Nông thôn Bình Dương thay đổi toàn diện

Thứ tư, 08/07/2020 22:31
(ĐCSVN) - Sau gần 10 năm xây dựng nông thôn mới (XDNTM), nông thôn Bình Dương đã có sự thay đổi trên tất cả lĩnh vực, tạo dựng một diện mạo nông thôn khang trang. Đây là nền tảng quan trọng để tỉnh tiếp tục phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
leftcenterrightdel
Nhân dân xã Trừ Văn Thố (huyện Bàu Bàng) góp sức cùng Nhà nước nâng cấp đường giao thông nông thôn. (Ảnh: Báo Bình Dương )

Thành quả 10 năm xây dựng nông thôn mới

Theo số liệu thống kê của tỉnh Bình Dương, trong 10 năm (2010-2020) thực hiện phong trào giao thông nông thôn, toàn tỉnh đã dặm vá, nâng cấp sửa chữa 46% tuyến đường giao thông nông thôn, 100% tuyến đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện, 100% tuyến đường trục ấp và đường liên ấp được được nhựa hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho thúc đẩy tiêu thụ nông sản, hàng hóa quy mô lớn; đồng thời thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn.

Có thể nói sau 10 năm XDNTM, nông thôn Bình Dương đã có sự thay đổi toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Dịch vụ khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của người dân nông thôn được tăng cường; mạng lưới y tế cơ sở từng bước được củng cố và phát triển; toàn tỉnh đã có 100% số xã đạt chuẩn Y tế. Mạng lưới viễn thông, điện thoại di động, internet bao phủ mở rộng đến các ấp; 100% xã đều có nhà văn hóa ấp đạt tiêu chí. Hệ thống cơ sở hạ tầng giáo dục ở nông thôn tiếp tục phát triển, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nông thôn với tỷ lệ 66,3% trường học đạt chuẩn quốc gia; hạ tầng thương mại nông thôn được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu mua bán trao đổi hàng hóa ở nông thôn.

Đi kèm với xây dựng hạ tầng nông thôn, việc tái cơ cấu sản xuất là vấn đề cần thiết. Những năm gần đây, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp (tỷ trọng tương ứng là công nghiệp 63,99%, dịch vụ 33%, nông nghiệp 3,01%,). Với việc tập trung tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, người dân nông thôn được tiếp cận nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp, có hiệu quả gắn với việc làm ổn định. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp được nhiều doanh nghiệp, trang trại và hộ nông dân áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các mô hình kinh tế tập thể được quan tâm củng cố và phát triển. Toàn tỉnh có 152 Hợp tác xã (HTX) (trong đó có 72 HTX nằm trên địa bàn 46 xã XDNTM) với trên 55.000 thành viên; 89% xã có HTX hoạt động theo đúng luật HTX; có nhiều mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị hoạt động có hiệu quả, được mở rộng đầu tư, kinh doanh.

Thành quả rõ nét nhất sau 10 năm XDNTM là đời sống vật chất của người dân được nâng lên rõ rệt. Tỉnh Bình Dương không còn hộ nghèo theo tiêu chí của Trung ương, riêng tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh đến cuối năm 2019 chỉ còn gần 1,2%; thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn đạt 58 triệu đồng/người/năm (tăng 169% so với năm 2010); 100% nhà đạt chuẩn theo quy định Bộ Xây dựng, không còn nhà tạm, nhà dột nát.

Tổng vốn đầu tư cho XDNTM giai đoạn 2011-2019 trên 25.722 tỷ đồng (trong đó các nguồn vốn huy động, vốn tín dụng và vốn đóng góp của cộng đồng dân cư chiếm 50,5%). Bài học kinh nghiệm được các cấp ủy, chính quyền địa phương áp dụng thành công trong Phong trào XDNTM đó là phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần tự lực, tự chủ của nhân dân, huy động được nhiều nguồn lực góp vốn, góp công, hiến đất tham gia xây dựng các công trình phục vụ dân sinh.

Chú trọng phát triển nông nghiệp bền vững

Mục tiêu đến năm 2025, Bình Dương sẽ được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 50% xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Các công trình hạ tầng thiết yếu (giao thông, điện nước, trường học, trạm y tế) bảo đảm tính kết nối, liên thông và ứng phó với biến đổi khí hậu; chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.

Để đạt những mục tiêu quan trọng trên, các xã đạt chuẩn NTM trong tỉnh luôn chú trọng phát triển nông nghiệp bền vững. Các địa phương đã đẩy mạnh triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất gắn với xây dựng NTM. Trong đó, ưu tiên phát triển thế mạnh của các khu vực về cây ăn trái, rau, cây dược liệu, cây đặc sản, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, lâm nghiệp… Cùng với đó, sản xuất nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ; chú trọng phát triển lâm nghiệp gắn với giảm nghèo bền vững; tăng cường triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm, phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng NTM.

Hiện nay, Bình Dương đã hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao, những trang trại thực hành sản xuất tốt theo hướng VietGAP, hợp tác xã trồng rau an toàn và nhiều cơ sở chế biến nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm. Toàn tỉnh có trên 580 ha sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ đối với các loại cây trồng. Cây bưởi đạt diện tích trên 115 ha cho sản phẩm, năng suất bình quân đạt 15 - 20 tấn/ha/năm, thu nhập khoảng 600 triệu đồng/ha/năm; cây cam có diện tích 260 ha cho sản phẩm, năng suất bình quân đạt 40 - 60 tấn/ha/năm, thu nhập khoảng 1,2 tỷ đồng/ ha/năm. Ngoài ra, sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao như sử dụng phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học, sản xuất trong nhà màng, nhà lưới… cũng đạt hiệu quả kinh tế cao.

Ngành chăn nuôi của tỉnh cũng đang trên đà phát triển và chuyển dịch theo hướng tăng dần các loại giống, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; nhiều mô hình chăn nuôi trang trại theo hướng công nghiệp tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao. Hiện hơn 70% tổng đàn heo, gà đều được đầu tư theo quy mô trang trại công nghiệp và ứng dụng công nghệ cao.

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, cho rằng nhờ đặt ra mục tiêu đúng hướng nên sản xuất trên các lĩnh vực của ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển theo đúng định hướng, quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường được nhân rộng. Nhiều nông hộ, trang trại đã chủ động ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Trên địa bàn tỉnh có 167 hợp tác xã, trong đó có nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị hoạt động hiệu quả, được mở rộng đầu tư, kinh doanh góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Ông Trần Thanh Liêm - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể tập trung huy động các nguồn lực nhằm đầu tư phát triển hoàn thiện hạ tầng nông thôn, tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đảm bảo cơ bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu. Chú trọng thực hiện tốt công tác quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ; làm cơ sở thực hiện đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất. UBND các huyện, thị xã cần tập trung rà soát, đầu tư nâng cao chất lượng các tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu; phấn đấu đến năm 2025 Bình Dương sẽ có 50% xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, thu nhập bình quân đầu người tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020./.

CM (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực