Nguy cơ tiềm ẩn từ việc nuôi chó dữ

Thứ ba, 22/05/2018 16:55
(ĐCSVN) - Đã không ít vụ chó dữ tấn công người xảy ra. Nếu tra cứu cụm từ “chó dữ tấn công người” trên mạng, sẽ lập tức cho hàng nghìn kết quả liên quan. Điều đó cho thấy nguy cơ tiềm ẩn từ việc nuôi chó dữ đang rất đáng báo động.

                               

Một con béc giê được huấn luyện để giữ nhà. Ảnh: QC

Cách đây ít năm, ở một số nơi nổi lên phong trào nuôi chó dữ, với mục đích ban đầu mua về làm vật nuôi có giá trị để thể hiện uy thế cá nhân, cũng như nhu cầu coi chó dữ như một “cận vệ” đáng tin để phòng thân. Có thời điểm phong trào nuôi chó dữ từng “nổi đình nổi đám” ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh.. xuất hiện nhiều diễn đàn mạng, nhiều câu lạc bộ được thành lập gắn với tên từng chủng loại chó dữ (chủ yếu là các giống chó nhập ngoại từ nước ngoài) như: Bec-giê, Rottweiler, Ngao Tây Tạng, Pit Bull… Sau đó, trào lưu này đã về tận các tỉnh địa phương như: Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Nguyên...

Theo ghi nhận, ở các vùng quê, nhu cầu chơi chó dữ phổ biến là chó béc giê với các biến thể lai bởi một phần giá cả hợp lý, lại thỏa mãn được “mốt” chơi chó dữ của một số người nên đã có không ít chủ nhân bỏ tiền triệu tậu chó dữ về "chơi" đơn giản vì...  theo trào lưu.

Tuy nhiên, thời gian gần đây đã xảy ra không ít vụ chó dữ tấn công người, thậm chí chó dữ tấn công cả chủ nhân đã dấy lên nhiều lo ngại. Những clip đàn chó dữ tấn công người, thậm chí cả chủ nhân; rồi chó dữ tấn công trẻ em được đăng tải trên mạng khiến người xem không khỏi rùng mình.

Trung tuần tháng 1/2018, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh) đã cấp cứu 2 cháu bé bị chó cắn thương tâm. Một nạn nhân là bệnh nhi 1 tuổi, ngụ tại Đắk Lắk, bị một con chó nuôi trong gia đình cắn nát mặt. Cháu bé còn lại ở Đồng Nai bị 2 con chó béc giê cắn thủng khí quản.

Trước đó, khoảng tháng 6/2017, trong lúc sang nhà hàng xóm chơi, bé Minh N. (18 tháng tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội) đã bị chó cắn dập nát vành tai phải. Gia đình cho hay, mặc dù mẹ của bé cũng có mặt tại đó và đã rất cố gắng để kéo con ra nhưng bé vẫn bị tổn thương nặng nề vùng hàm, mặt.

Theo thông tin gia chủ, con vật “gây án” là chó béc giê (giống chó Đức nặng khoảng 30 kg). Cách đó vài tháng, con chó được gia chủ mua về với mục đích nuôi để giữ nhà. Dù đã được chích ngừa vắc-xin phòng bệnh dại nhưng con chó chưa được huấn luyện nên bản tính còn hoang dại.

Cùng liên quan đến vấn đề này, hẳn nhiều người chưa khỏi hết rợn người khi xem clip đàn chó dữ xông vào cắn xé khiến chủ nhân đứt gân tay khi người này đang dắt chó đi dạo. Sự việc xảy ra tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội vào tháng 3/2016...

Nói về đặc tính của các loài chó dữ, anh Nguyễn Văn Nhân, chủ Trang trại chó Đông Dương, ở quận 3, TP. Hồ Chí Minh cho biết: Đây là các loài chó có đặc tính rất hung dữ, thông minh, thiện chiến, xông vào trận là chiến đấu đến chết, không bỏ cuộc. Và như các loài chó nói chung, bình thường chúng cũng rất gần gũi với con người. Một đặc điểm nữa, chó dữ thường chỉ nghe lệnh một chủ nhân duy nhất là người nuôi dưỡng, chăm sóc chúng. Nếu tuân theo một quy trình huấn luyện có nguyên tắc, bài bản, các loài chó dữ có thể trở thành chó nghiệp vụ, bảo vệ mục tiêu, rất hữa ích…Song nếu quá trình huấn luyện, hoặc chăm nuôi, người chủ không tuân thủ theo quy định, thiếu kiến thức nuôi, cùng kỹ năng xử lý các tình huống bất ngờ thì việc nuôi chó dữ lại ẩn chứa rất nhiều nguy cơ tai họa mà hệ quả là các vụ chó dữ tấn công người.

Anh Nguyễn Văn Tuân (phường Tiền Phong, TP. Thái Bình) chia sẻ: Chơi chó dữ đòi hỏi người chơi tính cầu kì, phải coi chó thực sự như một người bạn, phải hiểu chúng. Và quan trọng nhất phải thường xuyên gửi chúng vào các trại huấn luyện theo định kì để chắc chắn rằng, chúng luôn thuộc bài huấn luyện.

Còn anh Nguyễn Ngọc Nam (TP. Phủ Lý, Hà Nam) đang nuôi một con bécgiê nhập khẩu cho biết: Để sai bảo nó làm gì, thì chủ nhân phải có một số hiệu lệnh, hành động, hoặc khẩu lệnh đã được quy ước mà chó đã biết từ khi được huấn luyện tại các trung tâm. Con béc giê của anh Nam được huấn luyện tại một trại chó ở Hưng Yên. Anh Nam cho biết, loài chó rất thông minh, khi đi mua con béc giê về, chỉ trải qua một thời gian ngắn làm quen, chúng đã nhận diện được đâu là chủ nhân thực sự, và chỉ nghe “lệnh” chủ nhân đó. Tuy nhiên, loài chó vẫn chỉ trung thành nhất với người nuôi dưỡng chúng từ nhỏ. 

Anh Nam cho biết thêm, một số trường hợp có người đã phá quy tắc, lấy chó ra làm mục tiêu đùa cợt, kiểu ra lệnh “giết”. Khi con chó điên cuồng vồ tới sát người, chủ nhân lại vội vàng hủy lệnh. Điều đáng nói, việc này không chỉ làm hỏng chó, mà khi chủ nhân mất kiểm soát thì trò đùa này rất nguy hiểm vì khi đã lâm trận, loài chó dữ (nhất là với dòng Pit Bull) còn “cuồng” hơn cả chó điên.

Vụ cả đàn chó dữ xông vào cắn chủ nhân ở phường Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội. Ảnh cắt từ clip.

Và với các đặc tính trên, các loài chó dữ đang thực sự là mối nguy hại với cộng đồng bởi chúng chẳng khác nào các “sát thủ máu lạnh”. Một số vụ chó dữ tấn công người xảy ra thời gian qua đã nói lên điều đó. Đối tượng trẻ em bị chó dữ tấn công đang gây ra nhiều lo ngại cho xã hội. Bên cạnh đó, việc nuôi chó dữ còn dẫn tới nguy cơ chó cắn gây bệnh dại. Theo số liệu của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), năm 2017 ở nước ta, bệnh dại do chó cắn đã làm 63 người tử vong.

Xung quanh công tác quản lý về việc nuôi chó nói chung, nước ta đã có chế tài cụ thể (Thông tư số 48/2009/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT). Tuy nhiên vẫn còn tồn tại những bất cập là các nội dung chưa quy định cụ thể với các trường hợp nuôi chó dữ (các dòng chó có trọng lượng cơ thể lớn, có đặc tính hung dữ nhập khẩu từ nước ngoài).

Theo GS.TS Đặng Huy Huỳnh - Chủ tịch Hội động vật học Việt Nam, việc nuôi chó cần được kiểm soát chặt chẽ hơn nữa, đặc biệt là đối với những loài chó dữ. Thực tế, hiện nay có rất nhiều gia đình và trang trại nuôi chó dữ để trông nhà, bảo vệ tài sản hoặc làm cảnh, tuy nhiên chưa có cơ quan chính thức quản lý quy trình nuôi loài chó này mà mới chỉ có cơ quan kiểm dịch, nên việc nuôi các loại chó dữ vẫn còn tràn lan, gây nguy hiểm cho nhiều người.

GS. Đặng Huy Huỳnh chia sẻ thêm, nhiều người nuôi chó dữ cũng nói chính quyền địa phương không mấy khi để mắt đến việc tồn tại của chó dữ. Theo GS. Đặng Huy Huỳnh, hiện Nhà nước mới chỉ quản lý ở mặt phòng dịch, còn với chó dữ thì chưa có quy định cụ thể để phòng tránh các nguy cơ gây nguy hiểm.

Trước tình trạng trên, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, có các biện pháp, chế tài pháp lý chặt chẽ về việc quản lý và nuôi thả đúng cách các loài chó dữ, nhằm khắc phục nguy cơ chính chó dữ gây nguy hiểm không những cho gia đình chủ nhân mà còn cho cả những người xung quanh../.

Trần Quang Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực