Làm rõ có hay không việc “đánh trống ghi tên” trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thứ năm, 23/03/2017 17:31
(ĐCSVN) – Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung đề nghị làm rõ những mặt được, chưa được trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện nay.
Các đại biểu đã chỉ ra những hạn chế trong đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn thời gian qua.
(Ảnh: KT)

Sáng 23/3, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị toàn quốc công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, đến nay đã có trên 5 triệu lao động nông thôn được học nghề, trong đó có gần 3,5 triệu lao động nông thôn được đào tạo, hỗ trợ theo chính sách của Quyết định 1956 với trên 40% học nghề nông nghiệp, gần 60% học nghề phi nông nghiệp. Đặc biệt, sau học nghề, số người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn đạt gần 80%. Nhận thức của người dân về học nghề có sự chuyển biến căn bản, từ chỗ tham gia học nghề để được hỗ trợ tiền ăn, học cho biết chuyển sang học nghề để nắm bắt khoa học - kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, để có kiến thức, kỹ năng tìm được việc làm có thu nhập cao, làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, kết quả trên đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 28% năm 2009 lên 53% năm 2016; nâng năng suất lao động xã hội từ 37,9 triệu đồng năm 2009 lên 84,5 triệu đồng năm 2016 và thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội từ 51,5% làm nông nghiệp năm 2009, xuống còn khoảng 44% năm 2015, giảm 7,5%.

Theo Bộ trưởng, giai đoạn 2016-2020, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được đưa vào nội dung thành phần trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đáng chú ý, yêu cầu trong giai đoạn tới là phải nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Sau đào tạo, ít nhất 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.

Nhấn mạnh đây là một nhiệm vụ lớn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận đánh giá thực trạng công tác dạy nghề cho lao động nông thôn thời gian qua. “Hội nghị cần phải tập trung đánh giá công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong thời gian qua, những gì là thế mạnh, thành công, đâu là hạn chế... Phải làm rõ có hay không việc lao động nông thôn gặp gì đào tạo nấy, đánh trống ghi tên để chi tiền...” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu.

Trước đề nghị của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đại biểu đại diện nhiều tỉnh, thành đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong vấn đề đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn thời gian qua.

Là người đầu tiên phát biểu, ông Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn ở tỉnh miền núi biên giới Hà Giang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, vốn phân bổ chậm và ít trong khi điều kiện Hà Giang địa bàn phân tán, việc mở lớp dạy nghề tập trung ở xã, huyện rất khó khăn mà các cơ sở dạy nghề phải xuống tận thôn, bản để mở lớp. Việc các lớp mở ra xong, lao động học xong thì địa phương cũng không có nhiều doanh nghiệp để tiếp nhận lao động, học nghề xong vẫn chẳng có việc. “Vì thế, có những huyện mỗi năm vẫn có đến 4.000 - 5.000 lao động bỏ sang bên kia biên giới để kiếm việc làm” – ông Trần Đức Quý cho biết.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Trung Thảo - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết thêm, một trong những khó khăn đối với tỉnh Cao Bằng là có đến 95% đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều còn trên 50% dẫn đến trình độ dân trí của người lao động làm nông nghiệp thấp làm ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức trong công tác đào tạo. Hơn nữa, do địa bàn chia cắt, phần lớn sản xuất phân tán nhỏ lẻ, các vùng có trình độ sản xuất khác nhau nên việc xác định ngành nghề đào tạo để phát huy hiệu quả của tỉnh rất khó khăn. “Khi tổ chức đào tạo chăn nuôi lợn hoặc trồng trọt phải gắn với điều kiện gia đình, nhưng với tỷ lệ hộ nghèo cao, sau khi đào tạo xong mà không được hỗ trợ thì việc phát huy đào tạo rất khó khăn” – ông Nguyễn Trung Thảo nói.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Phước thẳng thắn phát biểu: “Nếu công tâm nhìn nhận thì hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa cao. Con số người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn đạt gần 80% là hơi "hồng” ". Theo ông, đào tạo lao động nông thôn gặp khó khăn do trình độ, điều kiện, phương tiện kỹ thuật không thể đáp ứng được. Ông cũng nhấn mạnh, đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn tới phải chú trọng tới đào tạo sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Ông Nguyễn Hữu Phước bày tỏ mong muốn, “cố gắng trong năm 2017 tạo được tiền đề để trong đào tạo nông nghiệp, người dân có ý thức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Trong 5 năm tới, sản xuất nông nghiệp phải theo hướng sản xuất công nghệ cao, nếu không bán không ai mua. Mặt khác, qua đào tạo phải tạo ý thức cho người dân để họ nhận thức đúng đắn hơn, sản xuất nông nghiệp sạch hơn theo công nghệ mới”.

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu các địa phương đã đề nghị Bộ Tài chính sớm bố trí kinh phí năm 2017 về nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn cho các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương để tổ chức thực hiện; hỗ trợ các địa phương đầu tư cơ sở đào tạo nghề, hỗ trợ kinh phí xây dựng các mô hình; cần có thêm các chính sách hỗ trợ, phụ cấp thêm cho cán bộ, giảng viên làm công tác đào tạo nghề ở địa phương khó khăn…/.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực