Huyện Nông Cống (Thanh Hóa): Chung tay vượt lũ

Thứ ba, 17/10/2017 09:01
(ĐCSVN) - Trong những ngày qua, người dân Nông Cống đang phải gồng mình gánh chịu trận lũ lụt lớn trong lịch sử, hàng nghìn ngôi nhà bị chìm trong nước, toàn bộ hoa màu bị mất trắng, 25/32 số xã trong huyện bị cô lập, chia cắt.
Lực lượng chức năng cứu trợ cho người dân


Đã gần 1 tuần kể từ khi bắt đầu cơn “Đại hồng thủy” tại huyện Nông Cống, nước đã rút nhưng ở xã Tân Khang, toàn bộ tuyến đường liên xã vẫn bị ngập sâu từ 1,5 đến 2m, hàng trăm ngôi nhà vẫn bị cô lập, có nhà nước ngập tới mấy chục cm, sinh hoạt của người dân vô cùng vất vả. Phương tiện có thể đi lại được lại được là xuồng, bè và ca nô. Không chỉ Tân Khang, hiện nay Nông Cống còn 2 xã là Trung Thành, Vạn Thiện với 4 thôn vẫn đang trong trong tình trạng ngập sâu, bị cô lập và chia cắt hoàn toàn.

Lũ lụt gây thiệt hại rất lớn

Trên chiếc ca nô đi cùng đoàn cán bộ của huyện vào Tân Khang, chúng tôi chứng kiến biển nước mênh mông chôn vùi những cánh đồng cùng với diện tích lúa chín muộn chưa kịp thu hoạch. Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND huyện Nông Cống Nguyễn Văn Thuấn cho biết: Mặc dù được tuyên truyền, thông báo nhanh chóng kịp thời về tình hình mưa lũ, nhưng người dân vẫn trở tay không kịp do mưa lớn và lượng nước từ núi Nưa đổ về trong đêm. Nhiều trang trại chăn nuôi của xã Tân Khang bị thiệt hại nặng nề.

Chúng tôi có mặt tại gia đình anh Nguyễn Văn Sỹ (thôn 7, xã Tân Khang), gia đình anh có trang trại  chăn nuôi rộng 6,5 ha chủ yếu là nuôi thả cá. Trước đó hồ nuôi gia đình có khoảng 2,5 nghìn cá trắm, 8 vạn cá gáy, 2 vạn cá rô phi… tất cả đều đến thời kỳ thu hoạch. Mặc dù đã dùng vây lưới quanh ao để chắn cá, nhưng do mưa lớn, hồ thủy điện xả lũ cộng với triều cường lên nhanh, gia đình anh đành bất lực nhìn toàn bộ cá trong hồ trôi theo dòng nước lũ...

Theo Chủ tịch UBND huyện Nông Cống Nguyễn Văn Thuấn, từ ngày 9-11/10 trên địa bàn Nông Cống mưa rất to. Kết hợp việc xả lũ trên sông Hoàng, sông Thị Long đã gây ngập lụt trên diện rộng, làm phần lớn các tuyến đê bối, đê bao bị ngập tràn, như đê xã Trường Giang, đê bao xã Tế Nông, đê các xã Tân Thọ, Tân Khang, Trung Chính, Trung Thành, khe Ngang  xã Vạn Thiện... đã làm 25/32 xã bị ngập sâu, nhiều nơi bị cô lập như các thôn thuộc xã Tượng Sơn; xã Công Bình, xã Tế Nông, xã Tân Khang và xã Tân Thọ. Tính đến thời điểm này, đã có 2 người bị thiệt mạng là ông Vũ Trọng Mạnh tại thôn Rọc Năn, xã Công Chính và ông Lường Xuân Chính xã Trung Thành, 5.077 hộ bị ngập, 487 hộ phải di dời. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng nặng nề với hơn  693 con lợn, 41.000 con gia cầm bị chết, 218,6 ha ngô, 698,9 ha rau màu các loại, 193,5 ha cói bị hư hỏng hoàn toàn, 429,68 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Về công trình thiệt hại, đã có 17.500m đường quốc lộ, 24.000m đường liên huyện, 86.000m đường xã, thôn bị ngập, hư hỏng, 87.000m hệ thống lưới điện 0,4kw bị ngập, hư hỏng. Nhiều cầu cống hư hỏng, đê kè sát lở. Ước tổng giá trị thiệt hại là thống kê tại thời điểm này là 60.971.320.000 đồng.

Nhiều hộ dân vẫn bị cô lập

Nhanh chóng khắc phục hậu quả

Ngay trong và sau những ngày mưa lũ, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) của huyện Nông Cống tiếp tục cử các cán bộ xuống các xã, thị trấn bám sát địa bàn nhằm đảm bảo tối đa an toàn, tính mạng cho người dân. Hệ thống đài phát thanh từ huyện đến cơ sở thường xuyên thông tin chi tiết, kịp thời về tình hình diễn biến mưa lũ và cảnh báo về tình hình xả lũ của các hồ, đập. Huyện tập trung lực lượng cứu trợ kịp thời cho các hộ dân vùng ngập lụt, vùng bị cô lập về nước lũ; thăm hỏi động viên các gia đình có nạn nhân bị chết. Lực lượng cứu trợ của huyện đã kịp thời chuyển nguồn lương thực đến các hộ dân vùng bị ngập lụt và cô lập. Phát huy tinh thần “tương thân tương ái”,  Hội Chữ Thập đỏ, các cơ quan đơn vị và các doanh nghiệp đã cứu trợ kịp thời 2.000 chai nước uống, hơn 5.000 thùng mỳ tôm và cùng nhiều nhu yếu phẩm cần thiết khác cho 11 xã bị ngập sâu. ủng hộ 176 triệu đồng, Hội đồng hương huyện Nông Cống tại Hà Nội ủng hộ 71 triệu đồng cho bà con. Để đáp ứng nhu cầu về nước sinh hoạt tạm thời cho người dân, huyện đã đưa 175 kg bột Cloramin B cho 32 xã, thị trấn, 60 nghìn viên xử lý nước giếng cho các xã bị ngập sâu, đồng thời chuẩn bị gần 7 tấn vôi bột, nguồn hóa chất xử lý rác thải, ô nhiễm môi trường sau lũ, đảm bảo vệ sinh môi trường, ngăn ngừa.

Có thể nói, đến thời điểm này công tác cứu trợ đã được cả hệ thống chính trị huyện Nông Cống thực hiện tốt. Nhiều hộ dân xúc động cho biết, ngay từ khi mưa lớn, nước lũ về, người dân đã được cung cấp đầy đủ thực phẩm và nước uống. Mong muốn lớn nhất của người dân lúc này là được sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo các cấp để bà con phục hồi sản xuất.

Hiện nay, UBND huyện Nông Cống tiếp tục huy động các lực lượng vũ trang, tổ chức đoàn thể xã hội cùng các phương tiện tiếp tế khẩn cấp thực phẩm, nước uống và các nhu yếu phẩm cần thiết khác cho người dân bị ngập ở các xã vùng đang bị cô lập; tổ chức kiểm soát, hướng dẫn giao thông. Tập trung điều hành tiêu thoát nước vùng lũ. Phòng chống ô nhiễm môi trường, dịch bệnh có nguy cơ xảy ra sau ngập lụt; có kế hoạch và phân bổ hàng cứu trợ đảm bảo công khai, minh bạch, tạo mọi điều kiện tốt nhất để người dân ổn định cuộc sống.

Về giải pháp lâu dài, do Nông Cống là vùng chiêm trũng, thường xuyên bị ngập úng nên mong muốn tỉnh Thanh Hóa sớm khởi động lại dự án cải tạo sông Nhơm và hệ thống thủy lợi vùng III, nhằm đẩy mạnh công tác tưới tiêu một cách chủ động hơn./.

          

Nguyễn Ánh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực