Hoài Đức đã góp phần tích cực giải quyết việc làm cho người dân và thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Tuy nhiên, cùng với đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại các làng nghề cũng là một trong những tác nhân trực tiếp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sông Nhuệ, sông Ðáy. Thời gian qua, huyện Hoài Đức đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường làng nghề, trong đó, công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường; năng lực của cán bộ, công chức chuyên trách về môi trường được nâng cao, giúp tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề giảm dần.

Song, có một thực tế đó là tiến độ đảm bảo vận hành hoạt động có hiệu quả Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà tại xã Dương Liễu, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hoàn thiện Nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng và Nhà máy xử lý nước thải Vân Canh vẫn còn chậm dù có chủ trương đầu tư từ năm 2013. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến việc giảm thiểu quả tình trạng ô nhiễm làng nghề ở huyện Hoài Đức.

 

Nhà máy xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà tại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức (Ảnh: QĐ)

Tìm hiểu được biết, hiện nay, trên địa bàn huyện Hoài Đức mới có Nhà máy xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà tại xã Dương Liễu công suất 20.000 m3/ngày. Bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 10/2016, Nhà máy do Công ty cổ phần Ðầu tư xây dựng và Thương mại Phú Ðiền (Công ty Phú Ðiền) làm chủ đầu tư có chức năng xử lý nước thải của các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm tại các xã Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế; tức là thu gom xử lý phần diện tích trong đồng và đang nghiên cứu phần diện tích ngoài bãi sông Ðáy. Hiện lượng nước thải xử lý được đạt gần 10.000 m3/ngày đêm vào thời điểm mùa vụ. Tuy nhiên, do lượng chất thải nhiều, trong nước thải lẫn nhiều xơ, sợi, rác, trong khi không có thiết bị tách rác nên đã gây tắc nghẽn kênh mương. Trước tình trạng này, Công ty Phú Ðiền đã phối hợp UBND huyện Hoài Đức khảo sát, lập hồ sơ đề xuất bổ sung hệ thống máy tách rác trên hệ thống cống bao và cống thu gom, hoàn thiện hệ thống thu gom trong đê để vớt rác, bã xơ sợi, khơi thông dòng chảy, dẫn nước thải về nhà máy; đồng thời cải tạo hồ cuối làng làm hồ điều hòa, tách rác.

Đối với Nhà máy xử lý nước thải Sơn Ðồng có công suất 8.000 m3/ngày đêm, do Ban quản lý dự án Ðầu tư xây dựng công trình cấp, thoát nước và môi trường TP.Hà Nội thì đang trong quá trình thi công xây dựng. Đến nay, đã đạt khoảng trên 90% khối lượng thi công nhưng đang còn một số vướng mắc như: Vị trí đặt trạm bơm chuyển bậc ở xã Kim Chung còn vướng nhiều đường điện, tuyến ống cấp nước; các giếng tách nước đều nằm trong ngõ, xóm, đấu nối với cống, mương hiện trạng để thu gom nước thải từ các hộ dân, tiếp giáp nhiều nhà dân. Nếu thi công bằng biện pháp được phê duyệt thì sẽ chồng lấn vào các công trình hiện trạng, cản trở giao thông ngõ, xóm và không phù hợp cao độ tuyến ống mới điều chỉnh. Đồng thời, tuyến thu gom từ ga G120 vào nhà máy đi qua phạm vi đất nông nghiệp của người dân và mộ chí hiện trạng. Do đó, Ban quản lý dự án đề nghị huyện Hoài Đức và đơn vị quản lý kênh thống nhất phối hợp, tạo điều kiện mặt bằng thi công cho dự án.

 

 
Đồng chí Nguyễn Hoàng Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức (bên phải)
trao đổi với PV Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (Ảnh: QĐ)

Đặc biệt, Nhà máy xử lý nước thải Vân Canh có công suất 4.000 m3/ngày tuy đã thu hồi đất và bàn giao mặt bằng, nhưng do thay đổi hình thức đầu tư nên đang gặp nhiều khó khăn trong triển khai. Trao đổi tại buổi làm việc với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Nguyễn Hoàng Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết: Để bảo đảm nguồn vốn đầu tư phục vụ thi công Nhà máy xử lý nước thải Vân Canh, UBND huyện Hoài Đức đề nghị UBND thành phố Hà Nội và Sở Kế hoạch và Ðầu tư sớm triển khai thực hiện xã hội hóa cho dự án này. Tuy nhiên, ngay cả khi 3 nhà máy (Cầu Ngà, Sơn Đồng, Vân Canh) hoàn thành và đưa vào sử dụng thì cũng mới giúp xử lý nước thải cho 9 làng nghề và 15 xã, thị trấn của huyện. Còn 5 xã phía Nam huyện (An Khánh, An Thượng, Vân Côn, Ðông La, La Phù) và 3 làng nghề tại La Phù, An Thượng, Ðông La thì vẫn “chờ” để được bố trí nhà máy xử lý nước thải tập trung.

Thực tế cho thấy, huyện Hoài Ðức là địa phương có quy mô các dự án xử lý nước thải làng nghề lớn nhất trong 30 quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án này chậm tiến độ đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng môi trường sống của người dân. Để sớm khắc phục tình trạng này và bảo đảm việc sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại Hoài Đức thực sự hiệu quả, bền vững, thiết nghĩ, UBND thành phố Hà Nội cần tăng cường chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu, đề xuất với UBND thành phố các cơ chế phù hợp để thu hút, kêu gọi đầu tư bằng vốn xã hội hóa đối với các dự án Nhà máy xử lý nước thải làng nghề trên địa bàn huyện Hoài Đức nói chung và dự án Nhà máy xử lý nước thải Vân Canh nói riêng. Đồng thời, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án cụm công nghiệp làng nghề đã được quy hoạch, song song với phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ với xây dựng hệ thống bảo vệ môi trường, hệ thống tiêu thoát nước, các trạm xử lý nước thải tập trung.

Đối với UBND huyện Hoài Đức, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để thi công các hạng mục còn lại của dự án Nhà máy xử lý nước thải xã Sơn Đồng; đẩy nhanh triển khai thực hiện các dự án, đề án theo quy hoạch bảo vệ môi trường đã được phê duyệt, trong đó chú trọng xây dựng các điểm tập kết rác thải; tích cực phối hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xử lý nước thải và kiểm soát việc vận hành Nhà máy xử lý nước thải tập trung. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, xử lý kịp thời những cơ sở, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Có như vậy, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề ở huyện Hoài Đức mới sớm được khắc phục; góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Hoài Đức trở thành quận vào năm 2020./.

Bài, ảnh: Tạ Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực