Nâng cao công tác phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi

Thứ sáu, 15/12/2017 19:49
(ĐCSVN) - Chiều 15/12, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức Hội nghị công tác phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và đánh giá nhanh chỗ ở an toàn cho người dân ở một số tỉnh miền núi.

 

Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: BT)


Thông tin tại Hội nghị cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu. Thiên tai ngày càng gia tăng và phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Trong 20 năm gần đây, thiên tai đã làm chết, mất tích khoảng 10.800 người; thiệt hại về GDP bình quân hàng năm 20.000 tỷ đồng (1-1,5% GDP).

Đối với khu vực miền núi phía Bắc thường xuyên xảy ra các loại hình thiên tai: Lũ quét, sạt lở đất, rét hại, băng giá, mưa lớn, dông lốc,…;đặc biệt là lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại nghiêm trọng và có xu thế gia tăng. Riêng thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét tại các tỉnh Sơn La, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu trong ngày 2 - 3/8/2017 đã làm 42 người chết và mất tích, 398 hộ phải di dời, 236 nhà bị sập đổ, cuốn trôi, gây thiệt hại khoảng 1.400 tỷ đồng. Thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét tại 3 tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Sơn La (10-12/10/2017) làm 70 người chết và mất tích, 4.138 hộ phải di dời, 239 nhà bị sập đổ, cuốn trôi, gây thiệt hại khoảng 4.450 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, triển khai đánh giá nhanh về chỗ ở an toàn khu vực miền núi, đến tháng 9/2017, có 18/18 tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai; 12/18 tỉnh có báo cáo kết quả thực hiện, tổng số 703.275 hộ trong đó 36.165 hộ có chỗ ở kém an toàn; 1.686 hộ cần di dời khẩn cấp. Di dân vùng thiên tai đạt 33.866 hộ/75.627 hộ (đạt 44,78%). Di dân khu vực miền núi phía Bắc đạt 9.705 hộ/20.974 hộ (đạt 46,27%).

Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Phòng chống thiên tai, công tác phòng chống thiên tai vẫn còn gặp nhiều khó khăn do địa hình các tỉnh miền núi dốc, đứng; địa chất phức tạp, độ liên kết kém; độ che phủ và chất lượng rừng suy giảm. Cùng với đó, tập quán sinh sống của một số người dân vẫn ở ven sông, suối, chân mái dốc; xây dựng lấn chiếm lòng dẫn các sông, suối,... dễ gây nhiều rủi ro. Công tác dự báo, cảnh báo còn hạn chế, chưa cảnh báo sớm và trong phạm vi hẹp, nhất là cảnh báo mưa lớn cục bộ.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và đưa ra nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả hơn công tác phòng chống thiên tai. Trong đó, về giải pháp cấp bách, cần di dời dân cư vùng có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất, nhất là các hộ đang trong diện nguy cơ sau đợt mưa lũ lớn giữa tháng 10/2017. Hoàn thành đánh giá nhà an toàn; xác định số hộ có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để sơ tán khi cảnh báo xảy ra mưa lớn. Xây dựng tài liệu truyền thông bằng các tiếng dân tộc; tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân nhận biết về rủi ro thiên tai và biện pháp phòng tránh, nhất là lựa chọn nơi ở và đi lại đảm bảo an toàn. Ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng để làm nương rẫy sản xuất. Kiện toàn và nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước và cơ quan điều phối liên ngành các cấp trong hoạt động phòng chống thiên tai.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh: Thiên tai trong những năm gần đây diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, vì vậy, rất cần tăng cường công tác cảnh báo sớm. Đây là giải pháp không quá tốn kém nhưng giúp chính quyền, người dân cơ sở nắm bắt được thông tin sớm và có các biện pháp phòng tránh. Đồng thời, nâng cao năng lực ứng phó của người dân; ứng dụng công nghệ trong công tác phòng chống thiên tai,…cũng là những giải pháp cần quan tâm thực hiện nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra./.

 

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực