Quảng Nam: Nỗ lực ổn định đời sống người dân sau mưa lũ, sạt lở đất

Thứ tư, 13/12/2017 18:42
(ĐCSVN) - Sau đợt mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 12 từ đầu tháng 11 vừa qua, tỉnh Quảng Nam đã chịu nhiều tổn thất về người và tài sản. Cùng với sự giúp đỡ, sẻ chia của toàn xã hội, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam đã và đang nỗ lực vượt qua khó khăn, ổn định đời sống và sản xuất.


Nhiều nhà dân ở huyện Nam Trà My bị hư hỏng nặng do sạt lở đất. Ảnh: Ngọc Duyên


Đến thời điểm này, mặc dù tuyến đường độc đạo QL40B nối từ huyện Bắc Trà My lên huyện vùng cao Nam Trà My đã được thông xe, song tại nhiều điểm sạt lở, công nhân vẫn đang nỗ lực hoàn thành công việc dọn dẹp đất đá. Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện chia sẻ, do ảnh hưởng của bão và hoàn lưu bão số 12, từ ngày 3 - 9/11, trên địa bàn huyện xảy ra đợt mưa rất lớn kéo dài kèm theo gió mạnh đã gây ra những thiệt hại nặng nề. Tuyến QL40B bị sạt đất với khối lượng hơn 420.000m3; hàng chục tuyến đường huyện bị chia cắt. Huyện Nam Trà My ghi nhận có 7 người chết, bị thương 14 người; hàng chục ngôi nhà của người dân bị sập do sạt lở, hư hỏng. Trong đó, riêng tại xã Trà Tập, huyện Nam Trà My có 2 ngôi nhà bị sụp đổ hoàn toàn, 3 căn khác bị hư hỏng nghiêm trọng do sạt lở đất…

 

Chúng tôi tìm đến nhà ông Bùi Quốc Thịnh tại thôn 1, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My và thật ngỡ ngàng khi trước mắt chúng tôi là một căn nhà tường gạch bị sập đổ hoàn toàn do sạt lở đất từ quả đồi phía sau gây ra. Rất may khi đất đá vừa chớm lở, gia đình ông Thịnh đã nhanh chóng thoát ra ngoài nên không có thương vong về người. Cạnh nhà ông Thịnh, ngôi nhà của chị Nguyễn Thị Thu đang trong giai đoạn hoàn thành cũng bị đất đá sạt lở gây hư hỏng nặng. “Sau nhiều năm cố gắng làm ăn, tích góp tôi mới làm được căn nhà nhỏ này. Ai ngờ đất đá sạt lở làm hư hỏng rồi. Giờ tôi phải đi tá túc tạm bợ qua ngày ở nhà người quen rồi từ từ mới tính đến việc sửa chữa nhà”, chị Thu ngậm ngùi, nói.

 

Trong đợt mưa lũ vừa qua, tỉnh Quảng Nam đã xuất hiện nhiều địa phương bị thiệt hại lớn về người và của do sạt lở đất. Cùng chung nạn sạt lở đất với huyện Nam Trà My còn có huyện Bắc Trà My. Địa phương này cũng đã ghi nhận có hàng chục người tử vong do sạt lở đất, nhiều ngôi nhà của người dân bị sạt lở, phải di dời khẩn cấp. Ngay như tại huyện Phước Sơn, chưa bao giờ người dân và chính quyền địa phương lại có nỗi lo sạt lở đất nhiều như trong mùa mưa lũ năm nay. Đặc biệt, tại xã Phước Hòa, huyện Phước Sơn vào ngày 5/11 đã xảy ra vụ sạt lở núi vùi lấp 4 người. Sau khi sạt lở đất xảy ra, hàng trăm người kể cả người dân địa phương và lực lượng chức năng đã được huy động tìm kiếm những người mất tích, song đến nay chỉ có 3 nạn nhân được tìm thấy xác, riêng nạn nhân Hồ Văn Chước, nhân viên hợp đồng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Mi, đã có vợ và 2 người con nhỏ, đến nay vẫn chưa được tìm thấy.

 

Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết phát huy nội lực, với phương chậm “4 tại chỗ”, UBND huyện Nam Trà My đã và đang tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai, trước mắt chỉ đạo và giao các đơn vị tập trung giải tỏa các tuyến đường giao thông, sửa chữa các công trình thủy lợi, ổn định chỗ ở cho nhân dân. Về vụ sạt lở đất tại xã Trà Vân khiến 5 người tử vong, ngay sau khi có thông tin về vụ việc, UBND huyện Nam Trà My đã chỉ đạo các lực lượng Quân sự, Công an, Y tế cùng lực lượng của xã đến hiện trường để giúp người dân khắc phục hậu quả, tìm kiếm thi thể người bị vùi lấp.

 

Trước tình hình trên, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi (giáp ranh với khu vực bị sạt lở) đã kịp thời hỗ trợ 2 tấn gạo, 200 thùng mì tôm, cuốc, xẻng cho nhân dân thôn 2, xã Trà Vân. Về lâu dài, để không còn xảy ra tình trạng sạt lở đất gây chết người tại xã Trà Vân, cũng như tạo điều kiện để người dân địa phương phát triển kinh tế - xã hội, theo ông Bửu, huyện Nam Trà My đang triển khai phương án sắp xếp, bố trí lại dân cư trên địa bàn xã nói chung cũng như khu dân cư làng Khe Chữ, thôn 2 và khu dân cư làng Tăk Buôn, thôn 3 nói riêng. Qua đó sẽ tạo mô hình điểm để triển khai hoàn thành việc bố trí, sắp xếp 14 khu dân dân cư còn lại trên địa bàn toàn xã Trà Vân.

 

Bên cạnh việc sạt lở gây tổn thất về người, tỉnh Quảng Nam cũng đã ghi nhận nhiều địa phương bị sạt lở ven sông, đe dọa đến nhà cửa và đất sản xuất của người dân. Tình hình sạt lở ven sông tại một số địa phương ở Quảng Nam như Đại Lộc, Duy Xuyên, Nông Sơn, Nam Giang diễn ra khá nghiêm trọng. Riêng tại huyện Đại Lộc, hàng chục héc-ta đất sản xuất hoa màu ven sông Vu Gia đã bị sạt lở, trong đó xã Đại Hồng có khoảng 4ha. Sông Vu Gia chảy qua địa bàn xã Đại Hồng ăn sâu vào đất sản xuất từ 5-10m. Còn tại huyện miền núi Nông Sơn, ông Thái Bình - Bí thư Huyện ủy cho biết địa phương này cũng đã ghi nhận nhiều nhà dân ven sông Thu Bồn tại các xã Quế Ninh, Phước Ninh, Quế Phước bị sạt lở. Huyện Nông Sơn đang tiến hành tổng rà soát tình trạng sạt lở ven sông Thu Bồn để có hướng di dời người dân đến nơi an toàn.

 

Theo số liệu tổng hợp, tại Quảng Nam mưa lũ đã làm 36 người chết, 1 người mất tích và 34 người bị thương. Toàn tỉnh có 119 nhà bị thiệt hại nặng (trên 70%) và gần 300 nhà bị hư hỏng. Hơn 280 trường học bị ngập nước, 97 phòng học và nhiều trang thiết bị, hóa chất bị hư hỏng; 55 cơ sở y tế bị ngập nước, hư hỏng một số thiết bị; tràn xả lũ hồ chứa Nước Rôn (huyện Bắc Trà My) bị sạt lở, 46 đập thời vụ bị cuốn trôi và hơn 54.000m kênh mương hư hại; 1.100m bờ biển Cửa Đại và 500m bờ biển Cửa Lở cùng 6.400m bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng. Mưa lớn cũng làm sạt lở 42 vị trí trên các tuyến quốc lộ với tổng khối lượng khoảng 900.000m3. Về sản xuất, hơn 2.000ha hoa màu bị thiệt hại, gần 3.000ha cây trồng ngã đổ, hơn 3.700 gia súc, 255.000 gia cầm bị nước cuốn trôi. Ước thiệt hại khoảng 1.500 tỷ đồng. 

 

Ngọc Duyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực