Nâng tuổi nghỉ hưu có hạn chế cơ hội của lao động trẻ?

Thứ ba, 23/05/2017 16:21
(ĐCSVN) – Bên hành lang Quốc hội, sáng 23/5, đại biểu Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã trao đổi với báo chí về vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu đang được đặt ra nhưng cũng có ý kiến lo ngại việc này sẽ hạn chế cơ hội của những lao động trẻ.

Sáng 22/5, Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016 và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2017. Báo cáo chỉ ra một trong những khó khăn về mặt xã hội là “áp lực giải quyết việc làm còn lớn; tình trạng trốn, nợ đóng bảo hiểm xã hội chưa được khắc phục hiệu quả”.

Thẩm tra báo cáo này, Ủy ban Kinh tế cũng nhận định: “Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm đối với lao động trẻ, có chuyên môn kỹ thuật vẫn có xu hướng tăng lên; thâm dụng lao động trong các ngành dệt may, da giày và thất nghiệp ở độ tuổi 35 - 40 còn phổ biến. Số người hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 17% so với cùng kỳ năm trước là dấu hiệu không tốt”.

Về vấn đề này, sáng 23/5, bên hàng lang Quốc hội, đại biểu Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã trao đổi với báo chí.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phạm Tất Thắng (Ảnh: KT)

Theo đại biểu, giải quyết tình trạng thất nghiệp là câu chuyện chung của tất cả các nền kinh tế, nhất là trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế vẫn ảnh hưởng tới kinh tế khu vực, trong đó có kinh tế Việt Nam.

Để giải quyết tình trạng thất nghiệp, đại biểu cho rằng có nhiều giải pháp. “Trước tiên phụ thuộc vào sức khỏe của nền kinh tế. Nền kinh tế phải khỏe hơn, tạo ra nhiều việc làm hơn, các lĩnh vực phát triển thì mới thu hút được lực lượng lao động. Cùng với việc kinh tế phát triển thì cần thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia vào quá trình mở rộng sản xuất” – đại biểu chia sẻ. Đại biểu cũng cho rằng, việc Chính phủ đang có chủ trương tăng gấp đôi số lượng doanh nghiệp thành lập trong thời gian tới là một giải pháp căn cơ nhất.

Ở khía cạnh khác, đại biểu nhấn mạnh, để giải quyết vấn đề này cần bàn đến tình trạng nhiều lao động được đào tạo, ví dụ như sinh viên tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng nhưng ra trường không tìm được việc làm.

Đại biểu phân tích, thực tế trên có nguyên nhân bản thân nền kinh tế không có nhu cầu để hấp thụ hết lao động do tình hình sản xuất còn khó khăn. Nhưng mặt khác cũng đặt ra câu hỏi: Liệu việc đào tạo lao động có đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động không?. “Thực tế có chuyện doanh nghiệp phải đào tạo lại lao động vừa tuyển dụng hay có doanh nghiệp thích nhận lao động phổ thông vào và trực tiếp đào tạo theo nhu cầu của họ. Từ hiện tượng đó thì chúng ta cũng phải đặt vấn đề liệu đào tạo đã đáp ứng được yêu cầu chưa?” – đại biểu đặt nêu vấn đề.

Thực tế khác được đại biểu đề cập là tình trạng có doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ tuyển dụng, sử dụng lao động trong thời gian ngắn khi lao động trẻ trung, có năng suất lao động tốt. Sau đó họ thay đổi lực lượng lao động mới để không phải trả lương, đãi ngộ cao hơn cho lao động đã có kinh nghiệm. “Tôi cho rằng những quy định về tuyển dụng, sử dụng lao động của doanh nghiệp, đặc biệt là với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì cần cụ thể hơn để tránh hiện tượng như trên” – đại biểu đề nghị.

Trả lời báo chí về vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu đang được đặt ra trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) nhưng cũng có những ý kiến tỏ ra lo ngại việc này sẽ hạn chế cơ hội của những lao động trẻ, đại biểu cho rằng đây là hai việc có liên quan nhưng khác nhau. Theo đại biểu, căn cứ để cơ quan bảo hiểm đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu do đây là một trong những giải pháp để giải quyết bài toán cân đối quỹ BHXH trong tương lai. Hơn nữa việc nâng tuổi nghỉ hưu cũng là việc nên xem xét vì với điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn, tuổi thọ cao hơn, thì nhiều người đến tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn còn nhiều năng lực đóng góp tốt trong một số ngành nghề.

Đại biểu phân tích thêm, qua thực tế khảo sát thấy có những ngành nhiều người lao động không muốn tăng tuổi nghỉ hưu. Mặt khác, đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu cũng đã từng được đưa ra Quốc hội thảo luận nhưng không được Quốc hội thông qua.

Từ đó, đại biểu cho rằng: “Việc này phải giải quyết hài hòa các yếu tố, một mặt là trách nhiệm của người lao động cho quỹ BHXH, một mặt cũng phải đảm bảo quyền lợi của người lao động, mặt khác phải căn cứ vào bố trí, sử dụng, sắp xếp lao động trong cả nền kinh tế”./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực