Khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế theo Luật mới: Nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ

Thứ tư, 06/01/2010 09:55

 

Làm thủ tục thanh toán viện phí cho bệnh nhân có thẻ BHYT tại BV Bạch Mai, ảnh Tiền Phong

(ĐCSVN) – Việc quy định sử dụng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2010, kéo theo nhiều chính sách và quyền lợi của người tham gia BHYT cũng bị  thay đổi. Sau 5 ngày thực hiện đã có nhiều vướng mắc xảy ra, gây phiền hà cho bệnh nhân khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT. Nổi cộm là vấn đề chi trả cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế cũ còn hạn, chưa được cấp thẻ mới.

Cả bệnh viện và bệnh nhân đều khổ

Bà Nguyễn Thị Hòa, 65 tuổi, quê ở Nam Định đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) có thẻ BHYT thuộc đối tượng cán bộ hưu trí có hạn sử dụng đến tháng 6/2010. Tuy nhiên, bệnh viện (BV) không giải quyết vì bà chưa có thẻ bảo hiểm y tế mới, dù thẻ của bà còn hạn đến hết năm 2010.

Còn ông Bùi Quang Lâm, quê ở Hoà Bình, có con gái bị ung thư dạ dày) được bác sĩ BV K xếp lịch mổ tuần này, nhưng được thông báo phải đóng 3 triệu đồng trước khi mổ vì chưa có thẻ BHYT mới, đã xin hoãn mổ để về quê lấy thẻ mới.

Tại BV Nhi TW, rất nhiều bà mẹ đưa con đi khám bệnh đều phải mất tiền vì không biết có quy định tạm thời dùng giấy khai sinh, giấy chứng sinh thay cho thẻ BHYT.

Nhìn chung, trong mấy ngày qua, nhiều người có thẻ bảo hiểm y tế đến khám tại các bệnh viện đã phải chọn cách quay về địa phương lấy thẻ mới hoặc khám tự nguyện vì chưa được cấp thẻ mới, ngay cả khi thẻ cũ còn hạn.

Không chỉ những người có thẻ BHYT cũ lo lắng về quyền lợi trong thời điểm nhạy cảm này mà cả những đối tượng có thẻ BHYT mới cũng thấy phiền hà, rắc rối.

Tại cuộc làm việc với BV Bạch Mai hôm qua (4/1), Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Trần Quý Tường - trưởng đoàn kiểm tra của Bộ Y tế về thực hiện BHYT cho biết: "Thẻ bảo hiểm y tế theo mẫu cũ vẫn còn hạn sử dụng sau 1/1/2010, nếu chưa được cấp thẻ mới thì vẫn có giá trị sử dụng cho đến hết thời hạn của thẻ, còn quyền lợi được hưởng theo quy định mới".

Ngoài ra, với những thẻ hết hạn trước ngày 31/12/2009, nếu là nhóm bảo hiểm bắt buộc thì bảo hiểm xã hội sẽ căn cứ vào mã thẻ để người bệnh hưởng tiếp, nếu là diện tự nguyện thì cần có giấy xác nhận là đối tượng tham gia bảo hiểm y tế và đang đợi cấp thẻ để được thanh toán bảo hiểm cho hết đợt điều trị.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó giám đốc bệnh viện Bạch Mai cho biết, bây giờ bệnh viện mới biết có quy định này. Văn bản mới nhất bệnh viện nhận được là của Bảo hiểm xã hội Hà Nội vào ngày 18/12, trong đó ngay điều 1 đã quy định rõ: "Từ ngày 1/1/2010, thẻ bảo hiểm y tế phát hành theo hệ thống mã thẻ cũ không còn giá trị sử dụng khi đi khám tại cơ sở khám chữa bệnh. Thẻ có giá trị là thẻ được phát hành theo mã mới..."

Cũng theo ông Hiền: Phần mềm quản lý chi trả cho bệnh nhân BHYT của BV Bạch Mai đã sửa chữa để áp dụng mẫu thẻ mới, nay Bộ Y tế lại có hướng dẫn mới thì BV không thể áp dụng ngay cho bệnh nhân được vì phần mềm mới không nhận diện mã thẻ cũ. Ông Hiền cũng nói nếu hướng dẫn của Bộ Y tế đến sớm 3-4 ngày trước Tết dương lịch 2010, BV có thể xoay xở kịp. Dù biết có quy định bổ sung này, nhưng vì chưa có văn bản chính thức nên bệnh viện vẫn phải thực hiện theo quy định không chấp nhận thẻ bảo hiểm cũ.

Chính vì chưa thống nhất từ trên xuống nên khi bệnh nhân thắc mắc, cả phía bệnh viện và cán bộ giám định BHYT đều chưa có giải đáp cụ thể. Mỗi khi gặp những vướng mắc trong quá trình thực hiện, bệnh viện đổ lỗi cho cơ quan bảo hiểm quá phiền hà trong thanh toán BHYT, còn bảo hiểm lại cho rằng bệnh viện đã tự “đẻ” ra những phiền phức. Vì thế, không ít bệnh viện dù muốn “linh hoạt” trong việc thanh toán cho bệnh nhân BHYT cũng ngại những rắc rối về sau khi thanh toán với BHYT. Cuối cùng, người chịu thiệt thòi vẫn là người bệnh.

Tắc trách từ chính cơ quan quản lý

Luật BHYT đã bắt đầu được thực thi một phần từ 1/10/2009. Gần thời điểm đó, Bộ Y tế đã có các cuộc họp triển khai, lập đoàn thanh tra, kiểm tra đến các cơ sở y tế để kiểm tra, giám sát... vậy nhưng mãi đến tận chiều ngày 30/12/2009, Bộ Y tế mới họp các đoàn kiểm tra và đưa ra chỉ đạo thống nhất việc sử dụng thẻ BHYT từ 1/1/2010. Đến ngày 4.1, chỉ đạo này mới đến các cơ sở y tế bằng thông báo miệng.

Còn cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) việc thực hiện cấp, đổi thẻ mới chưa hoàn tất đã vội ra lệnh ép các cơ sở y tế phải thực hiện khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT mới ngay ngày 1/1/2010 mà lờ đi quyền lợi của người bệnh. Trước sự bất cập này, đến chiều 4.1, BHXH VN lại vội vàng ra công văn gửi các cơ sở y tế thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

Như vậy, tính đến nay, dù Luật BHYT đã có hiệu lực (từ 1/1/2010) nhưng Bộ Y tế và BHXH VN vẫn chưa thống nhất trong việc sử dụng thẻ BHYT khiến người bệnh thiệt thòi.

Được biết, hiện cả nước có khoảng 50 triệu người tham gia BHYT, trong đó còn hàng triệu thẻ có giá trị sử dụng sau ngày 1/1/2010. Theo quan điểm của Bộ Y tế, để tiết kiệm chi phí, những người có thẻ BHYT còn giá trị sử dụng sau ngày 1/1 không cần phải đổi thẻ mới. Thẻ BHYT mới và cũ về cơ bản không khác nhau nhiều, in lại thẻ sẽ gây lãng phí.

Theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), nội dung này đã được quy định tại Thông tư số 10/2009 hướng dẫn đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT do Bộ Y tế ban hành. Như vậy, dù là thẻ mẫu cũ nhưng người bệnh vẫn được hưởng quyền lợi theo Luật BHYT mới cho đến hết thời hạn sử dụng ghi trên thẻ.

Tuy nhiên, phía BHXH VN lại không đồng tình với việc sử dụng thẻ cũ mà lại hưởng quyền lợi mới. Theo BHXH VN, bệnh nhân sử dụng thẻ cũ sẽ khiến cán bộ giám định BHYT rất khó xác định được đối tượng theo quy định mới. Từ đó, sẽ khó thực hiện chính xác các quyền lợi khám chữa bệnh.

Chính vì vậy, ông Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Giám định y tế (BHXHVN) đề nghị những trường hợp chưa được nhận thẻ BHYT mới cần yêu cầu cơ quan, đơn vị sớm lấy thẻ mới hoặc đến BHXH địa phương để tiến hành đổi thẻ.

Để kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế đã thành lập 6 đoàn công tác đến kiểm tra tại 14 bệnh, chủ yếu là bệnh viện tuyến trên từ ngày 4/1 đến 8/1. Và những rắc rối từ "thẻ mới - thẻ cũ" đang xảy tại nhiều bệnh viện thì ngay sau khi kết thúc đợt kiểm tra này, hai ngành y tế và bảo hiểm sẽ phải có buổi làm việc để thống nhất hướng dẫn việc thực hiện các quyền lợi cho người bệnh trong thời điểm chuyển giao./.

Từ ngày 1/1/2010 Luật BHYT sẽ thống nhất thực hiện "4 mới" cho tất cả mọi đối tượng tham gia BHYT: Thẻ BHYT mới, mã thẻ mới, quyền lợi mới và mức đóng mới. Khi đó cơ quan BHXH không thu phí đổi thẻ, không thu hồi thẻ cũ mà chỉ thông báo hủy thẻ cũ. Đối với trẻ em dưới 6 tuổi, từ 1/10/2009 chuyển từ khám chữa bệnh miễn phí, sang thực hiện khám chữa bệnh thông qua thẻ BHYT.  

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực