Nan giải công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thứ năm, 12/12/2013 15:58

 

Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN) 

Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020” được triển khai từ tháng 1/2011. Bên cạnh một số kết quả đã đạt được, theo ông Đinh Quang Chí, Phó Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh, do nhiều nguyên nhân, việc học nghề còn mang tính hình thức, hiệu quả của việc học nghề chưa cao.

Thực tế triển khai đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Lạng Sơn cho thấy, địa bàn tuyển sinh chủ yếu ở các thôn, bản, giao thông đi lại khó khăn, sản xuất nông nghiệp mang tính thời vụ; lúc nông nhàn, người lao động ít khi ở nhà nên rất khó tiếp cận để tuyên truyền vận động họ đi học nghề ; đội ngũ giáo viên cơ hữu ở các trung tâm dạy nghề cấp huyện còn thiếu, chủ yếu phải hợp đồng đội ngũ giáo viên kiêm chức nên không chủ động được trong việc tổ chức các lớp dạy nghề. Cán bộ quản lý dạy nghề còn hạn chế về năng lực chuyên môn; hồ sơ, sổ sách chưa đảm bảo theo quy định và chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu. Đó là chưa nói tới vấn đề giao dạy nghề nông nghiệp cho ngành nông nghiệp, gây lúng túng cho cả 2 ngành Lao động Thương binh và Xã hội và Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; hồ sơ đào tạo quá nhiều đầu sổ sách; thủ tục quyết toán quá nhiều hợp đồng, nhiều hóa đơn kèm theo như: hợp đồng giáo viên thỉnh giảng; hợp đồng thuê địa điểm, hợp đồng thuê xe, hợp đồng trang trí, hợp đồng thuê chuồng trại và các hóa đơn kèm theo...

Thầy Trương Hồ Sơn - giáo viên dạy nghề sửa chữa động cơ Diezen sử dụng cho máy cày tay cho biết: Một số xã chưa xác định được nghề đào tạo, chưa tư vấn được cho người dân học nghề gì để sau khi học nghề có việc làm và nâng cao thu nhập; chương trình, giáo trình dạy nghề chậm được cập nhật, sửa đổi bổ sung để phù hợp với kỹ thuật công nghệ trong sản xuất, kinh doanh; khả năng tiếp thu, áp dụng kiến thức đã học vào thực tế quá trình sản xuất, phát triển kinh tế hộ còn nhiều khó khăn.

Học viên Đặng Văn Tĩnh ở thôn Quảng Trung I, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn cho biết: Chúng em học nghề gặp khó khăn về địa điểm học, việc học nghề phải học nhờ tại nhà văn hóa thôn, bên cạnh đó, trang thiết bị phục vụ cho thực hành cũng phải mang từ nhà đi để phục vụ việc học. Cùng với đó, chúng em ở đây hầu hết là làm nông nghiệp chỉ học nghề những lúc chưa vào vụ mùa, đây cũng là một trong những khó khăn đối với việc đào tạo nghề cho những học viên nông thôn.

Để việc thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh Lạng Sơn xác định cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền một cách sâu rộng, để người dân hiểu rõ những cơ chế chính sách gắn với quyền lợi của họ; lựa chọn đúng những người có nhu cầu thực sự về nghề đào tạo; tiếp tục nhân rộng các mô hình dạy nghề có hiệu quả phù hợp với điều kiện, phong tục tập quán ở từng địa bàn; tăng cường các nguồn lực đầu tư cho dạy nghề: Cơ sở vật chất, trang thiết bị, công tác xây dựng chương trình, giáo trình dạy nghề cho lao động nông thôn; phát triển ngành nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ, gắn dạy nghề với thị trường lao động và giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động.... ./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực