Nghị quyết 30a: Cú hích giảm nghèo ở các huyện nghèo

Thứ ba, 05/01/2010 09:53

  
Nước sạch đến với đồng bào Mông thôn Tấu Dưới
 (xã Trạm Tấu)
 
Qua một năm triển khai Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, các hoạt động hỗ trợ trên địa bàn hai huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu (Yên Bái)đã đạt được một số kết quả nhất định. Phóng viên (PV) Báo chí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Công Vạng - Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Yên Bái về những kết quả ban đầu này.

- Xin ông cho biết, tổng nguồn lực đầu tư năm 2009 và những kết quả bước đầu trong việc thực hiện Nghị quyết 30a ở hai huyện nghèo trên địa bàn tỉnh?

Ông Nguyễn Công Vạng: Cùng với các hoạt động lồng ghép Chương trình 134, 135, trái phiếu Chính phủ... trong năm đầu tiên triển khai Nghị quyết 30a, tổng nguồn lực đầu tư cho hai huyện để thực hiện các chính sách đặc thù là 59,7 tỷ đồng, trong đó huyện Mù Cang Chải được đầu tư 32,5 tỷ đồng, Trạm Tấu 27,181 tỷ đồng. Nguồn lực này tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và đời sống, tạo việc làm cho người dân, xây dựng cơ sở hạ tầng...

Đến giữa tháng 12/2009, có gần 300 căn nhà cho hộ nghèo được hoàn thành và dự kiến đến trước Tết Nguyên đán Canh Dần, tổng số 824 căn nhà cho hộ nghèo trên địa bàn 2 huyện sẽ hoàn thành; trong tháng 12/2009, sẽ thanh toán 9,47 tỷ đồng hỗ trợ cho hàng ngàn hộ dân hai huyện nhận khoán bảo vệ rừng. Với kinh phí 10,9 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất, đã hỗ trợ khai hoang 30 ha ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải, 25 ha ruộng nước ở Trạm Tấu; hỗ trợ 3.950 hộ hai huyện mua giống, phân bón, chuyển đổi cơ cấu cây trồng; hỗ trợ mua trâu sinh sản cho 350 hộ; hỗ trợ làm chuồng trại gia súc cho 2.500 hộ.

Ngoài ra còn hỗ trợ mua giống trồng cỏ chăn nuôi gia súc, tiêm phòng gia súc và quy hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp tại nhiều xã ở hai huyện. Các hoạt động khác như: hỗ trợ khuyến nông, lâm, ngư, dạy nghề, xoá bỏ cây thuốc phiện... đã giúp nhiều người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập. Việc quy hoạch và bố trí dân cư đã và đang được các huyện tiến hành với số vốn hỗ trợ mỗi huyện trên 200 triệu đồng. Gần 1.500 hộ nghèo đã được vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế, xuất khẩu lao động, với doanh số cho vay đạt gần 8 tỷ đồng. Chương trình hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động đã giúp 62 lao động đi xuất khẩu lao động với công việc và thu nhập ổn định, hiện còn 33 lao động đang học định hướng và học tiếng chờ hoàn tất thủ tục xuất cảnh.

Bên cạnh đó, hai huyện cũng nhận được những sự hỗ trợ ban đầu của Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam Vinashin cùng các tổ chức khác đã tạo thêm nguồn lực cho công tác giảm nghèo ở hai huyện.

- Hiệu quả của Nghị quyết 30a đối với công tác giảm nghèo ở các địa phương như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Công Vạng: Trước hết, việc xây dựng Đề án Phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2009 - 2010 theo Nghị quyết 30a đã được nhanh chóng triển khai. Việc lập kế hoạch thực hiện Đề án xuất phát từ nhu cầu đầu tư của cơ sở, có sự phê duyệt của cấp trên, nhu cầu đầu tư của người dân và chính quyền địa phương các huyện nghèo đã được phản ánh, nên các địa phương đã chủ động hơn trong quá trình triển khai, chính sách hỗ trợ theo đó cũng sát với thực tế.

Cùng với tác động tới ý thức của người dân, thông qua các hoạt động hỗ trợ dạy nghề, xuất khẩu lao động, khuyến nông, lâm, ngư và các chính sách hỗ trợ sản xuất, vốn... đã giúp người dân biết cách và có cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nghị quyết 30a không những tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo mà còn hỗ trợ và nâng cao hiệu quả của những chương trình, chính sách giảm nghèo khác, góp phần quan trọng vào kết quả giảm 7,27% hộ nghèo ở Trạm Tấu và 4,77% hộ nghèo ở Mù Cang Chải trong năm 2009. Đồng thời tạo nên tâm lý phấn khởi của nhân dân các dân tộc ở huyện nghèo, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Chính phủ đối với các huyện nghèo, tạo cú huých mạnh trong công cuộc giảm nghèo ở các huyện nghèo.

- Thưa ông, những chính sách hỗ trợ của Nghị quyết 30a sẽ tiếp tục được triển khai như thế nào trong năm tới?

Ông Nguyễn Công Vạng: Tổng nguồn vốn thực hiện các chính sách theo Đề án 30a năm 2010 là 809 tỷ 869 triệu đồng. Theo kế hoạch phân bổ kinh phí lần 1 năm 2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Yên Bái được phân bổ 40 tỷ đồng, dự kiến mỗi huyện 20 tỷ đồng, đầu tư vào các lĩnh vực: hỗ trợ đời sống cho người dân, xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp các công trình thuỷ lợi, nước sạch, đầu tư y tế, giáo dục, văn hoá thông tin.

Tiếp tục lồng ghép các chương trình, dự án khác và các hoạt động hỗ trợ của Vinashin nhằm hướng tới mục tiêu giảm khoảng 8% hộ nghèo, phấn đấu cuối năm 2010, 2 huyện còn khoảng trên 40% hộ nghèo, tăng trưởng kinh tế đạt trên 12%, thu nhập bình quân đầu người từ 5 triệu đồng/người/năm trở lên. Mục tiêu lâu dài là gắn phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp với xoá đói giảm nghèo...

- Xin cảm ơn ông!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực