Kịp thời ứng phó với tình hình mưa lũ sau bão số 4

Thứ sáu, 17/08/2018 11:15
(ĐCSVN) - Hiện nay, bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, để chủ động trước các tình huống mưa lũ xảy ra, các địa phương cần theo dõi sát tình hình để thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động các phương án ứng phó.

Đó là thông tin được nêu tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai với các cơ quan, đơn vị liên quan, sáng 17/8.

Quang cảnh cuộc họp (Ảnh: BT)

Về tình hình bão số 4, khi đi vào vùng biển Nam Định-Thanh Hóa, bão đã suy yếu dần, từ khoảng 5h00 sáng 17/8, bão tiếp tục suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đổ bộ vào khu vực Thanh Hóa.

Hồi 7 giờ ngày 17/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 19,8 độ Vĩ Bắc; 105,5 độ Kinh Đông, trên đất liền tỉnh Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 7.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi sâu vào đất liền sau đó suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào. Đến 7 giờ ngày 18/8, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 19,9 độ Vĩ Bắc; 102,8 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Về tình hình lượng mưa, trong ngày 16/8, khu vực Bắc Bộ và Bắc trung Bộ có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, phổ biến từ 30-80mm. Một số trạm có lượng mưa lớn như: Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) 119mm, Mường Chiềng (Hòa Bình) 115mm, Mai Châu (Hòa Bình) 97mm, Quỳ Châu (Nghệ An) 83mm.

Dự báo trong ngày và đêm 17/8, ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An tiếp tục có mưa to (50-150mm). Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ và ảnh hưởng an toàn hồ đập ở Thanh Hóa, đặc biệt là các huyện Như Thanh, Như Xuân và Tĩnh Gia.

Triển khai công tác ứng phó với cơn bão, tất cả các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh đã thực hiện cấm biển trước 16h ngày 16/8; ban hành công điện, văn bản chỉ đạo và tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo đối phó với bão. Cùng với đó, đã thông báo, kiểm đếm và hướng dẫn về nơi neo đậu an toàn cho 36.314 phương tiện/137.774 người. Thông báo, hướng dẫn bảo vệ 13.420 lồng bè, lều, chòi canh nuôi trồng thủy sản; di dời 14.036 người trên các lồng bè, lều, chòi canh vào bờ.

Nhằm bảo vệ sản xuất nông nghiệp, tính đến 17h ngày 16/8, các địa phương khu vực Bắc Bộ đã chủ động vận hành 614 máy bơm tiêu và 96 cống tiêu để tiêu nước đệm trước khi bão đổ bộ vào đất liền, đồng thời sẵn sàng vận hành các trạm bơm để tiêu thoát khi mưa lớn.

 

Hiện nay, theo báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương, chưa có thông tin về thiệt hại do bão.

 

Để chủ động ứng phó với các tình huống mưa lũ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Công điện số 1068/CĐ-TTg ngày 16/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Công điện số 38/CĐ-TW ngày 15/8/2018 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai- Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; các công điện của các Bộ, ngành, địa phương về ứng phó với bão số 4.

 

Bên cạnh đó, huy động các lực lượng, phương tiện khắc phục hậu quả, nhất là các sự cố hư hỏng về đê điều. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động các phương án ứng phó với lũ, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi. Kiểm soát chặt chẽ việc giao thông qua khu vực ngầm tràn, đò ngang, đò dọc, đường bị ngập sâu; sẵn sàng phương án cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

 

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài nhấn mạnh, với các địa phương miền núi cần đảm bảo an toàn cho người dân, theo dõi diễn biến mưa lũ, sạt lở đất nhằm tiến hành sơ tán dân ở những vùng nguy hiểm đến những nơi an toàn.

 

Với các hồ chứa, cần tiếp tục theo dõi bố trí lực lượng thường trực tại các hồ nhằm có các chỉ đạo điều hành đảm bảo an toàn cho công trình. Theo dõi chặt chẽ hệ thống đê điều, đặc biệt với một số vùng thấp trũng ở Hà Nội, chống tràn đê, nhất là khu vực sông Bùi, Chương Mỹ./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực