Mưa lũ gây nhiều thiệt hại tại Thừa Thiên Huế

Thứ ba, 11/12/2018 12:06
(ĐCSVN) - Mưa lớn trong các ngày qua cũng đã gây ngập lụt cục bộ tại một số địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng thời cũng đã gây nên những thiệt hại ban đầu, trong đó đáng kể là những thiệt hại trên lĩnh vực nông nghiệp của địa phương.
Lũ trên các sông tại Huế đang lên (ảnh: Đình Tăng)

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thừa Thiên Huế tối 10/12, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường mạnh kết hợp với nhiễu động gió đông trên cao nên từ tối ngày 7 - 10/12, tại Thừa Thiên Huế đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; lượng mưa phổ biến ở vùng núi Nam Đông, Thượng Nhật từ 70 – 100 mm, vùng đồng bằng và vùng núi A Lưới từ 200 – 300 mm, một số nơi mưa rất to như: Phong Bình 533 mm; Bạch Mã 480 mm; Bình Thành 283 mm.

Mưa lớn đã làm ngập úng 30 ha hoa màu, 5,7 hoa cúc Tết tại xã Quảng Thành, Quảng Thọ, thị trấn Sịa huyện Quảng Điền; làm 01 hồ tôm (diện tích 2.200 m2) đang nuôi tại xã Điền Hương, huyện Phong Điền bị vỡ, gây thiệt hại hoàn toàn tôm có trong hồ.

Tại TP. Huế, do có mưa to và rất to tại khu vực đồng bằng nên thành phố Huế có cường độ lớn, tập trung trong thời đoạn ngắn đã gây ngập úng cho một số tuyến đường: Trần Quang Khải, Đống Đa, Tôn Đức Thắng, Lý Tự Trọng, Phan Văn Trường, Lê Minh.... ngập bình quân 0,1-0,3 m. Các tuyến đường khu vực Bắc sông Hương như: Vạn Xuân, Chi Lăng, Nguyễn Chí Thanh, Phùng Khắc Khoan, Lê Đình Chinh, Lê Thánh Tôn, Nhật Lệ, Tịnh Tâm, Thánh Gióng, Trần Nguyên Đán, Ngô Đức Kế... ngập bình quân 0,2-0,3 m.    

Trong khi đó, trên các tuyến đường Quốc lộ, đáng kể là tại huyện Phú Lộc, tuyến đường Quốc lộ 1A đoạn qua xã Lộc Trì ngập khoảng 20-30 cm (từ 03 giờ - 07 giờ ngày 10/12). Để đảm bảo an toàn  giao thông, công an huyện đã phối hợp với công an tỉnh và các địa phương tổ chức lực lượng kiểm soát giao thông tại các khu vực đường bị ngập để hướng dẫn người, phương tiện và phân luồng giao thông đảm bảo an toàn. Hiện tại nước đã rút, giao thông trở lại bình thường. Còn tại huyện Phong Điền, tuyến Quốc lộ 49B đoạn qua địa phận xã Phong Hòa, Phong Bình ngập từ 0,2 - 0,4 m dài khoảng 1.000 m.

Đối với các tuyến đường tỉnh lộ, đường giao thông tại các địa phương, theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, một số tuyến đường thôn xóm tại các xã Lộc Bổn, Lộc An, Lộc Điền, Lộc Trì, thị trấn Phú Lộc và Lộc Thủy huyện Phú Lộc bị ngập khoảng 10-20 cm. Tại huyện Quảng Điền, đường tỉnh lộ 4 nước ngập tại tràn Thủ Lễ, huyện Quảng Điền với độ sâu 0,3-0,4 m. Tại huyện Phong Điền, đường tỉnh lộ 6 tại K1+300, đoạn Thị trấn Phong Điền bị ngập cục bộ 50 m với độ sâu ngập 0,4 m; đoạn đường Tỉnh lộ 17 từ thị Trấn Phong Điền đến xã Phong Mỹ qua đoạn chợ Phong Mỹ bị ngập sâu 1,5 m; đoạn đường từ xã Phong An đến xã Phong Xuân qua đoạn thôn Vĩnh Hương, thôn Bến Củi ngập 0,5 m, dài khoảng 100 m; đoạn đường Tỉnh lộ 6 từ thị trấn đi Phong Chương qua đoạn thôn Khúc Lý bị ngập 0,3 m, dài khoảng 200 m (ngập tại 02 tràn, mỗi tràn ngập dài 100 m); đoạn đường từ xã Phong Chương đi xã Điền Lộc ngập 0,3 m dài 200 m; một số tuyến đường liên thôn tại các xã: Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương, Phong Sơn, thị trấn, phong Xuân bị ngập từ 0,2 đến 1 m; giao thông đi lại vẫn còn khó khăn.

Cùng với những thiệt hại trên, từ ngày 8 - 10/12, do không khí lạnh tiếp tục tăng cường gây ra gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, sóng to, triều cường, kết hợp nước dâng nên đã làm bờ biển Thừa Thiên Huế tiếp tục sạt lở nặng, tập trung tại các điểm thuộc huyện Phú Lộc như: Xã Vinh Hải bị sạt lở với chiều dài khoảng 3,3 km; một số đoạn nước đã tràn qua Tỉnh lộ 21; khu vực kè thôn An Dương, xã Phú Thuận được đầu tư xây dựng trong năm 2015 và các khu vực tiếp giáp hai khoá đầu kè, phần chưa được đầu tư xây dựng bị sạt lở với chiều dài 2 km, xói sâu vào 5-8 m; bờ biển đoạn quan xã Phú Diên, Phú Hải bị sạt lở với tổng chiều dài khoảng 2 km; khu vực sông Bù Lu (thôn Cảnh Dương) tiếp tục sạt lở sâu vào khu dân cư 0,5 m, dài 100 m (đoạn chưa kịp gia cố thuộc Dự án kè chống sạt lở sông Bù Lu);  bờ sông Hương đoạn qua tổ dân phố 3 phường Hương Hồ bị sạt lở với chiều dài 300 m.

Trước diễn biến của thời tiết, đặc biệt là mưa lớn sẽ còn tiếp diễn, hiện Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai Công điện số 58/CĐ-TW hồi 12 giờ 00 ngày 09/12/2018 của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai-Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn về chủ động phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do mưa, lũ, sạt lở đất gây ra. Đồng thời ban hành Công điện số 07/CĐ-PCTT hồi 08 giờ ngày 10/12/2018 đề nghị Ban Chỉ huy PCTT &TKCN các địa phương, các sở, ngành trong tỉnh triển khai các nội dung ứng phó với không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió đông tầng thấp diễn biến phức tạp.

Để đảm bảo an toàn cho học sinh, theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, tại tỉnh có 09 trường học tại các xã Lộc Bổn, Lộc Trì, Lộc Điền và thị trấn Phú Lộc thuộc huyện Phú Lộc đã được nghỉ học từ ngày 10/12. Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế thường trực thường xuyên fax; nhắn tin, chuyển mail, đưa lên hệ thống mạng xã hội các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, các công điện chỉ đạo các địa phương để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cũng đã ban hành Lệnh vận hành số 320/PCTT ngày 10/12/2018 để vận hành điều tiết hồ thuỷ điện A Lưới bắt đầu vận hành điều tiết nước qua tỉnh Sê Kông (Lào) với lưu lượng khoảng 50-500m3/s vào lúc 6h ngày 12/12/2018. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh phối hợp với các đơn vị, địa phương ven biển sử dụng phương tiện thông tin liên lạc đài trực canh để thông báo cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết về diễn biến của gió mạnh để chủ động phòng tránh. Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế triển khai các phương án đảm bảo an toàn lưới điện, phương án cấp điện dự phòng cho các địa phương trong tình huống có sự cố xảy ra. UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế triển khai chỉ đạo các ngành chức năng, các phường, xã thị trấn tăng cường thông tin truyền thông về tình hình mưa lớn để nhân dân biết chủ động phòng tránh; bố trí lực lượng hướng dẫn người và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, các đoạn đường thường bị ngập lụt đảm bảo an toàn về người và phương tiện tham gia giao thông. Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh thực hiện công tác cảnh báo, dự báo lũ, cập nhật tình hình mưa, mực nước thông báo cho các địa phương, đơn vị phục vụ công tác chỉ đạo điều hành. Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, VTV8, Báo Thừa thiên Huế, các đài truyền thanh xã, phường đã thường xuyên tuyên truyền, phát tin về mưa lũ phục vụ nhân dân./.

Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực