Nguy cơ sốt rét gia tăng vẫn còn rất cao ở nhiều địa phương

Thứ ba, 24/04/2018 15:36
(ĐCSVN) - Các kết quả đạt được trong công tác phòng chống sốt rét ở Việt Nam chưa bền vững, nguy cơ sốt rét gia tăng vẫn còn rất cao ở nhiều địa phương; đặc biệt ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc có nguy cơ lan rộng...

Ngày 24/4, tại Hà Nội, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương (Bộ Y tế) phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức “Hội thảo tăng cường đầu tư giữ vững thành quả, hướng tới loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam” nhân Ngày Thế giới phòng chống sốt rét (25/4/2018). 

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 và định hướng đến năm 2030, trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của Nhà nước và các tổ chức quốc tế cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống từ trung ương đến địa phương, công tác phòng chống và loại trừ sốt rét ở nước ta đã đạt được các kết quả đáng kể với tỷ lệ người mắc và tử vong do sốt rét liên tục giảm hàng năm.

Quang cảnh Hội thảo ngày 24/4. Ảnh: ĐT

Mỗi năm, hàng triệu người dân sống trong vùng sốt rét lưu hành được bảo vệ bằng biện pháp phòng chống muỗi sốt rét (phun tồn lưu và tấm màn bằng hóa chất diệt muỗi) và hàng chục nghìn bệnh nhân được cấp thuốc điều trị sốt rét miễn phí. Tuy nhiên, công tác phòng chống và loại trừ sốt rét hiện nay đang gặp một số khó khăn, thách thức về mặt kỹ thuật và đầu tư kinh phí. Các kết quả đạt được trong công tác phòng chống sốt rét ở Việt Nam chưa bền vững, nguy cơ sốt rét gia tăng vẫn còn rất cao ở nhiều địa phương; đặc biệt ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc có nguy cơ lan rộng...

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị: Để đạt được mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 và định hướng đến năm 2030 tiến tới loại trừ sốt rét ở Việt Nam theo lộ trình đã được phê duyệt, Chương trình phòng chống sốt rét cần tiếp tục triển khai các biện pháp truyền thông để các cấp chính quyền, đoàn thể, địa phương và cộng đồng chủ động, tích cực tham gia vào các hoạt động phòng chống và loại trừ sốt rét tại địa phương. Đồng thời, ngành y tế đảm bảo thực hiện thường xuyên công tác giám sát, phát hiện, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, quản lý ca bệnh, quản lý đối tượng dân di biến động, đặc biệt đối với người dân thường xuyên đi rừng, ngủ rẫy, người trở về từ các nước có sốt rét lưu hành; thực hiện điều trị bệnh nhân sốt rét đúng thuốc, đủ liều theo quy định của Bộ Y tế. Ngoài ra, các địa phương, bộ, ngành cần nỗ lực vận động và chủ động đầu tư kinh phí cho công tác phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét...

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, sốt rét vẫn tiếp tục là nguyên nhân gây nhiều ca tử vong. Năm 2016, có 445.000 người đã tử vong vì sốt rét trên toàn cầu (ước tính 446.000 ca tử vong năm 2015). Đặc biệt, trẻ em dưới 5 tuổi rất nhạy cảm với sốt rét và chiếm tới 70% số ca sốt rét trên toàn cầu. Cứ mỗi 2 phút lại có một trẻ em tử vong vì căn bệnh này. Vì vậy, các quốc gia cần phải có các hành động khẩn cấp để đưa cuộc chiến toàn cầu chống sốt rét trở lại đúng hướng.

Các chuyên gia quốc tế về sốt rét đã ghi nhận số ca sốt rét ở Việt Nam đã giảm mạnh nhờ những nỗ lực thành công của Chính phủ Việt Nam trong những thập kỷ qua. Với hơn 40 tỉnh không có sốt rét, Việt Nam đã đạt được tất cả các mục tiêu đề ra trong Chiến lược Quốc gia về phòng chống sốt rét giai đoạn 2011-2020. Năm 2016, Việt Nam nằm trong số 44 quốc gia có ít hơn 10.000 ca sốt rét mỗi năm. Việt Nam đã thay đổi cách tiếp cận từ kiểm soát sốt rét sang loại trừ sốt rét với mục tiêu loại trừ sốt rét vào năm 2030.

PGS.TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết: Năm 2017, cả nước có 8.411 trường hợp mắc sốt rét (giảm 76% so với năm 2013); 6 trường hợp tử vong (giảm 97% so với năm 2013). Tuy nhiên công tác phòng chống bệnh sốt rét vẫn gặp nhiều khó khăn như: Tình hình sốt rét tại một số tỉnh thuộc khu vực miền Trung Tây Nguyên và Đông Nam bộ diễn biến phức tạp. Một số tỉnh có nhiều người mang ký sinh trùng sốt rét như: Bình Phước, Gia Lai, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị.

Đồng thời, muỗi truyền bệnh thay đổi tập tính đốt người; số người sống trong vùng sốt rét lưu hành cao, khó kiểm soát di biến động dân cư giữa vùng có sốt rét lưu hành và vùng không có sốt rét lưu hành, dân giao lưu qua biên giới. Đặc biệt, sự quan tâm đầu tư của chính quyền các cấp còn hạn chế; kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước và các nhà tài trợ quốc tế có nguy cơ cắt giảm sẽ gây khó khăn trong việc triển khai các hoạt động phòng chống sốt rét dẫn đến có thể gia tăng số ca mắc và tử vong do sốt rét.../.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực