Phòng chống bệnh sốt xuất huyết là trách nhiệm của cả cộng đồng

Thứ ba, 25/07/2017 14:23
Tại Sóc Trăng, tình hình bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng và diễn biến phức tạp trên địa bàn.

Người dân cần được tuyên truyền rộng rãi để cùng chung tay đẩy lùi
dịch SXH đang diễn ra phức tạp. Ảnh: N.D


Bệnh viện chuyên khoa Sản – Nhi tỉnh Sóc Trăng, trong 6 tháng đầu năm 2017 tiếp nhận 302 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2016. Chỉ tính trong tháng 6/2017, bệnh viện có 125 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng gấp 3 lần so với tháng 6/2016. Riêng trong 3 tuần đầu tháng 7, bệnh viện có tới 105 ca bệnh sốt xuất huyết.

Điều đáng nói là năm nay bệnh sốt xuất huyết diễn ra theo tính chất vùng. Tại các bệnh viện của tỉnh Sóc Trăng, bệnh nhân đến từ một khu vực khóm, xã, ấp…là rất nhiều. Nhiều trường hợp trong một gia đình, khi thành viên này khỏi bệnh thì thành viên khác bị bệnh sốt xuất huyết. Theo ghi nhận, một số điểm nóng về bệnh sốt xuất huyết hiện nay là Phường 2 (thành phố Sóc Trăng), xã An Hiệp (huyện Châu Thành), xã Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú), xã Long Đức (huyện Long Phú) và huyện Mỹ Xuyên.

Gia đình chị Trần Thị Thanh Phương ở xã Gia Hòa 1, huyện Mỹ Xuyên có 2 con nhỏ. Cách đây 1 tháng, con gái lớn 13 tuổi bị sốt xuất huyết, nhập viện điều trị khỏi. Sau đó một thời gian, con trai nhỏ của chị cũng bị sốt xuất huyết. Chị Phương cho biết: “ Xóm đã có hơn 10 trẻ bệnh sốt xuất huyết. Sau khi con gái lớn bệnh, gia đình đã dọn dẹp, phát quang bụi rậm cho thông thoáng nhưng đứa nhỏ vẫn bị bệnh”.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng, trong 5 tháng đầu năm 2017, số bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện rất ít, nhiều ngày không có ca bệnh nào. Tuy nhiên từ đầu tháng 6/2017, trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận 2 – 7 ca sốt xuất huyết; riêng ngày thứ Bảy – Chủ nhật, bệnh viện tiếp nhận hơn 10 ca sốt xuất huyết.

Phần lớn ca bệnh sốt xuất huyết ở bệnh viện đa khoa tỉnh thuộc mức độ 1 là sốt xuất huyết đen, chủ yếu ở bệnh nhân từ 16 tuổi – 25 tuổi. Tuy nhiên, theo ghi nhận của bệnh viện, năm nay, số người lớn tuổi bị sốt xuất huyết cao hơn mọi năm. Bệnh nhân bị sốt xuất huyết có tiểu cầu thấp rất nhiều, diễn biến phức tạp hơn những năm trước đó.

Bác sĩ Tăng Vũ, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Năm nay, nhiều khả năng tuýp gây bệnh của sốt xuất huyết đã thay đổi. Với những ca bệnh diễn biến phức tạp, bệnh viện theo dõi sát sao hơn và lưu giữ bệnh nhân, khi nào sức khỏe ổn định mới cho xuất viện”.

Sóc Trăng là một trong những vùng dịch tễ của bệnh sốt xuất huyết, năm nào cũng có ca bệnh, các nơi trên địa bàn đều có nguồn bệnh sốt xuất huyết. Chính vì vậy, các bệnh viện đã sớm lên kế hoạch chuẩn bị nhân lực, vật tư, thuốc, dịch truyền. Trong tháng 6/2017, ngành Y tế tỉnh Sóc Trăng đã tập huấn định kỳ về phác đồ điều trị bệnh sốt xuất huyết cho đội ngũ y, bác sĩ trên địa bàn, đặc biệt là đội ngũ y, bác sĩ ở 11 huyện, thị xã, thành phố.

Trước tình hình mùa mưa kéo dài, bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, ngoài sự nỗ lực của ngành Y tế, sự vào cuộc của chính quyền địa phương và người dân là rất cần thiết. “ Địa bàn có bệnh nhân sốt xuất huyết chắc chắn đã có nguồn bệnh. Người dân phải diệt muỗi, diệt loăng quăng, phát quang bụi rậm, xử lý ao nước cũ trong tầm diện rộng. Toàn dân cần chung tay phòng chống bệnh sốt xuất huyết, giúp ngành Y tế giảm áp lực về bệnh này”, bác sĩ Hồng Tuấn Hòa, Phó Giám đốc Bệnh viện chuyên khoa Sản – Nhi tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh./.

Hoài Thu/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực