Sẵn sàng ứng phó khi xảy ra thiên tai tại Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ ba, 31/07/2018 15:18
(ĐCSVN) - Cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, bão và thông tin đến các cấp chính quyền, người dân, nhất là vùng thấp, trũng ven sông và chủ đầu tư các công trình trên và ven sông, kênh, rạch; qua đó, chủ động các biện pháp phòng tránh, điều chỉnh kế hoạch sản xuất.

Đó là yêu cầu của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đối với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trước tình hình thiên tai dự báo còn nhiều diễn biến phức tạp tại khu vực này.

Quang cảnh cuộc họp (Ảnh: BT).

Sáng 31/7, tại Hà Nội, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp nhằm triển khai các giải pháp ứng phó với tình hình thiên tai xảy ra tại khu vực ĐBSCL.

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, từ năm 2010 đến nay, tại khu vực ĐBSCL, diễn biến sạt lở diễn ra rất nhanh, ngày càng phức tạp. Trong khu vực hiện có tổng số 562 điểm/786km sạt lở. Trong đó, bờ sông 513 điểm/520km; bờ biển 49 điểm/266km, riêng sạt lở đặc biệt nguy hiểm 55 điểm/173km.

Bên cạnh đó, theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, do lũ thượng nguồn về, trong 2-3 ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh, sau đó lên chậm do triều thấp. Đến ngày 8/8/2018, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu có khả năng lên mức 3,35m (dưới BĐ1 là 0,15m); trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc có khả năng lên mức 2,75m (dưới BĐ1 là 0,25m).

Trong 10 ngày tiếp theo, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên và đạt mức cao nhất vào ngày 13/8, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu lên mức 3,7m (trên BĐ1 là 0,2m); trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc lên mức 3,1m (trên BĐ1 là 0,1m), sau đó biến đổi chậm. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An.

Về tình hình sản xuất và thu hoạch lúa Hè Thu, tại Đồng Tháp, diện tích đã thu hoạch 125.095 ha/199.885 ha xuống giống, đang trổ chín 66.197 ha. Tất cả diện tích lúa Hè Thu đều nằm trong ô bao bảo vệ triệt để và không triệt để; đỉnh bờ bao không triệt để có chỗ thấp, chỗ cao. Hiện các địa phương đang gia cố những vị trí thấp để bảo vệ sản xuất.

Với tỉnh An Giang, còn 172.299 ha lúa chưa thu hoạch, trong đó có khoảng 2.300 ha ngoài đê bao. Dự kiến đến 30/8 cơ bản thu hoạch dứt điểm diện tích lúa Hè Thu; do đó, tùy theo mực nước lũ lên mức BĐI, II nhanh hay chậm sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Trước tình hình dự báo thiên tai còn nhiều diễn biến phức tạp, theo đại diện Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, bão thông tin đến các cấp chính quyền, người dân, nhất là vùng thấp, trũng ven sông và chủ đầu tư các công trình trên và ven sông, kênh, rạch để chủ động các biện pháp phòng tránh, điều chỉnh kế hoạch sản xuất. Chuẩn bị phương án ứng phó đề phòng bão đổ bộ vào khu vực ĐBSCL; đồng thời, chuẩn bị tốt các phương án thông báo, kêu gọi cũng như neo đậu tàu, thuyền tránh, trú khi có bão; tăng cường hệ thống truyền thông đến người dân và sẵn sàng phương án sơ tán dân; chuẩn bị lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Bên cạnh đó, theo đại diện Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, với các tỉnh như: Đồng Tháp, An Giang, Long An với lúa Hè Thu ngoài đê bao cần tổ chức thu hoạch sớm. Đối với khu vực trong đê bao cần kiểm tra các khu vực xung yếu. Đồng thời, để phòng chống việc sạt lở, các địa phương cần xây dựng các kế hoạch ứng phó và tổ chức diễn tập kế hoạch nhằm có kinh nghiệm, giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực