Hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với người có công với cách mạng

Thứ ba, 25/07/2017 16:42
(ĐCSVN) - Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện xuất hiện một số vướng mắc, bất cập cần có giải pháp tích cực để hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với người có công với cách mạng.


Thượng tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã đến thăm, tặng quà các thương, bệnh binh tại  Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên (Hà Nam). -Ảnh:http://chinhsachquandoi.gov.vn

Những kết quả tích cực

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tích cực phối hợp nghiên cứu, đề xuất ban hành, sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; các nghị định, thông tư, hướng dẫn thực hiện chính sách, bảo đảm đồng bộ, toàn diện; chủ trì nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh số 05, Nghị định số 56 quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; chủ trương, giải pháp thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Nghiên cứu xây dựng Đề án chính sách đối với người có công đang định cư ở nước ngoài trình Ban Bí thư cho chủ trương thực hiện thời gian tới.

Quân đội đã tích cực, nỗ lực xét duyệt, thẩm định, giải quyết số lượng lớn hồ sơ tồn đọng về liệt sĩ, thương binh; nhiều trường hợp đơn thư kiến nghị, khiếu nại tồn đọng kéo dài được xem xét giải quyết tích cực và được đối tượng, nhân dân đánh giá cao. Kết quả 10 năm thực hiện (2007 - 2017), Quân đội đã xác nhận cho hơn 200 người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; 490 người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; hơn 1.000 liệt sĩ, cấp giấy chứng nhận cho hơn 7.000 thương binh và gần 6.500 bệnh binh.

Tích cực triển khai thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đến năm 2020 và những năm tiếp theo; đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; từ năm 2012 đến nay, các đơn vị Quân đội đã tìm kiếm, quy tập 18.787 hài cốt liệt sĩ, trong đó (ở trong nước: 5.043, ở Lào: 4.943, ở Campuchia: 8.810 hài cốt liệt sĩ).

Công tác chăm sóc gia đình người có công với cách mạng và hoạt động đền ơn đáp nghĩa được cấp ủy đảng, người chỉ huy các cấp quan tâm; có nhiều chủ trương, giải pháp đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, triển khai thực hiện sâu rộng trong toàn quân, như: Xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; xây dựng “Nhà tình nghĩa”; tặng sổ tiết kiệm; tặng phương tiện, trang thiết bị y tế, trang thiết bị dùng chung cho các Trung tâm nuôi dưỡng thương, bệnh binh và Trung tâm điều dưỡng người có công với cách mạng; phụng dưỡng “Mẹ Việt Nam anh hùng”; giải quyết việc làm cho vợ, con liệt sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ quốc phòng - an ninh; thương, bệnh binh nặng đang điều dưỡng tại các trung tâm; đỡ đầu Làng Hữu nghị; hỗ trợ Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin Việt Nam; các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí đối với đối tượng chính sách và người có công với cách mạng. 

Một số vướng mắc, bất cập

Về đối tượng: Cần nghiên cứu bổ sung đối tượng người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế bị đối phương bắt, giam giữ vào nhóm đối tượng “Người hoạt động cách mạng, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày” (theo quy định hiện hành mới chỉ quy định cho người hoạt động cách mạng, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày).

Về điều kiện công nhận đối tượng người có công: Theo quy định của Pháp lệnh người có công, điều kiện xác nhận liệt sĩ, thương binh “Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc diễn tập phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm”. Tuy nhiên, tại Nghị định 31/NĐ-CP/2013 ngày 09/4/2013 của Chính phủ về xác nhận liệt sĩ, thương binh thì lại quy định hẹp hơn: “Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc diễn tập phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm: Bắn đạn thật, sử dụng thuốc nổ; huấn luyện, diễn tập chiến đấu của không quân, hải quân, cảnh sát biển và đặc công; chữa cháy; chống khủng bố, bạo loạn; giải thoát con tin; cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu thảm hoạ thiên tai”.

Như vậy, quy định tại Nghị định 31 của Chính phủ đã làm rõ hơn điều kiện, nhưng lại thu hẹp đối tượng có cùng điều kiện tương ứng và thực tế nhiệm vụ của Quân đội.

Về chế độ, chính sách: Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, trong những năm qua chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng không ngừng được điều chỉnh cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần chăm sóc và cải thiện đời sống người có công với cách mạng. Tuy nhiên, vẫn còn một số chế độ trợ cấp, phụ cấp đối với người có công với cách mạng còn thấp; đời sống của một bộ phận người có công vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo quy định hiện hành tại Nghị định số 70/2017/NĐ-CP ngày 06/6/2017 của Chính phủ, thì mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng hiện nay là 1.417.000 đồng, như vậy còn thấp so với mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay.

Về thủ tục, hồ sơ: Thủ tục, hồ sơ xác nhận đối với người có công với cách mạng từng bước được nghiên cứu sửa đổi theo hướng cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho đối tượng chính sách. Tuy nhiên, vướng mắc, bất cập lớn nhất về thủ tục, hồ sơ giải quyết chế độ đối với đối tượng diện tồn đọng. Do lịch sử, điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, trình độ quản lý và với thời gian chiến tranh kéo dài, ác liệt, nhiều thời kỳ...Do đó, nhiều vấn đề về hồ sơ, thủ tục không đáp ứng được yêu cầu của quy định hiện nay; nhất là đối với những trường hợp không còn lưu giữ được hồ sơ, giấy tờ; nhiều trường hợp phải tổ chức xác minh công phu mới có căn cứ để xem xét, giải quyết.

 Một số giải pháp chính

Nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng thời gian tới, cán bộ chính sách, cơ quan chính sách các cấp trong Quân đội cần tập trung tham mưu, đề xuất và thực hiện tốt một số nội dung giải pháp chính như sau:

Một là: Bám sát quan điểm, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác chính sách người có công với cách mạng; quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 14-CT/TƯ ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng; về yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, là “nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn dân...”. Từ đó, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật; đặc biệt là tham gia nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng theo hướng toàn diện, vừa khắc phục những vướng mắc, bất cập hiện nay; vừa kịp thời bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh, cần phải quán triệt sâu sắc nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới. Trong đó, cần phải ưu tiên yêu cầu bảo đảm công bằng xã hội. Hướng trọng tâm nội dung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung là sớm khắc phục những tồn tại, khó khăn vướng mắc cả về đối tượng, điều kiện, chế độ chính sách và hồ sơ, thủ tục; cả về tính đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật như đã nêu ở trên.

Hai là: Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách đối với người có công; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính gắn với việc nâng cao hiệu quả quản lý đối tượng người có công với cách mạng tại các đơn vị, địa phương.

Ba là: Phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, động viên và kết hợp các nguồn lực nhằm chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và thực hiện xã hội hoá sâu rộng, đẩy mạnh các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” bằng nhiều nội dung, chương trình hoạt động và cách làm sáng tạo, thiết thực.

Bốn là: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tổng kết, rút kinh nghiệm, bảo đảm  không để xảy ra sai sót, tiêu cực; kiên quyết xử lý sai phạm trong việc thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng

Năm là: Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác chính sách có kiến thức chuyên sâu, kinh nghiệm thực tiễn; phẩm chất đạo đức trong sáng; đồng thời có năng lực phát triển đáp ứng yêu cầu mới./.

          

Đại tá Đặng Danh Hưng
Trưởng Phòng Thương binh, liệt sĩ - Người có công,

Cục Chính sách,Tổng cục Chính trị QĐNDVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực