Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội

Thứ ba, 22/08/2017 17:26
(ĐCSVN) – Đây là chủ đề của buổi Tọa đàm trực tuyến do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 22/8 tại Hà Nội.

Khách mời của chương trình Tọa đàm gồm: ông Đỗ Ngọc Thọ - Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam); ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Bảo hiểm xã hội (BHXH) là chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Hiện nay, ở nước ta mới có hơn 13,4 triệu người (chiếm 24% lao động) tham gia BHXH tự nguyện, bắt buộc, trong khi đó, Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị đặt  ra mục tiêu đến năm 2020, nước ta phải đạt được 50% lao động tham gia loại hình BHXH này. Tuy nhiên, nhiều chính sách ưu việt của BHXH chưa thực sự được một bộ phận người lao động quan tâm.

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã mở rộng đối tượng tham gia BHXH, đây vừa là cơ hội để người lao động tham gia nhưng cũng là thách thức khó khăn đối với ngành BHXH.

Vậy làm thế nào để ngành BHXH có thể thu hút được người lao động tham gia BHXH, vừa bảo đảm được cuộc sống cho chính những người lao động, vừa bảo đảm được an sinh xã hội khi nguy cơ già hoá dân số đang tăng lên?

Tọa đàm trực tuyến Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Ảnh: ĐT

Tại buổi Tọa đàm, ông Đỗ Ngọc Thọ - Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho rằng, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội hiện chưa đạt được kỳ vọng của chính sách và so với yêu cầu đặt ra của Nghị quyết 21 vẫn còn khoảng cách rất xa. Để hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết, cần có sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.

Về nguyên nhân của vấn đề này, ông Đỗ Ngọc Thọ cho rằng do điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua còn nhiều khó khăn, nên việc chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức diễn ra chậm nên số người lao động có quan hệ lao động không tăng nhiều. Nhiều doanh nghiệp phải giải thể, phá sản, thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh dẫn đến cắt giảm lao động. Số doanh nghiệp tăng mới nhiều nhưng quy mô nhỏ và siêu nhỏ, số lao động sử dụng ít. Bên cạnh đó là ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận chủ sử dụng lao động chưa tốt trong khi cơ chế kiểm soát, cưỡng chế còn nhiều bất cập. Hiện chưa quản lý tốt công tác khai báo tình hình lao động của các doanh nghiệp, dẫn đến không nắm bắt được số người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc làm cơ sở cho việc đôn đốc đăng ký tham gia.

Theo ông Đỗ Ngọc Thọ, công tác thanh tra, kiểm tra của ngành lao động chưa thường xuyên, liên tục, nguồn lực mỏng. Cơ quan bảo hiểm xã hội được giao chức năng thanh tra nhưng thời gian đầu chưa thực hiện được nhiều. Cơ chế để cưỡng bức, ràng buộc người sử dụng lao động phải đóng cho người lao động chưa được phát huy. Nguyên nhân nữa là một số địa phương mong muốn thu hút đầu tư nên chưa quyết liệt xử lý vi phạm, trong khi một bộ phận người lao động vì mưu sinh trước mắt, không dám đấu tranh đòi quyền lợi tham gia bảo hiểm xã hội.

Còn theo ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nhân và Công đoàn, để đạt được 24% người lao động tham gia bảo hiểm xã hội là cố gắng lớn của cơ quan tuyên truyền và cơ quan thực hiện chính sách. Nghị quyết 21 đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có 50% số người lao động làm công hưởng lương tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, quãng đường đi còn rất ngắn mà phần việc phải làm còn rất nhiều, thành tích đạt được còn khiêm tốn.

Ông Vũ Quang Thọ cũng cho rằng số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội có tăng nhưng không nhiều và bền vững. Những người đã hưởng bảo hiểm xã hội nhưng do trục trặc của nền kinh tế nên phải rút khỏi thị trường lao động lại muốn nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Con số Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra là mỗi năm có khoảng 600.000 – 700.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Số tăng lên và số rút ra nhận bảo hiểm xã hội một lần đã làm cho số thực tăng không đáng kể.

Ngần ngại lớn nhất đối với người lao động là tỷ lệ đóng, ông Vũ Quang Thọ cho hay: “Công nhân lao động quan niệm tiền họ làm được là rất quan trọng, chỉ cần 10.000 đồng, họ đã có thể chuyển từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác nên mức đóng hiện nay 22% theo họ là cao. Bên cạnh đó, khi bị ngừng việc, họ muốn thanh toán ngay, không muốn tiếp tục kéo dài. Ngay cả những người tham gia bảo hiểm xã hội cũng không muốn kéo dài thời gian được đóng bảo hiểm xã hội, chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt, không nhìn thấy lợi ích lâu dài nên mới có chuyện gần 10.000 người kiến nghị Thủ tướng muốn thanh toán BHXH một lần”.

Bàn về giải pháp để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, đặc biệt là lao động hợp đồng ngắn hạn, ông Đỗ Ngọc Thọ thông tin, chính sách hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội sẽ bắt đầu được thực hiện từ năm 2018. Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tính trên chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn, người trong hộ nghèo được hỗ trợ 30% mức đóng, người ở hộ cận nghèo được hỗ trợ 25%, các nhóm đối tượng khác được hỗ trợ 10%. Tuy mức hỗ trợ còn khiêm tốn nhưng trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, ông Đỗ Ngọc Thọ cho rằng đó là đáng quý.

Nêu quan điểm cá nhân, ông Đỗ Ngọc Thọ nhìn nhận nếu nhà nước tạo được cú huých đủ mạnh để thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội (tức sự hỗ trợ của nhà nước lớn hơn, nhiều người tham gia hơn để sau này nhiều người có lương hưu hơn) thì sau này nhà nước sẽ giảm được chi phí chi cho trợ cấp người cao tuổi như hiện nay.

“Đầu tư bây giờ sẽ gặt hái sau này, đầu tư bây giờ là có lợi hơn vì đó là giải pháp chủ động, còn sau này chi trả như vậy là bị động. Như bảo hiểm y tế diện bao phủ tăng nhanh, trong đó có nguyên nhân nhà nước hỗ trợ rất nhiều. Người dân phải nhìn thấy họ được cái gì đó thì mới kích thích họ hơn”, ông Đỗ Ngọc Thọ nói.

Giải pháp khác được ông Đỗ Ngọc Thọ đưa ra là Bảo hiểm xã hội phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành xây dựng trình Chính phủ đề án giao chỉ tiêu đối tượng cho các địa phương; phối hợp với cơ quan Thuế để xác định số người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp có đóng thuế, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người sử dụng lao động thấy được trách nhiệm pháp lý trong việc đảm bảo quyền lợi tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động cũng như để người lao động hiểu rõ hơn quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội.

Không đồng tình với quan điểm giao chỉ tiêu đối tượng cho các địa phương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nhân và Công đoàn Vũ Quang Thọ cho rằng giao chỉ tiêu là mang tính chất bắt buộc, điều quan trọng là tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nhận thức được ý nghĩa của việc tham gia bảo hiểm xã hội./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực