Mức phạt cao nhất trong vi phạm hành chính ở lĩnh vực dạy nghề lên đến 40 triệu đồng

Thứ sáu, 08/01/2010 20:33

(ĐCSVN) - Sẽ phạt tối đa 40 triệu đồng nếu vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề. Đó là nội dung mới vừa được Chính phủ ban hành trong Quyết định số 116/2009/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề.

Nghị định này gồm 5 chương, 37 Điều có hiệu lực kể từ ngày 1/3/2010 và thay thế Nghị định số 73/2006/NĐ-CP trước đây quy định về lĩnh vực này.

Theo đó, đối tượng áp dụng là các cá nhân, tổ chức Việt Nam có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề. Cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề trên lãnh thổ Việt Nam, trừ trường hợp các điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên.

Cụ thể, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về thành lập và đăng ký hoạt động dạy nghề sẽ phạt tối đa đến 2 triệu đồng cho hành vi làm mất giấy phép (GP) nhưng không trình báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc chậm đăng ký hoạt động từ 3-6 tháng kể từ khi hết hạn bắt buộc phải đăng ký.

Đồng thời, phạt tối đa tới 10 triệu đồng hành vi tẩy xóa, sửa chữa, bổ sung nội dung GP; báo cáo sai các điều kiện để được cấp GP, thay đổi nghề đào tạo; mua bán, chuyển nhượng, cho thuê GP...

Đối với hành vi không chấp hành quyết định đình chỉ hoạt động hoặc giải thể cơ sở dạy nghề của cơ quan có thẩm quyền, tiếp tục hoạt động khi thời hạn trong GP đã hết hiệu lực sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu - 30 triệu tùy theo mức độ vi phạm.

Mức phạt cao nhất 40 triệu đồng dành cho hành vi thành lập trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề mà chưa được cơ quan thẩm quyền cho phép, hoặc có hành vi lợi dụng hoạt động dạy nghề để trục lợi, lạm dụng sức lao động của người học nghề. Cụ thể, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi thành lập trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép; Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng hoạt động dạy nghề để trục lợi, lạm dụng sức lao động của người học nghề.

Nghị định cũng quy định hành vi cấp chứng chỉ sơ cấp nghề trái quy định sẽ bị phạt tối đa 10 triệu đồng, phạt 15 triệu đồng cho cấp sai bằng trung cấp nghề và mức phạt 20 triệu đồng cho hành vi cấp sai bằng cao đẳng nghề; còn hành vi in ấn, phát hành phôi văn bằng, chứng chỉ nghề không đúng quy định sẽ bị phạt 20 triệu đồng

Đối với hành vi sử dụng giáo viên dạy trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề không đủ tiêu chuẩn; sử dụng giả mạo Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng dạy nghề và Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng chương trình dạy nghề sẽ bị phạt tới 10 triệu đồng.

Bên cạnh các hình thức phạt cảnh cáo và phạt tiền, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng có thời hạn hoặc không thời hạn quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động dạy nghề; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị áp dụng hoặc bị áp dụng 1 trong 10 biện pháp khắc phục hậu quả như buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc hủy bỏ kết quả các môn thi hoặc chấm lại bài thi; buộc thực hiện bổ sung các phần nội dung, chương trình đã bị cắt xén; buộc huỷ bỏ quyết định sai, trái với quy định của cơ quan có thẩm quyền; buộc khôi phục quyền lợi học tập cho người học, người sử dụng văn bằng chứng chỉ…; buộc thu hồi văn bằng, chứng chỉ đã cấp trái phép; buộc thu hồi, tiêu huỷ hoặc chấm dứt sử dụng tài liệu, thiết bị dạy nghề do hành vi vi phạm hành chính gây ra; buộc đính chính thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng; buộc sử dụng đúng, đầy đủ theo giao kết hợp đồng đã ký kết; buộc tiêu huỷ tài liệu, thiết bị dùng cho dạy nghề đã nhập khẩu trái phép.

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề là 01 năm, kể từ ngày hành vi vi phạm hành chính được thực hiện. Nếu quá thời hạn nêu trên thì không xử phạt nhưng vẫn áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày lập biên bản, người có thẩm quyền phải ra quyết định xử phạt; nếu có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn trên có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày. Hình thức và nội dung quyết định xử phạt thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 56 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực