Rộng mở cơ hội xuất khẩu lao động năm 2019

Thứ ba, 12/02/2019 11:03
(ĐCSVN) - Năm 2019 hứa hẹn sẽ có thêm nhiều cơ hội cho người lao động với hàng loạt thị trường việc làm tốt, thu nhập cao đang “mở cửa” với lao động Việt Nam.
Ảnh minh họa: Cục Quản lý lao động ngoài nước

Năm 2019, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đặt mục tiêu đưa được 120.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tín hiệu đáng mừng là năm 2019 hứa hẹn sẽ có thêm nhiều cơ hội cho người lao động với hàng loạt thị trường việc làm tốt, thu nhập cao đang “mở cửa” với lao động Việt Nam.

Đầu tiên, cần nhắc tới Nhật Bản - một trong các thị trường có điều kiện việc làm và thu nhập tốt, được người lao động Việt Nam ưa thích thì dự báo trong năm 2019, số lượng lao động làm việc tại Nhật Bản sẽ còn tiếp tục tăng mạnh hơn nữa, bởi lẽ, dự Luật Quản lý xuất nhập cảnh sửa đổi chính thức được Thượng viện Nhật Bản thông qua ngày 8/12 và có hiệu lực từ tháng 4/2019.

Với dự Luật này, trong 5 năm tới, ước tính Nhật Bản sẽ tiếp nhận khoảng 345.000 lao động nước ngoài làm việc trong những ngành nghề là thế mạnh của Việt Nam như: Nông nghiệp, chế biến thực phẩm, khách sạn, nhà hàng, ngư nghiệp, vệ sinh tòa nhà, công nghiệp rèn đúc, công nghiệp điện/điện tử/thông tin, bảo dưỡng/sửa chữa ô tô và hàng không… Đối tượng tiếp nhận là người lao động thuộc nhiều trình độ, không còn hạn chế trong nhóm thực tập sinh thực tập kỹ năng.

Những tín hiệu sáng của lĩnh vực xuất khẩu lao động còn đến từ bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực lao động được ký vào cuối năm 2018.

Trong chuyến thăm châu Âu hồi cuối tháng 11/2018, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác lao động và an sinh xã hội với Bulgaria và Rumani. Các biên bản này đã mở ra hàng trăm nghìn cơ hội việc làm cho lao động Việt Nam tại châu Âu.

Thông tin từ Cục Quản lý Lao động ngoài nước, chỉ riêng với thị trường Bulgaria, Việt Nam có thể cung ứng 50 nghìn lao động ở 6 lĩnh vực: Xây dựng, dệt may, nông nghiệp công nghệ cao, điều dưỡng. Do vậy, việc ký kết thỏa thuận giữa Bộ Lao động hai nước mang tính khai mở hợp tác về lao động, bao gồm cả xuất khẩu lao động và đào tạo nghề.

Không chỉ Bulgari, Rumania cũng được đánh giá là thị trường xuất khẩu lao động tiềm năng trong khu vực châu Âu. Đây là thị trường tiềm năng, có nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài lớn, ngành nghề phù hợp với lao động Việt Nam, mức lương và thu nhập của người lao động đảm bảo, chi phí trước khi đi thấp. Dự báo trong những năm tới, các công ty, doanh nghiệp của bạn cần nguồn cung lao động lên tới con số vài chục vạn người. Lao động Việt Nam sang Rumani có điều kiện làm việc tốt, được chủ doanh nghiệp bố trí nơi ăn, ở đảm bảo, mức lương cơ bản từ 600 USD đến 1.200 USD/tháng tùy từng ngành nghề, thời hạn hợp đồng là 02 năm (có thể gia hạn). Chi phí trước khi đi của người lao động vào khoảng 40 triệu đồng/người.

Về hợp tác đưa lao động Việt Nam sang Rumani làm việc trong những năm tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, sẽ chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước hướng dẫn các doanh nghiệp xuất khẩu lao động của Việt Nam lựa chọn lao động có kỹ năng, tay nghề, đàm phán, ký kết hợp đồng đảm bảo mức lương, điều kiện làm việc, các chế độ phúc lợi cho người lao động. Rumani đang rất cần lao động trong các ngành, nghề: nghề hàn, nghề xây dựng, sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp....

Có thể khẳng định, việc mở rộng cơ hội xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp nhằm hỗ trợ người dân tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập. Năm 2018 đã là năm thứ 5 liên tiếp, xuất khẩu lao động vượt mốc 100.000 người/năm và số lượng tiên tục tăng qua từng năm.

Để năm 2019 tiếp tục là năm đột phá trong xuất khẩu lao động, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, Cục này sẽ tiếp tục quan tâm đến công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp và người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, hoàn thiện hồ sơ xây dựng và phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị, trình nội dung về Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Song song với việc ổn định và mở thêm những thị trường xuất khẩu lao động mới, Cục tiếp tục mở rộng những ngành nghề mới, nhất là những ngành nghề có nhu cầu lao động chuyên môn kỹ thuật.

Một giải pháp khác được ông nhấn mạnh là việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; thường xuyên cập nhật thông tin trên cổng thông tin điện tử của cục, bộ và các phương tiện thông tin đại chúng về các chính sách, quy định mới của Việt Nam cũng như các nước tiếp nhận, thông tin giới thiệu về các chương trình tuyển dụng mới và nhu cầu của các thị trường tiếp nhận lao động.

Ngoài ra, Cục cũng sẽ tổ chức nhiều khóa tập huấn, thông tin những quy định mới về pháp luật liên quan đến lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cho cán bộ các doanh nghiệp xuất khẩu lao động và cán bộ địa phương làm công tác này nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài./.

Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực