Nghệ An: Hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thứ ba, 12/11/2013 16:18

Mặc dù Hưng Nguyên không phải là huyện điểm của tỉnh Nghệ An trong triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956) nhưng lãnh đạo huyện rất quan tâm thực hiện, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

 Đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần được quan tâm,
định hướng đáp ứng yêu cầu xây dựng Nông thôn mới

Ảnh minh họa. (Nguồn: qdnd.vn) 


Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án 1956, bước đầu huyện Hưng Nguyên đã đạt được một số kết quả quan trọng trong công tác đào tạo nghề. Ngay từ khi bắt đầu thực hiện, cấp ủy, chính quyền huyện Hưng Nguyên đã chỉ đạo quyết liệt từ khâu điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng cũng như nhu cầu học nghề gắn với tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước khi thực hiện Đề án 1956. Từ đó, giúp người dân thay đổi nếp nghĩ cần học nghề để có việc làm, tự tạo việc làm, tăng thu nhập. Huyện đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và xác định nhóm ngành nghề đào tạo phù hợp với điều kiện từng địa phương. Nhóm nghề được nhiều học viên lựa chọn là: chăn nuôi và phòng trị bệnh cho gia cầm, lợn; sản xuất rau an toàn, điện dân dụng, may mặc, gò hàn, nuôi trồng thuỷ sản...

Sau 3 năm thực hiện Đề án (2011 - 2013), huyện Hưng Nguyên đã mở hơn 30 lớp đào tạo nghề cho trên 1.800 lao động nông thôn; giúp các địa phương có điều kiện phát triển đa dạng các ngành nghề, từng bước xóa bỏ thế độc canh cây lúa, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 14,2% (theo tiêu chí mới).

Xã Hưng Tân xác định Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những bước đột phá trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch lao động. Sau 2 năm, Hưng Tân đã mở 8 lớp đào tạo nghề cho hơn 300 lao động, tập trung vào các nghề như: trồng trọt, chăn nuôi, thú y, nuôi trồng thủy sản, điện dân dụng, thêu ren... Nhờ đó, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động ở Hưng Tân được đào tạo nghề chiếm trên 50%. Sau khi được đào tạo nghề, nhận thức của người dân không ngừng được nâng lên, trên 80% số lao động được đào tạo nghề có việc làm ổn định. Nông dân xã Hưng Tân đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, nhiều mô hình kinh tế trang trại, gia trại cho thu nhập cao.

Điển hình như mô hình kinh tế tổng hợp của anh Võ Ngọc Minh (sinh năm 1974), tại xóm 1, xã Hưng Tân. Sau khi tham gia lớp chăn nuôi thú y và nuôi trồng thủy sản, anh đã chuyển đổi 1 ha trồng lúa kém hiệu quả, cải tạo thành ao hồ thả nuôi cá các loại. Trên bờ ao, anh xây hệ thống chuồng trại nuôi gà, vịt. Nhờ áp dụng các biện pháp khoa học trong chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh nên đàn gà, vịt, cá đảm bảo an toàn dịch bệnh, chóng lớn. Dự kiến, năm 2013 gia đình anh thu trên 5 tấn cá các loại, hơn 100 con gà và trên 1.500 con vịt đẻ, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng, lãi trên 300 triệu đồng.

Để góp phần có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, thời gian tới huyện Hưng Nguyên tiếp tục tuyên truyền sâu rộng Đề án 1956, tăng cường công tác khảo sát, thống kê nhu cầu học nghề của người dân tại địa phương để đăng ký các lớp học nghề đúng với nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Từ đó giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo, ổn định đời sống người dân nông thôn./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực