Không được chủ quan khi ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

Thứ ba, 29/10/2019 16:42
(ĐCSVN) - Đó là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại buổi họp với các đơn vị liên quan về công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, diễn ra sáng 29/10 tại Hà Nội

Sẵn sàng ứng phó với vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành bão

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp (Ảnh: TT)

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, hồi 7h sáng ngày 29/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở vào khoảng 111,3 độ Vĩ Bắc; 116,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển Bình Thuận khoảng 800km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6-7 giật cấp 9.

Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão (bão số 5). Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới: Bắc Vĩ tuyến 10 độ Vĩ Bắc; Đông Kinh tuyến 111 độ Kinh Đông. Bão di chuyển nhanh (15km/h) theo hướng Tây Tây Bắc. Đến 20h-21h00 ngày 30/10 sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực Bình Định - Ninh Thuận.

Báo cáo của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết, đến 6h ngày 29/10 đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 44.968 phương tiện/209.082 người biết diễn biến, hướng di chuyển của ATNĐ. Trong đó, hoạt động khu vực nguy hiểm: 741 tàu/8.487 người (gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu); hoạt động khu vực khác và neo tại bến 44.227 tàu/200.595 người.

Vùng ảnh hưởng của bão dự báo đổ bộ khu vực Nam Trung bộ, nơi mà kinh nghiệm ứng phó với bão của người dân còn hạn chế, trong đó, đã bị thiệt hại rất nặng nề về người, thuỷ sản do bão Damrey năm 2017 và sạt lở đất, lũ quét do mưa lũ sau bão số 8 năm 2018.

Chỉ đạo công tác ứng phó với ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường lưu ý, bão đổ bộ trùng với đợt không khí lạnh đang tràn về, đồng thời rơi vào vùng Nam Trung bộ đang bắt đầu mùa mưa bão nhưng cực đoan hơn bởi biến đổi khí hậu. Vì vậy, không được chủ quan khi ứng phó với bão.

“Chúng ta xác định cả tuyến biển, cả tuyến bờ, cả tuyến đất liền cũng bị tác động. Đáng chú ý là tai biến địa chất, sạt lở ở các tỉnh trọng điểm, đặc biệt là khu vực Nam Trung bộ” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Để ứng phó với bão, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia theo dõi thường xuyên, phân tích kỹ cơn bão để làm công tác cảnh báo, phục vụ cho công tác ứng phó.

Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan cần triển khai nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho tuyến trên biển, trước hết là tàu thuyền, không được chủ quan. Đặc biệt với những tàu ở trong khu vực nguy hiểm.

Cùng với đó, Bộ trưởng yêu cầu Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo cần có thông báo để các tỉnh có phương án đảm bảo an toàn về kinh tế biển và du lịch. Đặc biệt, Bộ Giao thông vận tải thông báo cho các tàu vãng lai đang hoạt động trên biển biết về cơn bão, tránh khu vực nguy hiểm.

Ngoài ra, Cục Trồng trọt cần chú ý đến khu vực thu hoạch lúa mùa; các tỉnh trọng điểm phía Nam Trung bộ cần thường xuyên cập nhật thông tin, đôn đốc công tác chỉ đạo thường xuyên nhằm kịp thời nắm bắt tình hình và ứng phó với cơn bão./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực