Quản lý thực phẩm bẩn, cần tạo một hành lang pháp lý đủ mạnh

Thứ năm, 18/01/2018 23:05
(ĐCSVN) – Đó là vấn đề được đặt ra tai buổi tọa đàm "Cuộc chiến chống thực phẩm bẩn: Bất cập từ quản lý và giải pháp cho doanh nghiệp" do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều ngày 18/1.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng – Phó Tổng biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp nhận định, an toàn thực phẩm là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt, được tiếp cận với thực phẩm an toàn đang trở thành quyền cơ bản đối với mỗi con người.

Đại diện doanh nghiệp và các cơ quan quản lý chia sẻ tại Tọa đàm 

Vệ sinh an toàn thực phẩm tại nước ta hiện đang gây nên nhiều lo lắng cho người dân. Tết Nguyên đán Mậu Tuất và Mùa lễ hội năm 2018 đã cận kề, lợi dụng thời điểm nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao, các đối tượng buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng nhái đưa các sản phẩm kém chất lượng ra thị trường. Vì thế, rất nhiều các vụ ngộ độc, thậm chí dẫn đến tử vong đã xảy ra.

“Việc truy xuất nguồn gốc và thu hồi chưa nghiêm”

Xét đến căn nguyên của vấn đề, bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế chia sẻ, qua thực tế kiểm tra cho thấy, nếu an toàn thực phẩm vẫn còn những cơ sở nhỏ lẻ thì việc không an toàn vẫn còn tiếp tục xảy ra. Một số địa phương đã bước đầu hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường nhưng an toàn thực phẩm thì chưa. Vấn đề an toàn thực phẩm ngoài trách nhiệm người sản xuất kinh doanh, nếu không có địa phương vào cuộc thì không thể nào giám sát được.

Đặc biệt, theo bà Nga, "Việc truy xuất nguồn gốc và thu hồi chưa nghiêm. Phải có hệ thống kiểm soát thì mới truy xuất nguồn gốc và thu hồi được. Nhưng do Việt Nam có quá nhiều cơ sở nhỏ lẻ nên việc kiểm soát rất khó khăn". Bà Nga mong muốn các doanh nghiệp có mặt tại tọa đàm đưa ra được những sáng kiến, giải pháp và Bộ Y tế sẽ xem xét để thực hiện vấn đề an toàn thực phẩm được tốt hơn".

bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế

Từ góc độ người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, hiện nay việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa đúng mức.

Theo đó, cần tạo lập chuỗi sản xuất và quan tâm kiểm soát quá trình từ sản xuất, chế biến, vận chuyển đến lưu thông sản phẩm trên thị trường. Kiểm soát được chuỗi thì chúng ta có thể có cơ sở để truy xuất nguồn gốc.

Ông Hồ Quang Thái - Chánh Văn phòng Quỹ Chống hàng giả cho biết, tình trạng thực phẩm bẩn đang gây bức xúc dư luận, khi đi chợ, siêu thị, người tiêu dùng băn khoăn không biết dùng loại thực phẩm nào do tình trạng thực phẩm bẩn đang tràn lan trên thị trường.

Hiện nay cơ sở để căn cứ xác định hàng giả là vô cùng khó khăn, 6 năm vừa qua mới chỉ khởi tố được một vụ về VSATTP. “Theo tôi muốn xác định được hàng giả thì trên tay phải có hàng thật để so sánh và có đơn khởi kiện của doanh nghiệp thì cơ quan quản lý mới có cơ sở để xử lý. Phải tạo một hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ sức răn đe” – ông Thái nói.

Gian nan đưa thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng

Đại diện cho các doanh nghiệp về chống thực phẩm bẩn, bà Nguyễn Thùy Dương – Tổng Giám đốc Siêu thị SEIKA Mart cũng cho biết: “Sử dụng sản phẩm sạch là nhu cầu hiển nhiên của người tiêu dùng. Tuy nhiên, niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm vẫn chưa có. Tuy nhiên, khi tiếp xúc trực tiếp với nhà sản xuất sản phẩm sạch, chúng tôi biết có nhiều đơn vị rất tâm huyết, phải khởi nghiệp rất vất vả để đưa ra thị trường sản phẩm chất lượng. Chúng tôi đã phải đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ để họ có thể tiếp tục sản xuất, cung cấp sản phẩm sạch cho người tiêu dùng”.

Bà Nguyễn Thùy Dương – Tổng Giám đốc Siêu thị SEIKA Mart 

Theo bà Dương, về phía siêu thị, uy tín của những người làm phân phối chính là sản phẩm trên kệ siêu thị, đáp ứng yêu cầu của cơ quan nhà nước về ATVSTP. Khi đưa sản phẩm vào quầy siêu thị, doanh nghiệp phải kiểm tra giấy tờ, kiểm tra nhà máy, cơ sở sản xuất và kiểm tra thực tế sản phẩm. Bên cạnh hàng hóa đạt chất lượng phải có mức giá phù hợp. Chúng tôi mong muốn sự quản lý của cơ quan nhà nước với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm sạch được thực hiện thường xuyên, minh bạch để người tiêu dùng có thể mua được những sản phẩm uy tín. "Do đó, bản thân các nhà cung cấp cũng khá lo lắng khi đưa được hàng vào siêu thị". 

“Tuy nhiên, khó khăn của những nhà phân phối như chúng tôi là ưu tiên sản phẩm sạch nhưng những sản phẩm hữu cơ lại có sản lượng thấp nên dẫn đến tình trạng khan hàng khi kinh doanh” – bà Dương chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Thanh Hùng – Giám đốc Cty TNHH Ba Huân Hà Nội cho biết, vấn đề chống thực phẩm bẩn cần giải quyết đồng bộ từ chính quyền. Ngoài sự hỗ trợ các doanh nghiệp trong sản xuất thực phẩm sạch, cần có biện pháp ngăn ngừa sản phẩm bẩn này xuất hiện trên thị trường; ban hành quy chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất sạch.

Doanh nghiệp tham gia sản xuất sạch muốn có thương hiệu phải đưa lợi ích của người tiêu dùng lên hàng đầu thì mới thành công. Về phía người tiêu dùng phải nhận thức được sản phẩm của mình và thay đổi được thói quen mua sắm .

Ngoài ra, để các sản phẩm sạch của doanh nghiệp đến tay người tiêu dùng cũng cần sự hỗ trợ của các cơ quan truyền thông, tuyên truyền các sản phẩm sạch trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời phanh phui các sản phẩm bẩn để người tiêu dùng được biết.

Kim Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực