Luật việc làm: Hướng tới cơ hội việc làm bền vững

Thứ năm, 19/12/2013 10:41

(ĐCSVN)Tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật việc làm gồm 7 Chương và 62 Điều. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản luật quy định đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các quan hệ về việc làm và thị trường lao động.

 

Luật việc làm quy định nhiều chính sách hỗ trợ tạo việc làm
cho người lao động (Ảnh: KS)

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Nguyễn Thanh Hòa cho biết, Luật việc làm điều chỉnh 5 nhóm vấn đề lớn: chính sách hỗ trợ tạo việc làm; thông tin thị trường lao động; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; tổ chức, hoạt động dịch vụ việc làm và bảo hiểm thất nghiệp. Việc Quốc hội thông qua Luật Việc làm là một hoạt động lập pháp quan trọng nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực việc làm. Theo Thứ trưởng, lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản luật quy định đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các quan hệ về việc làm và thị trường lao động. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm tạo cơ hội việc làm theo hướng bền vững cho mọi lao động, đồng thời thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với tư cách là một thành viên trong cộng đồng quốc tế, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Công ước số 122 của Tổ chức lao động quốc tế về chính sách việc làm, quyết tâm phấn đấu giải quyết các vấn đề xã hội ngay trong quá trình đổi mới, phát triển và hội nhập.

Nhiều chính sách hỗ trợ tạo việc làm

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa nêu rõ, Luật quy định 6 chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động gồm: tín dụng ưu đãi tạo việc làm; hỗ trợ chuyển dịch việc làm cho lao động nông thôn; việc làm công; hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên và hỗ trợ phát triển thị trường lao động.

Trong đó, chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm được phát triển trên cơ sở chính sách cho vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm (ra đời từ năm 1992), cụ thể hóa các quy định về đối tượng, điều kiện vay vốn, đồng thời, bổ sung thêm đối tượng ưu tiên là người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng nhiều lao động là người dân tộc thiểu số. Ngoài ra, Luật việc làm cũng quy định về chính sách tín dụng khác nhằm gián tiếp hỗ trợ tạo việc làm.

Quy định chính sách hỗ trợ chuyển dịch việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn thông qua việc hỗ trợ học nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm và vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm nhằm nâng cao chất lượng lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng phi nông nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh phát triển sản xuất kinh doanh để khuyến khích giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động ở khu vực nông thôn.

Chính sách việc làm công là chính sách mới với mục tiêu cung cấp việc làm tạm thời có trả công cho người lao động thông qua việc thực hiện dự án hoặc hoạt động sử dụng vốn nhà nước gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cấp xã. Việc thực hiện chính sách việc làm công sẽ góp phần giải quyết việc làm tạm thời, tại chỗ cho người lao động song song với việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, chất lượng công trình với sự tham gia trực tiếp của người dân.

Trên cơ sở kế thừa các quy định pháp luật hiện hành, Luật việc làm cũng quy định chính sách khuyến khích và hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, ưu tiên đối với lao động là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân của người có công với cách mạng.

Nhằm hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa cho biết, Luật việc làm đã quy định các chính sách tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh niên, đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội và hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp.

Song song với các chính sách hỗ trợ tạo việc làm, Luật việc làm cũng quy định việc hỗ trợ phát triển thị trường lao động thông qua việc hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động và phát triển hệ thống dịch vụ việc làm nhằm nâng cao hiệu quả kết nối cung – cầu lao động.

Lần đầu tiên thông tin thị trường lao động được quy định trong văn bản luật

Một trong những điểm quan trọng của Luật việc làm vừa được thông qua là lần đầu tiên thông tin thị trường lao động được quy định trong văn bản luật, góp phần phát triển thị trường lao động năng động, cạnh tranh, minh bạch và thống nhất. Luật việc làm quy định cơ quan quản lý nhà nước về thống kê ở trung ương tổ chức thu nhập, công bố và xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu đối với các thông tin thị trường lao động là chỉ tiêu thống kê quốc gia theo quy định của pháp luật về thống kê. Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thu thập và công bố các thông tin thị trường lao động thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách ngoài các thông tin thị trường lao động thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và UBND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn quản lý thông tin thị trường lao động tại địa phương.

Bên cạnh đó, Luật việc làm quy định việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia nhằm công nhận cấp độ kỹ năng nghề nghiệp theo trình độ của người lao động và người lao động được tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia để hoàn thiện năng lực nghề nghiệp, tìm công việc phù hợp hoặc công việc yêu cầu phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Tổ chức đánh giá kỹ năng nghề là tổ chức hoạt động có điều kiện và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia khi có đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực.

Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Luật việc làm quy định chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên cơ sở kế thừa các quy định về bảo hiểm thất nghiệp của Luật bảo hiểm xã hội và sửa đổi, bổ sung các quy định để đảm bảo phù hợp với tình hình mới, tạo thuận lợi cho người lao động tham gia chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Về đối tượng, Luật việc làm quy định đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng và mọi người sử dụng lao động. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa, quy định này sẽ góp phần mở rộng phạm vi bao phủ của chính sách, tạo thuận lợi cho người lao động đã có quan hệ lao động nhưng mức độ ổn định yếu hơn có cơ hội có được việc làm sau khi thất nghiệp.

Về chế độ bảo hiểm thất nghiệp, Luật đã quy định các chế độ đối với người thất nghiệp như hiện hành, đồng thời bổ sung chế độ hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Luật việc làm cũng quy định cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng tiếp thu, kế thừa các quy định hiện hành và sửa đổi, bổ sung các quy định mới đảm bảo phù hợp hơn, tiến bộ hơn.

Về Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Luật việc làm vẫn giữ nguyên như quy định hiện hành nhưng có tiếp thu, sửa đổi quy định về mức hỗ trợ của Nhà nước theo hướng nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương trong tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp căn cứ tình hình kết dư Quỹ từng thời kỳ. Quỹ bảo hiểm thất nghiệp được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch, bảo đảm an toàn và được Nhà nước bảo hộ./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực