Ngày Xuân thú chơi cây hoa kiểng

Thứ ba, 28/01/2020 10:01
(ĐCSVN) - Với mỗi người Việt Nam, thú chơi cây hoa kiểng ngày Tết đã trở thành một nghệ thuật, một nét đẹp gắn với bản sắc văn hóa dân tộc.
leftcenterrightdel
 Qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân ở làng hoa Cái Mơn (huyện Chợ Lách – Bến Tre) những chậu hoa treo hương sắc cho đời

Trong không khí giao hòa, sắc Xuân rực rỡ đó, ý nghĩa của những bông hoa, nhành cây đem đến cho con người sức sống rạo rực, sự thao thức, chờ đợi…những gì tươi đẹp nhất của một năm mới. Tết truyền thống, mọi người đi chợ sắm Tết và không quên mang theo về nhà một loại hoa hay cây cảnh nào đó.

Chợ hoa năm nào cũng có nhưng không năm nào giống năm nào. Ngày Xuân ra chợ hoa cây kiểng bao giờ ta cũng tìm ra cái mới, đó là thanh tân của hoa, cái kỳ diệu của hương, cái hấp dẫn của màu, của lá. Mỗi loài hoa đều có vẻ đẹp riêng như mỹ nhân có nét quyến rũ riêng, có những loài hoa màu sắc đan xen tạo thành những hoa văn đường nét tinh xảo hoặc pha trộn cầu kỳ, đậm nhạt huyền ảo… Do đó, người ta đến với chợ hoa Tết để thưởng thức, chiêm ngưỡng sự huyền diệu đa sắc của thiên nhiên muôn màu…

Có người đi chợ hoa chỉ để thưởng thức và ngắm nhìn những chậu cây, chậu hoa đủ màu sắc và thể loại để có thể cảm nhận không khí Tết. Với người có thú chơi hoa kiểng thì việc đi chợ hoa là cả một nghệ thuật. Khi chọn hoa chơi tết, không đơn thuần là chọn hoa đẹp, màu sắc tươi mà tên gọi và tác dụng phong thuỷ của loài hoa cũng rất được chú trọng.

leftcenterrightdel
Nghệ nhân ở làng hoa Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) chăm sóc hoa kiểng chuẩn bị cho thị trường hoa tết. 

Trong đó phải kể đến những nghệ nhân trồng cây kiểng, lao động âm thầm, cùng với bàn tay khéo léo, nhiều công phu để cung cấp cho đời những cây kiểng quí, cành hoa tươi thắm, tạo nên những sắc màu hấp dẫn, pha quyện thành bức tranh sinh động, một hoà âm tươi sáng trong sắc xuân.

Để đáp ứng nhu cầu thưởng thức hoa cây kiểng, nghề này cũng phát triển khá mạnh với nhiều chủng loại phong phú nên tha hồ cho khách lựa chọn, thưởng thức chiêm ngưỡng. Như phát tài, kim ngân thể hiện lời cầu chúc tài lộc ngân lượng tuôn chảy dạt dào; cát tường mang ý nghĩa may mắn, hanh thông mọi việc; hoa đỗ quyên và hoa trạng nguyên thể hiện mong ước đỗ đạt, thành đạt; hoa thủy tiên có tác dụng khử tà và mang lại điều cát tường, như ý, tăng thêm tài khí cho gia đình; hoa hải đường thể hiện cho sự phú quý, giàu sang. Bên cạnh đó, một số loại cây khác có ý nghĩa sung túc, trường thọ như: vạn thọ, bách tán, hoa sống đời…cầu chúc một năm mới dồi dào sức khỏe cho cả gia đình. Không chỉ vậy, những người yêu cây cảnh thường thích bộ tứ quý: Tùng – Cúc – Trúc – Mai thể hiện sức sống mãnh liệt, bình dị và thanh tao...

Với các loại bonsai lấy gốc làm trọng, rồi đến bộ rễ nổi và thân mềm. Có những dáng cây được tạo tác biểu tượng trong văn hóa Việt Nam và phương Đông như tam đà, ngũ phúc...Trong đó, tam đà là thế cây tượng trưng cho ba ông Phúc, Lộc, Thọ; Ngũ phúc là thế cây có năm tán, gồm bốn cành và một ngọn, không có tán quá to hay quá bé, tượng trưng cho Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh… Ngày nay, nhiều người chơi cây tạo dáng cây theo kiểu cách tân, có giá trị thẩm mỹ khá cao như cây được uốn theo thế hạn phụ thạch (cây ôm đá), kiểu cây liền rễ (còn gọi là qua cầu)…

leftcenterrightdel
Chợ hoa ngày Tết tại bến Ninh Kiều (TP. Cần Thơ) 

Vào những ngày này tôi có dịp đến chợ hoa Tết các tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Tại làng hoa Cái Mơn (huyện Chợ Lách – Bến Tre) xứ sở của hoa dọc theo các tuyến đường chính nhà nào cũng chặt kín chậu kiểng đủ loại trước sân. Nghệ nhân Đặng Văn Hài (xã Vĩnh Thành – Chợ Lách – Bến Tre) một nghệ nhân chuyên sản xuất cây kiểng ở Cái Mơn tâm sự: “Làm nghề cây kiểng cũng lắm công phu, cực lắm, cả ngày ở ngoài vườn, đầu tắt mặt tối, thậm chí còn ngủ trong vườn, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Nếu trời mưa cuối năm mà dai quá làm ngập úng vườn gây thiệt hại không nhỏ cho người trồng kiểng, còn ngày Tết bán được, lời khá, nếu không bán được lỗ như chơi”.

Muốn có một cây cảnh đẹp phải có sự tham gia của các hoạ sĩ nghệ nhân để định vị trí mà đặt sao cho có ý nghĩa đẹp mắt, đòi hỏi các nghệ nhân cần phải bền chí nhẫn nại nên họ lao động suốt năm, mùa mưa là thời gian chăm sóc, bón phân, tỉa cành, tạo dáng, để có những sản phẩm đẹp tô đẹp cho đời. 

Dưới nắng Xuân ấm áp, nghệ nhân Phạm Phước Lợi ở làng hoa kiểng Tân Quy Đông (TP. Sa Đéc – Đồng Tháp) chia sẻ: “Cái nghề trồng cây kiểng này được cha ông truyền lại, ngoài lệ thuộc vào thời tiết, còn có bí quyết nghề nghiệp. Nghề này cũng không dễ ăn, đòi hỏi vốn khá lớn và có thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước”.

Dù chọn loại hoa kiểng nào thì trong mỗi dịp tết đến, mỗi gia đình đều sắm cho nhà mình một chậu mai vàng, lan, đào hay quất... để trưng trong nhà. Hoa mai là biểu tượng ngày Tết của người dân miền Nam, mang ý nghĩa may mắn, tốt đẹp, là khởi đầu thịnh vượng cho một năm mới. Trong khi đó, hoa đào và quất là biểu tượng ngày Tết của miền Bắc. Trong khi đào biểu tượng cho sự đổi mới, sức sinh sôi phát triển mạnh mẽ và được xem là tinh hoa của Ngũ hành thì quất theo quan niệm dân gian, là biểu tượng của sức khỏe, bình an, trường thọ và sự may mắn trong tình duyên.

Theo quan niệm của người Việt, trong không khí giao hòa, trời đất sang xuân, những bông hoa, nhành cây, chậu cảnh đem đến cho con người sức sống và những gì tươi đẹp nhất cho một năm mới. Thú chơi hoa và cây kiểng ngày Tết không những thể hiện sự tinh tế của tâm hồn người Việt, nó còn mang ý nghĩa sâu xa: mùa xuân sẽ mang tài lộc đến cho con người./.

Phương Nghi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực