Phum sóc Sóc Trăng đổi thay từ chính sách dân tộc

Thứ sáu, 06/12/2019 19:35
(ĐCSVN) - Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (dân tộc Khmer chiếm 30,71%, dân tộc Hoa chiếm 5,02%). Thời gian qua, Sóc Trăng đã thực hiện hiệu quả nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội, chính sách an sinh xã hội để đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào trong tỉnh tiếp tục được nâng lên.

Theo Ban dân tộc tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Sóc Trăng có 29 xã và 158 ấp, khóm đặc biệt khó khăn thuộc khu vực II diện đầu tư Chương trình 135. Từ năm 2016 đến 2019, tổng vốn Trung ương đầu tư trên 284 tỷ đồng; Sóc Trăng đã triển khai thực hiện 162 công trình giao thông nông thôn, giáo dục, thủy lợi, văn hóa ở các xã đặc biệt khó khăn, với tổng vốn đầu tư là 158,5 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo với số vốn là 51,78 tỷ đồng; nhân rộng mô hình giảm nghèo cho 4.035 hộ gia đình, thông qua các hoạt động như hỗ trợ cây giống, dụng cụ nông nghiệp, hướng dẫn nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi...

Ông Lâm Sách, Trưởng Ban dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho biết: Từ hiệu quả của các chính sách dân tộc như chương trình, quyết định 134, 135, 167, 74… đã có hàng chục nghìn hộ Khmer nghèo được xây nhà ở, hỗ trợ vốn, giống cây trồng, vật nuôi, đất sản xuất, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm. Khi người dân có vốn phát triển kinh tế, chọn mô hình làm ăn phù hợp, có hiệu quả và cùng với kết cấu hạ tầng được Nhà nước đầu tư phục vụ sản xuất quanh năm, hiệu quả phát triển kinh tế ngày càng cao.

“Nhờ những chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS chuyển biến đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống rõ rệt. Hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 2 – 3%/năm, trong đó, hộ nghèo đồng bào Khmer giảm từ 3 – 4%/năm. Trong năm 2018, Sóc Trăng có 11.440 hộ thoát nghèo, qua đó giảm hộ nghèo trong toàn tỉnh xuống còn 27.154 hộ, trong đó hộ đồng bào dân tộc Khmer là 13.013 hộ, (chiếm 12,98% tổng số hộ đồng bào Khmer)” – ông Sách nói.

leftcenterrightdel
Vợ chồng chị Lâm Thị Sươl ở ấp Đại Bái, xã Lạc Hòa (TX.Vĩnh Châu – Sóc Trăng) thu hoạch củ hành, cây màu chủ lực bà con Khmer Vĩnh Châu. 

Vĩnh Châu là thị xã ven biển của tỉnh Sóc Trăng có đến 53% là đồng bào Khmer. Những năm qua, Vĩnh Châu luôn quan tâm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội cũng như đầu tư xây dựng hạ tầng nhằm nâng cao đời sống cho đồng bào, đồng thời thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, đất ở, đất sản xuất hay chuyển đổi ngành nghề. Riêng đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn ưu đãi là 13.304 lượt hộ với số tiền hơn 218 tỷ đồng. Nhờ thụ hưởng những chính sách ưu đãi cho nên nhiều hộ đồng bào Khmer mở rộng sản xuất và áp dụng nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, cuộc sống của đồng bào đã được nâng lên rõ rệt.

Gia đình anh Trần Kim Hoàng và chị Thạch Thị Tha, ấp Trà Sết, xã Vĩnh Hải (TX. Vĩnh Châu – Sóc Trăng), sau ba năm sinh sống tại khu tái định cư Trà Sết đã thoát nghèo. Anh Hoàng chia sẻ: “Bà con khu tái định cư được nhà nước hỗ trợ tiền xây nhà cho nên yên tâm về chỗ ở. Vợ chồng tôi cố gắng lao động, tiết kiệm tiền để nuôi các con ăn học và phát triển kinh tế gia đình”.

Còn chị Lâm Thị Sươl ở ấp Đại Bái, xã Lạc Hòa (TX.Vĩnh Châu – Sóc Trăng), bộc bạch: “Trước đây, do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất cho nên cái nghèo cứ đeo bám. Nhờ nhà nước hỗ trợ vốn, lại được cán bộ khuyến nông hướng dẫn cách tăng gia sản xuất, cuộc sống của gia đình khá hơn rất nhiều. Ngoài gia đình tôi, còn nhiều hộ đồng bào Khmer ấp này đã vươn lên thoát nghèo”.

Trần Ðề cũng là huyện ven biển của tỉnh Sóc Trăng có đến 50% là đồng bào Khmer, có nhiều xã đặc biệt khó khăn và xã vùng bãi ngang ven biển, hải đảo. Với sự chăm lo của Ðảng, Nhà nước, cuộc sống và trình độ dân trí của người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm, hộ khá, giàu ngày càng tăng.

Chủ tịch huyện Trần Ðề, ông Lưu Hữu Danh cho biết: “Trong những năm qua, Trần Ðề đã triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cho các xã đặc biệt khó khăn, với tổng số vốn hơn 10 tỷ đồng. Trong đó xây dựng cơ sở hạ tầng hơn 6,2 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo gần 4 tỷ đồng. Thực hiện Quyết định 22 của Chính phủ, huyện đã hỗ trợ cho 2.751 hộ với 11.334 nhân khẩu hơn 1 tỷ đồng; tổ chức dạy nghề cho 732 lao động, giới thiệu việc làm cho 2.718 lao động và xuất khẩu 20 lao động với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng; đồng thời, chỉ đạo phối hợp với những người có uy tín, các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động đồng bào nâng cao ý thức tự vươn lên trong sản xuất, giảm nghèo bền vững, góp phần đáng kể cho chính sách giảm nghèo và hộ nghèo”.

leftcenterrightdel
Anh Trần Văn Chiến ở ấp An Hòa, xã Thạnh Thới An (huyện Trần Đề) chăm sóc đàn bò sữa của gia đình. 

Nhận thấy nuôi bò sữa đầu tư vốn ít, lãi cao mà chỉ tốn công chăm sóc cho nên nhiều hộ đồng bào Khmer ở xã Thạnh Thới An (huyện Trần Đề) đã chọn bò sữa làm mô hình để thoát nghèo. Anh Trần Văn Chiến ở ấp An Hòa, xã Thạnh Thới An cho biết: “Tôi được Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ vay 30 triệu đồng để mua một con bò sữa về nuôi. Ðến nay, gia đình tôi đã mua thêm 2 con bò sữa, 4 con bò thịt, thu nhập hằng năm bảo đảm cuộc sống gia đình và nuôi hai con học đại học”.

Theo ông Lâm Văn Mẫn, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng: Thời gian qua, Chương trình 135 đã góp phần xây dựng cơ bản hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống. Hiện nay, các xã đều có đường giao thông nông thôn nối liền ấp, liền xã giúp người dân đi lại dễ dàng, lưới điện quốc gia đã vào đến từng nhà, phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân, trường học, trạm y tế xã cũng được đầu tư xây dựng khang trang. Nhiều người dân Khmer đã nỗ lực vươn lên trong sản xuất, từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm, từ đó thoát nghèo và nhiều gia đình vươn lên khá giả. Tại các phum sóc, đồng bào xây dựng thành công nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, đem lại thu nhập cao như trồng trọt kết hợp chăn nuôi, mô hình tôm – lúa, cá – lúa, nuôi bò sữa, nuôi gà, trồng nấm rơm… Hàng chục nghìn hộ Khmer vươn lên thoát nghèo ngay trên chính quê hương mình.

“Nhờ thực hiện có hiệu quả nguồn vốn Chương trình 135 của Chính phủ đã có nhiều xã có đông đồng bào Khmer như Đại Tâm, Tham Đôn (huyện Mỹ Xuyên), Phú Tân (huyện Châu Thành), Lâm Tân (huyện Thạnh Trị), Trường Khánh (huyện Long Phú), Viên Bình, Lịch Hội Thượng (huyện Trần Đề)... đã đạt chuẩn xã NTM” – ông Mẫn cho biết.

Đến nay, vùng có đông đồng bào Khmer Sóc Trăng đang dần thay đổi toàn diện. Không chỉ đời sống kinh tế ngày càng được nâng cao, đồng bào Khmer ở các phum, sóc còn luôn nêu cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, chung tay góp sức xây dựng quê hương./.

Bài và ảnh: Phương Nghi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực