Nâng cao chất lượng giao thông nông thôn tạo đà phát triển kinh tế-xã hội

Thứ năm, 16/05/2019 11:47
(ĐCSVN) - Sáng 16/5, tại Quảng Nam, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), Ngân hàng thế giới và UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp tổ chức Hội thảo đánh giá giữa kỳ Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP).
 
Tham dự Hội thảo có đại diện Uỷ ban Dân tộc của Quốc hội, đại diện Bộ Giao thông vận tải, Vụ hợp tác Quốc tế (Ngân hàng thế giới), lãnh đạo các địa phương trong cả nước.

Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện phát biểu tại Hội thảo
(Ảnh: Đình Tăng)

Báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN) tại Hội thảo cho biết, mạng lưới đường bộ địa phương ở Việt Nam có hơn 458 nghìn km trên tổng số hơn 570 nghìn km mạng lưới đường bộ quốc gia (tương đương với 88%), phục vụ khoảng 80% dân số và 90% người nghèo trong cả nước. Trên mạng lưới đường địa phương, rất nhiều đoạn đường xuống cấp, không đủ kinh phí để bảo trì, rất nhiều vị trí chưa có cầu, gây khó khăn rất lớn cho người dân, đặc biệt là các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc miền núi.

Trong điều kiện đó, Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) là một dự án giao thông quan trọng, do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản, TCĐBVN được giao là chủ đầu tư, quyết định đầu tư các dự án thành phần thuộc hợp phần cầu, UBND các tỉnh quyết định đầu tư hợp phần đường.

Dự án góp phần vì mục tiêu hỗ trợ bảo trì đường địa phương và xây dựng các cầu dân sinh trên các tuyến đường giao thông nông thôn, tạo đà xây dựng nông thôn mới, góp phần xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho các vùng, miền trên cả nước. Đến nay, với sự nỗ lực rất lớn của các đơn vị tham gia Dự án, sự hỗ trợ của các bộ, ngành và Ngân hàng thế giới, Dự án đang thực hiện theo đúng lộ trình Hiệp định và đã đạt được những kết quả rất khả quan.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng TCĐBVN cho biết, Dự án gồm 02 hợp phần chính, có quy mô lớn và tương đối riêng biệt. Trong đó, hợp phần đường có tổng mức đầu tư là 3.296 tỷ đồng, do UBND 14 tỉnh là cấp quyết định đầu tư, các Sở GTVT và Ban Quản lý dự án (QLDA) địa phương triển khai thực hiện với mục tiêu khôi phục, cải tạo 676 km đường và 61.109 km được bảo dưỡng thường xuyên; hợp phần cầu có tổng mức đầu tư là 5.798 tỷ đồng, mục tiêu đầu tư tối thiểu 2.174 cầu trên địa bàn 50 tỉnh, thành phố do TCĐBVN được Bộ GTVT ủy quyền là cấp quyết định đầu tư dự án thành phần và là chủ đầu tư, các Ban QLDA chuyên ngành 3,4,6,8 và các Ban QLDA địa phương triển khai thực hiện.

Đến nay, qua nửa kỳ thực hiện, về cơ bản các khối lượng chính thuộc Dự án (theo chỉ số giải ngân) đều đạt hoặc vượt kế hoạch. Trong đó, hợp phần cầu: Tổng số cầu đã khởi công là 1.840 cầu, đạt 85% số lượng cầu tối thiểu của dự án. Số cầu đã hoàn thành là 1.037 cầu (đạt 43%), bàn giao khai thác chính thức 865 cầu (đạt 40%), dự kiến hết năm 2019 hoàn thành khoảng 1.800 cầu, đạt khoảng 90% so với yêu cầu.

Tuy nhiên, từ khảo sát thực tế, ngày 25/4/2019, Bộ GTVT đã có quyết định điều chỉnh danh mục cầu của Dự án, theo đó điều chỉnh tăng 270 cầu so với dự kiến ban đầu, tức là 2.444 cầu (theo Hiệp định số tối thiểu là 2.174 cầu). Tổng cục ĐBVN đang tiến hành các thủ tục khảo sát thiết kế, dự kiến sẽ ký hợp đồng xây dựng toàn bộ số cầu còn lại trong năm 2019 và hoàn thành 100% trong năm 2020, sớm 1 năm so với kế hoạch.

Đối với hợp phần đường: Các chỉ số về số km đường đã hoàn thành khôi phục cải tạo, số km đường bảo dưỡng thường xuyên và gia tăng số vốn bảo trì đều tăng gấp đôi so với yêu cầu; số km đường khôi phục cải tạo đến nay đạt 36% trong khi kế hoạch yêu cầu là 15%; tỷ lệ tuyến đường được bảo dưỡng thường xuyên đạt 53% so với yêu cầu là 44%; tổng số vốn dành cho bảo trì đường địa phương đạt 84% so với yêu cầu là 44%. Đặc biệt, một số tỉnh có các chỉ số vượt trội so với kế hoạch (Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nam Định, Quảng Nam, Hà Tĩnh).

Quang cảnh Hội thảo sáng 16/5 (Ảnh: Đình Tăng)

Qua thực hiện dự án, công tác quản lý bảo trì đã được các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị ở địa phương thực hiện ngày càng tốt. Đây là một tín hiệu tích cực trong công tác bảo trì đường địa phương và bước đầu nâng cao nhận thức trong công tác bảo trì đường địa phương. Ngoài ra, các nội dung khác thuộc Dự án (môi trường - xã hội, sự tham gia của cộng đồng, hợp phần tư vấn,…) cũng được TCĐBVN, các tỉnh thực hiện tốt và được phía Ngân hàng thế giới đánh giá cao thông qua các chương trình làm việc và kiểm tra.

Tại Hội thảo, đại diện BQLDA các tỉnh, thành đã thông tin về tình hình, kết quả và những khó khăn, tồn tại trong việc thực hiện Dự án, đồng thời kiến nghị đến Bộ GTVT nghiên cứu, có giải pháp để thúc đẩy tiến trình dự án nhanh và hiệu quả hơn, phù hợp với điều kiện thực tế ở các địa phương./.

Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực