Kiến nghị đầu tư riêng về nước sạch cho các vùng thiếu nước

Thứ năm, 04/06/2020 15:59
(ĐCSVN) - Xâm nhập mặn hiện còn ảnh hưởng tới nguồn nước sinh hoạt của người dân ở các địa phương tại ĐBSCL như: Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang,…Vì vậy, về lâu dài, Bộ NN&PTNT đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho xây dựng một chương trình đầu tư riêng về nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn đối với các vùng thường xuyên bị thiếu nước.
Tặng bồn chứa nước và cấp nước ngọt cho người dân vùng hạn, mặn Bến Tre (Ảnh: TTXVN) 

Hiện còn 28.000 hộ khó khăn về nước sinh hoạt

Báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tại các cửa sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, từ tháng 5, xâm nhập mặn có xu thế giảm nhưng vẫn ở mức cao, từ 40-55km. Ở sông Hàm Luông, ranh mặn 4g/lít cao nhất 78km (toàn tuyến sông) từ ngày 21/2 và duy trì liên tục trong các tháng 3, 4, sâu hơn khoảng 5km so với mức sâu nhất năm 2016. Từ tháng 5, xâm nhập mặn có xu thế giảm dần nhưng vẫn ở mức cao, từ 60-75km.

Ở sông Cổ Chiên, sông Hậu, ranh mặn 4g/lít đạt mức cao nhất khoảng 65-68 km, xuất hiện trong tháng 1, 2/2020. Xâm nhập mặn duy trì ở mức cao đến hết tháng 2/2020, từ tháng 3 có xu thế giảm ở mức 35-40 km.

Ảnh hưởng của xâm nhập mặn đã gây thiệt hại cho khoảng 58.400 ha lúa (Mùa 16.500 ha, Đông Xuân 41.900 ha) ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, so với mức thiệt hại năm 2015-2016 bằng 14,3%. Các tỉnh có diện tích lúa thiệt hại lớn gồm: Trà Vinh 21.500 ha, Cà Mau 18.400 ha, Tiền Giang 8.600 ha,… Diện tích cây ăn quả bị thiệt hại tổng cộng 6.650 ha.

Bên cạnh đó hạn, mặn đã tác động tới nguồn nước sinh hoạt của người dân địa phương. Thời điểm cao nhất, có 96.000 hộdân gặp khó khăn về nước sinh hoạt, trong đó gồm: Bến Tre 20.000 hộ, Sóc Trăng 24.400 hộ, Kiên Giang 11.300 hộ, Cà Mau 20.500 hộ, Bạc Liêu 3.300 hộ, Long An 7.900 hộ, Trà Vinh 8.600 hộ. Hiện còn 28.000 hô gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Cụ thể tại các tỉnh: Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh.

Kiến nghị xây dựng chương trình đầu tư riêng về nước sạch

Tiếp tục ứng phó với tình hình xâm nhập mặn, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã đi kiểm tra và làm việc về công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận; các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT đã tổ chức các đoàn công tác liên ngành làm việc với các địa phương để rà soát thực tế, thống nhất kế hoạch sản xuất vụ Thu Đông năm 2020 khu vực ĐBSCL.

Tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, nguồn nước, có các bản tin tổng hợp hằng tuần để kịp thời hướng dẫn, cảnh báo và hỗ trợ các địa phương thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước. Đồng thời, chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, trong đó, vùng ĐBSCL đã bố trí đẩy sớm thời vụ gieo trồng, điều chỉnh lùi, giãn vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho gần 100.000 ha lúa.

Hiện nay, hầu hết các địa phương vùng ĐBSCL đã ban hành các chỉ thị, kế hoạch, văn bản chỉ đạo tăng cường thực hiện phương án phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, chỉ đạo, giúp đỡ, hỗ trợ người dân phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn. Tăng cường thực hiện các giải pháp thủy lợi bảo đảm cấp nước cho sản xuất nông nghiệp.

Theo Bộ NN&PTNT, để ứng phó với hạn, mặn, cần tiếp tục tổ chức theo dõi, cập nhật sát thông tin dự báo khí tượng, thủy văn; cung cấp thông tin dự báo nguồn nước và khuyến cáo xây dựng kế hoạch sử dụng nước để các địa phương chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó. Đồng thời, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh theo hướng chủ động, linh hoạt; bố trí cơ cấu sản xuất, mùa vụ, thời điểm xuống giống lúa phù hợp. Ở những vùng đủ nước cần đẩy sớm lịch sản xuất để tận dụng nguồn nước, vùng không đảm bảo nguồn nước cần xem xét giãn, dừng cho diện tích lúa để chờ mưa hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Cùng với đó, hỗ trợ người dân khơi, đào thêm các giếng nước; tổ chức các điểm cấp nước tập trung cho người dân; hỗ trợ đường ống, bơm dã chiến lấy nước từ nguồn xa về các cụm dân cư. Tăng cường công tác truyền thông về giải pháp cấp và trữ nước hộ gia đình, sử dụng nước tiết kiệm trong thời kỳ còn lại của mùa khô 2020.

Hiện, Bộ NN&PTNT đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho xây dựng một chương trình đầu tư riêng về nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn đối với các vùng thường xuyên bị thiếu nước do ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, trong đó có khu vực đồng bằng sông Cửu Long với nguyên tắc tách riêng nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp và nguồn nước cho sinh hoạt. Qua đó, nhằm nâng mức bảo đảm nước sinh hoạt lên 100%. Các khu trữ nước cho sinh hoạt phải bảo đảm đủ nguồn cung cấp trong mọi trường hợp, kể cả khi hạn hán, thiếu nước cực đoan nhất./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực