Nâng cao hiệu quả truyền thông về lĩnh vực việc làm

Thứ tư, 18/09/2019 11:40
(ĐCSVN) - Phó Cục trưởng phụ trách Cục việc làm Lê Quang Trung cho biết, thời gian qua, việc tuyên truyền về lĩnh vực việc làm đã các cơ quan truyền thông và toàn xã hội đặc biệt chú trọng; các cơ quan báo chí, truyền thông là cầu nối chính để tuyên truyền thể chế, chính sách lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội… tới người lao động.

Ngày 18/9, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) TP Cần Thơ, Cục việc làm (Bộ Lao động- Thương Binh và Xã hội) phối hợp với Tạp chí Lao động và Xã hội, Cục việc làm tổ chức hội nghị truyền thông về việc làm khu vực phía Nam. Các đồng chí: Lê Quang Trung - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm; TS. Trần Ngọc Diễn - Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội chủ trì hội nghị.

Phó Cục trưởng phụ trách Cục việc làm Lê Quang Trung phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HM

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Cục trưởng phụ trách Cục việc làm Lê Quang Trung cho biết: Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại; mở rộng phạm vi bao phủ của các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn, vệ sinh lao động sang khu vực phi chính thức, Bộ đã gắn đào tạo với việc làm, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Năm 2019, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xác định 3 đột phá, đó là về thể chế, thị trường lao động, gắn đào tạo với việc làm. Việc làm không đơn thuần là vấn đề xã hội, mà hướng tới sử dụng năng suất, chất lượng cao hơn; quan tâm đến phát triển thị trường lao động, sử dụng lao động; tạo bước đột phá trong giáo dục nghề nghiệp nhằm tạo chuyển biến rõ nét, thực chất về chất lượng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động hoặc là làm việc cho doanh nghiệp, hoặc là với kiến thức, kỹ năng nghề được trang bị có thể tự chuyển đổi việc làm hiện tại sang việc làm có chất lượng tốt hơn.

Đồng chí Lê Quang Trung khẳng định các cơ quan báo chí, truyền thông là cầu nối chính để tuyên truyền thể chế, chính sách lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội… Thực tế cho thấy, thời gian qua, việc tuyên truyền về việc làm, quản lý lao động, thông tin thị trường lao động và bảo hiểm thất nghiệp nhằm nâng cao nhận thức về lĩnh vực này đã các cơ quan truyền thông và toàn xã hội đặc biệt chú trọng và bước đầu đã đạt được một số kết quả quan trọng, đặc biệt là sau khi triển khai bảo hiểm thất nghiệp (năm 2008) và khi Luật Việc làm 2013 đi vào cuộc sống.

Phát biểu tại hội nghị, TS. Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội khẳng định: Dưới tác động của hệ thống truyền thông đại chúng, vấn đề giải quyết việc làm, quản lý lao động (nhất là quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam), thông tin thị trường lao động và bảo hiểm thất nghiệp đã nhanh chóng trở thành một vấn đề thời sự; một đề tài được nhiều người đặc biệt quan tâm trên hầu hết các loại hình báo chí. 

Từ năm 2018 đến nay, dưới sự phối hợp, hỗ trợ của Cục Việc làm, các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các Trung tâm DVVL, hoạt động tuyên truyền về lĩnh vực việc làm, thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp, quản lý lao động đã được các cơ quan báo chí tăng cường hơn trước; số lượng, tần suất, chất lượng các bài viết về việc làm không ngừng tăng; nội dung đã định hướng, phản ánh được chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc làm; nhiều mô hình, điển hình, kinh nghiệm về việc làm được đăng tải, phổ biến, định hướng được dư luận.

Cùng với đó, các cơ quan quản lý Nhà nước về việc làm từ Trung ương đến địa phương cũng đã chủ động kết nối với báo chí để cung cấp thông tin, thực hiện các tuyến bài, chuyên trang, chuyên đề, phóng sự chuyên sâu về việc làm; sử dụng các phương tiện truyền thông đa dạng như truyền hình, phát thanh, báo viết, báo hình, báo mạng... cùng các hình thức truyền thông phong phú như chương trình, phóng sự, bài viết chuyên sâu, bài viết phản ánh, đưa tin, phỏng vấn, hỏi đáp chính sách, quy định pháp luật... nhằm tuyên truyền các nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước của Cục Việc làm với phạm vi phản ánh từ Trung ương đến địa phương, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận xã hội trong tổ chức thực hiện các chính sách.

Các đồng chí chủ trì hội nghị. Ảnh: HM

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay cùng những vấn đề mới phát sinh trong lĩnh vực việc làm, hoạt động tuyên truyền về việc làm vẫn còn có những hạn chế nhất định, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Từ đó các đại biểu đã nêu ra những giải pháp tăng cường truyền thông về việc làm khu vực phía Nam.

Để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về việc làm trước hết các cơ quan quản lý báo chí cần có định hướng truyền thông cho các cơ quan báo chí trong công tác thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực việc làm một cách cụ thể, sâu sát; Chủ trì, phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng các ấn phẩm, thông điệp phục vụ công tác tuyên truyền; Chỉ đạo các cơ quan báo chí mở các chuyên trang, chuyên mục về việc làm, thường xuyên cập nhật thông tin liên quan đến lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, cụ thể là Cục Việc làm cần chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể và các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức triển khai xây dựng kế hoạch thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực việc làm hàng năm; bố trí nguồn kinh phí hợp lý để hỗ trợ cho các cơ quan báo chí hỗ trợ các cơ quan báo chí duy trì các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về việc làm; tổ chức chiến dịch truyền thông về việc làm, lập nghiệp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Các cơ quan báo chí, truyền thông tuyên truyền về những nội dung xã hội quan tâm, vấn đề phát sinh do ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, tác động của quá trình phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập quốc tế... liên quan đến lao động, việc làm để có cơ chế, chính sách điều chỉnh nhằm bảo đảm việc làm, chống thất nghiệp, nâng cao tâm thế, ý thức của người lao động cần có để tự vận động, thích ứng với đòi hỏi, yêu cầu mới của xã hội để không bị sa thải, thất nghiệp, duy trì được việc làm bền vững và có việc làm chất lượng cao, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Cũng tại hội nghị, các đơn vị chuyên môn của Cục Việt làm thông tin một số vấn đề quan trọng như: Đề án nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo tình thần Nghị quyết số 28-NQ/TW; Chất lượng việc làm trong kỷ nguyên 4.0: Một số nhận định tổng quan từ nhóm doanh nghiệp FDI;Công ước số 88 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về tổ chức dịch vụ việc làm và những vấn đề đặt ra cho tổ chức dịch vụ việc làm Việt Nam; Kết quả thực hiện hoạt động cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm và định hướng sửa đổi, bổ sung Nghị định số 61/2015/NĐ-CP.../.

Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực