Hội nhập giáo dục nghề nghiệp được chuẩn bị công phu, có lộ trình

Thứ sáu, 14/08/2020 16:23
(ĐCSVN) – Hội nhập giáo dục nghề nghiệp là một quá trình lâu dài, đã được chuẩn bị khá công phu và có lộ trình...

Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết như vậy trong cuộc toạ đàm trực tuyến "Giáo dục nghề nghiệp: Đổi mới để hội nhập" do VietNamNet phối hợp tổ chức mới đây.

Chuyển biến tích cực

leftcenterrightdel
Các khách mời trao đổi tại tọa đàm. Ảnh:TG

Từ phía doanh nghiệp sử dụng lao động, bà Nguyễn Lê Hoa (Giám đốc nhân sự công ty Việt Chuẩn) đánh giá, chất lượng đào tạo hiện nay về cơ bản đã có sự chuyển biến tích cực, đã đáp ứng được phần kiến thức cơ bản, hiểu được tinh thần làm việc và biết tự chủ.

“Các bạn đã biết được khả năng của chính mình sau khi trải qua các cấp độ đào tạo. Chúng ta hay nhắc đến tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”, nhưng bây giờ các bạn đã nắm bắt được năng lực của mình đến đâu, đã hướng tới kỹ năng của mình, học đúng chuyên ngành mà mình có thể phát huy” – bà Hoa nói.

 Rất vui mừng khi nghe đại diện doanh nghiệp đánh giá chất lượng đào tạo đã được cải thiện, ông Vũ Xuân Hùng cho biết thêm, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đã tiếp cận được chuẩn khu vực và thế giới và đang đào tạo được nguồn lao động không chỉ đáp ứng cho doanh nghiệp trong nước mà thậm chí cả cho doanh nghiệp khu vực, quốc tế.

Ông khẳng định, hội nhập giáo dục nghề nghiệp là một quá trình lâu dài, đã được chuẩn bị khá công phu và có lộ trình. Cụ thể, Luật Giáo dục Nghề nghiệp 2014 đã phản ánh rất nhiều tiêu chuẩn mà giáo dục nghề nghiệp phải tiếp cận được với các nước trong khu vực và trên thế giới. Sau đó năm 2016, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định quy định về Khung trình độ Quốc gia của Việt Nam, trong đó có 8 bậc giáo dục đào tạo thì giáo dục nghề nghiệp có 5 bậc. Khung này đã tham chiếu khung trình độ của ASEAN và châu Âu.

“Điều này cho thấy hệ thống chúng ta đã tiếp cận về chuẩn đào tạo của các nước trong khu vực và thế giới; tạo thuận lợi cho việc công nhận trình độ lẫn nhau khi các nước dịch chuyển lao động, di chuyển thể nhân” – ông nói.

Cũng theo ông, điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo cũng được cải thiện nhiều. “Đến năm 2020, đã xây dựng và ban hành được 600 chuẩn đầu ra trình độ trung cấp, cao đẳng cho 300 ngành nghề phổ biến và những ngành nghề trọng điểm, nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Các chuẩn đầu ra đã tiếp cận tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.

Hơn nữa, chất lượng đào tạo được cải thiện còn thể hiện ở chỗ việc tham dự các kỳ thi tay nghề ASEAN và thế giới đều đạt kết quả cao. “Tính đến nay, Việt Nam đã tham dự 10 kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN, giành được 3 giải Nhất toàn đoàn, 2 giải Nhì, 2 giải Ba. Xếp trong bảng xếp hạng trong các kỳ thi ASEAN thì chúng ta nằm trong khoảng thứ 3 trong các nước của khu vực. Với kỳ thi Tay nghề thế giới chúng ta đã tham dự 3 lần, gần đây nhất là tại Nga năm 2019 thì đã giành được huy chương Bạc và 8 chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc, xếp hạng toàn đoàn đứng thứ 25/63 quốc gia, vùng lãnh thổ” – ông cho biết.

Tuy nhiên, ông Vũ Xuân Hùng chia sẻ, điều băn khoăn nhất chính là trình độ ngoại ngữ của đội ngũ nhà giáo. “Muốn thúc cho người học giỏi ngoại ngữ thì rõ ràng người thầy cũng phải giỏi. Do đó chúng tôi cũng xác định trong thời gian tới nâng cao chất lượng đội ngũ thì không chỉ chú trọng vào kỹ năng, chuyên môn, sư phạm, mà còn làm sao bật được ngoại ngữ của họ lên” – ông nhấn mạnh.

Kết nối để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp 

Để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, các chuyên gia cho rằng, phải kết nối được Nhà nước – Nhà trường và doanh nghiệp.

Ông Vũ Xuân Hùng đánh giá, hình thức gắn kết với doanh nghiệp bây giờ rất phong phú, đa dạng, từ phối hợp để cử người xây dựng chương trình đào tạo, cử người tham gia giảng dạy, tiếp nhận người học đến thực tập, thực hành tại doanh nghiệp…

Tuy nhiên, ông nhìn nhận, đến nay phổ biến nhất vẫn là tiếp nhận người học đến thực tập, còn hình thức xây dựng chương trình đào tạo là không có. 

Từ thực tế trên, ông cho rằng, “câu chuyện đầu tiên chính là nhận thức của chính doanh nghiệp về trách nhiệm của mình trong việc tham gia đào tạo. Doanh nghiệp phải gắn kết với nhà trường bắt đầu từ khâu xây dựng chương trình, nói cho nhà trường biết tôi muốn làm ra sản phẩm như thế này thì chương trình đào tạo cũng phải phù hợp để làm ra sản phẩm này chứ”. 

Bên cạnh đó, ông cũng thừa nhận, nhiều chính sách chưa tiếp cận được với doanh nghiệp hoặc thậm chí doanh nghiệp còn không có thông tin. Còn đối với doanh nghiệp biết thì cho rằng chính sách không đủ hấp dẫn.

Cùng với đó, cơ chế chính sách đang hướng tới tạo ưu đãi cho doanh nghiệp nhưng lại không có chế tài theo hướng gần như bắt buộc phải tham gia giáo dục nghề nghiệp. “Ở Đan Mạch cũng có đến 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng họ vẫn làm được một điều là có Quỹ đào tạo nghề nghiệp, bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải đóng góp hàng năm cho Quỹ đó. Doanh nghiệp nào tham gia đào tạo được cùng nhà trường thì không phải đóng góp hoặc được dùng số tiền từ quỹ đó cho doanh nghiệp. Nhưng chúng ta không làm được điều này vì chưa có chế tài” – ông nói. 

Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Lê Hoa cho biết, bản thân doanh nghiệp cũng luôn luôn cam kết và mở rộng vòng tay đón những sinh viên, chuyên gia. Doanh nghiệp luôn là nơi sẵn sàng chi trả tốt nhất cho người lao động vì đó là tài sản của doanh nghiệp, là nguồn lực không thể đong đo nhìn thấy được bằng mắt thường. 

Tuy nhiên, theo bà, doanh nghiệp chưa nhìn thấy nhiều cơ chế chính sách dành cho mình khi tham gia vào giáo dục nghề nghiệp.

leftcenterrightdel
 Ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội

Về vấn đề này, dưới góc độ nhà trường, ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội chia sẻ, “kinh nghiệm của chúng tôi đến thời điểm này là đầu tiên các nhà trường phải tự đổi mới chính mình, từ nhận thức cho đến tất cả các khâu trong nhà trường để cho thấy sức hấp dẫn của mình với doanh nghiệp”. 

Theo ông, sự hấp dẫn đó nằm ở chỗ nhà trường phải có đội ngũ giảng viên tốt, phải chứng minh cho doanh nghiệp thấy sản phẩm đào tạo là sinh viên tốt nghiệp ra trường sử dụng được ngay, nếu có đào tạo bổ sung thì càng ít càng tốt./.

Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực